(Pháp lý) – Liên tiếp các vụ vỡ nợ liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian gần đây ở Trung Quốc khiến giới đầu tư bất an. Mặc dù, giới chức trách đã sốt sắng điều tra nhằm ngăn chặn các rủi ro lây lan trong hệ thống tài chính. Từ câu chuyện này, chuyên gia khuyến cáo nhiều bài học kinh nghiệm mà các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý.
Liên tiếp các DNNN của Trung Quốc tuyên bố vỡ nợ đều liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp
Trong khoảng thời gian chưa tròn một tháng, Trung Quốc phải chứng kiến ba doanh nghiệp nhà nước lớn gồm: Tập đoàn Điện lực và than Yongcheng, Tập đoàn ô tô Huachen, hãng công nghệ Tsinghua Unigroup tuyên bố không thể trả nợ cho các chủ nợ sau khi trái phiếu đến thời điểm đáo hạn.
Cụ thể, hôm 23/10, thị trường nợ Trung Quốc đã dậy sóng khi tập đoàn lớn Huachen Automotive - công ty mẹ thuộc sở hữu nhà nước của Brilliance China Automotive Holdings, đối tác liên doanh của BMW tại Trung Quốc - đã tuyên bố không thể trả nợ cho các chủ nợ sau khi trái phiếu đến thời điểm đáo hạn.
Tiếp sau Huachen, Tập đoàn Điện lực và than Yongcheng - một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng tuyên bố không thể trả nợ khoản trái phiếu 1 tỷ Nhân dân tệ. Điều đáng nói, Yongcheng là một công ty thuộc sở hữu nhà nước, vẫn được hãng xếp hạng tín dụng China Chengxin (Trung Quốc) xếp hạng trái phiếu ở mức tín nhiệm cao nhất AAA chỉ mới hồi tháng trước.
Mới đây nhất, 16/11, hãng công nghệ Tsinghua Unigroup, nhà phát triển và sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng ngành bán dẫn nội địa của Trung Quốc, rơi vào số phận tương tự.
Hãng xếp hạng tín dụng China Chengxin cho biết Tsinghua Unigroup vỡ nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ ở trong nước với trị giá 1,3 tỷ Nhân dân tệ sau khi không đạt được thỏa thuận gia hạn trả nợ với các chủ nợ. China Chengxin đã hạ bậc tín nhiệm nợ của hãng công nghệ này từ mức AAA về BBB.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có 10 công ty quốc doanh tại Trung Quốc vỡ nợ. Làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã mang đến cú sốc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã buộc phải hủy các đợt phát hành trái phiếu mới. Tính đến ngày 19/11, ít nhất 57 doanh nghiệp đã hoãn kế hoạch phát hành tổng cộng 44,2 tỷ NDT (tương đương 6,72 tỷ USD) chứng khoán thu nhập cố định trên thị trường nội địa.
Mới đây nhất, vào hôm 18/11, An International Financial Leasing (thuộc tập đoàn tài chính Ping An Insurance Group) ngừng phát hành 2,6 tỷ NDT (395 triệu USD) trái phiếu có kỳ hạn 240 ngày. Đại diện công ty cho biết nguyên nhân là do biến động tương đối lớn trên thị trường trong thời gian gần đây”.
Đằng sau các vụ vỡ nợ của DNNN Trung Quốc
Theo dữ liệu của Bloomberg cho thấy các khoản nợ phải trả trong năm 2020 của các công ty Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian vừa qua đã đẩy nợ trong nước lên tới 104 tỷ nhân dân tệ (15.8 tỷ USD) trong năm nay. Số nợ phải trả nước ngoài cũng tăng vọt lên 8,1 tỷ USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng các khoản vỡ nợ ở Trung Quốc tăng dần từ năm 2017. Năm 2018, các khoản vỡ nợ trong nước ở Trung Quốc ước tính 122 tỷ NDT (18,5 tỷ USD), cao gấp 4 lần so với năm 2017. Năm 2019, tổng số các khoản vỡ nợ trong nước lên tới hơn 141,9 tỷ NDT (21,5 tỷ USD), do các doanh nghiệp tư nhân chi phối
Trong ba quý đầu năm 2020, các khoản vỡ nợ của Trung Quốc đã giảm xuống 20% xuống 85,1 tỷ NDT (13 tỷ USD). Phần lớn lý do là các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch đã giúp các doanh nghiệp giảm áp lực bằng cách trì hoãn trả nợ, hoán đổi trái phiếu… Tuy nhiên, các khoản vỡ nợ tiếp tục tăng trở lại trong nửa cuối năm, những dấu hiệu cho thấy những căng thẳng trong khu vực tư nhân đã chạm đáy và các doanh nghiệp nhà nước cũng đã khó khăn tận cùng.
Vụ vỡ nợ của Yongcheng đặt ra các nghi ngờ về mô hình phổ biến ở thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc, nơi các ngân hàng đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp đang vay nợ từ họ để rồi sau đó, những doanh nghiệp này sử dụng nguồn tiền thu được để trả nợ cho ngân hàng.
Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tổ chức thị trường tài chính quốc gia - một tổ chức nằm dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết đang điều tra các tổ chức tài chính, cơ quan xếp hạng tín dụng và các công ty kiểm toán liên quan đến vụ phát hành trái phiếu của Yongcheng.
Hôm 18/11, Hiệp hội các nhà đầu tư tổ chức thị trường tài chính quốc gia phát cho biết phát hiện bằng chứng cho thấy công ty chứng khoán Haitong và các công ty con đã hỗ trợ Yongcheng phát hành trái phiếu trái pháp luật cũng như thao túng thị trường.
Liên quan đến vụ phát hành trái phiếu của Yongcheng, Hiệp hội các nhà đầu tư tổ chức thị trường tài chính quốc gia cũng đang điều tra nghi vấn sai phạm của Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng China Everbright, Ngân hàng Zhongyuan cũng như hãng xếp hạng tín dụng Chengxin và hãng kiểm toán Xigema. Ngân hàng Công nghiệp, China Everbright và Zhongyuan là các ngân hàng bảo lãnh thương vụ phát hành trái phiếu của Yongcheng.
Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc cho biết đã mở cuộc điều tra về vụ vỡ nợ trái phiếu của Huachen. Ủy ban này nghi ngờ Huachen và các công ty trung gian liên quan vi phạm công bố thông tin và các quy định pháp luật khác.
Hôm 21-11, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc chủ trì cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc họp, ông khẳng định Trung Quốc sẽ không dung thứ cho các sai phạm trên thị trường trái phiếu để duy trì sự công bằng và trật tự sau khi hàng loạt DNNN bất ngờ vỡ nợ trái phiếu. Thông báo của cuộc họp cho biết các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ điều tra quyết liệt các rủi ro và mối nguy ẩn giấu, trong khi đó, vẫn duy trì thanh khoản dồi dào ở mức hợp lý, kiên quyết bảo vệ mục tiêu cuối cùng là loại bỏ các rủi ro trong hệ thống tài chính.
Thông báo nhấn mạnh các hành vi như gian lận trong phát hành trái phiếu, công bố thông tin sai sự thật, chuyển nhượng tài sản với ý đồ bất minh và lạm dụng tiền phát hành trái phiếu sẽ bị điều tra và xử phạt nghiêm ngặt. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng sẽ xử phạt nặng tất cả hình thức ‘trốn nợ’ trái phiếu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới đầu tư.
Vì sao DNNN của Trung Quốc lâm cảnh vỡ nợ?
Trước sự đổ vỡ của một loạt DNNN, thị trường trái phiếu Trung Quốc từng chứng kiến một làn sóng vỡ nợ kỷ lục của khối DN tư nhân (DNTN). Theo đó, Năm 2019, thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc ghi nhận 53 vụ vỡ nợ trái phiếu của công ty tư nhân với tổng cộng 113,9 tỉ NDT trái phiếu không được thanh toán đúng hạn. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường trái phiếu của Trung Quốc chứng kiến ít nhất 11 vụ vỡ nợ của DNTN.
Với trái phiếu DNNN Trung Quốc luôn được xem là rất an toàn, tưởng chừng chuyện vỡ nợ hầu như không bao giờ xảy ra. Nguyên nhân không phải do sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp này rất tốt, mà thực tế là do hệ thống tài chính của quốc gia này được kiểm soát nghiêm ngặt, nơi doanh nghiệp thường có mối liên kết với Chính phủ và thường được hậu thuẫn tài chính nếu gặp khó khăn. Ðáng chú ý, giới chức Chính phủ thường có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo các doanh nghiệp “gặp rắc rối” không rơi vào tình cảnh đổ vỡ, phá sản hay vỡ nợ.
BOX: Theo các chuyên gia, nhiều năm qua, nhiều DNNN tại Trung Quốc được bao bọc, nên thị trường tài chính Trung Quốc tuy “phổng phao” bề ngoài, nhưng kém sức đề kháng trước những biến động khó lường của thị trường. Cũng không loại trừ việc các tổ chức tài chính, cơ quan xếp hạng tín dụng và các công ty kiểm toán, chứng khoán… đã hậu thuẫn trái pháp luật cho một bức tranh sáng về sức khoẻ tài chính của các DNNN. Và đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ thực trạng này.
Thế nhưng, các vụ nỡ nợ DNNN Trung Quốc liên tục xảy ra bởi chính phủ quốc gia này đang siết chặt quy định nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, khi tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP của nước này đã lên đến 160% và dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong các năm tới.
Theo các chuyên gia, nhiều năm qua, nhiều DNNN tại Trung Quốc được bao bọc, nên thị trường tài chính Trung Quốc tuy “phổng phao” bề ngoài, nhưng kém sức đề kháng trước những biến động khó lường của thị trường. Và đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ thực trạng này.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ việc các tổ chức tài chính, cơ quan xếp hạng tín dụng và các công ty kiểm toán, chứng khoán… đã hậu thuẫn trái pháp luật cho một bức tranh sáng về sức khoẻ tài chính của các DNNN. Việc phát hành ồ ạt, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà không cung cấp thông tin đầy đủ, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng Doanh nghiệp phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó.
Bài học nào cho nhà đầu tư Việt ?
Qua câu chuyện các DNNN của Trung Quốc liên tục tuyên bố vỡ nợ, có thể thấy rằng rủi ro mà trái phiếu của các doanh nghiệp này đem lại không hề nhỏ. Đó là những rủi ro rất lớn liên quan đến câu chuyện niềm tin vào trái phiếu DNNN – loại trái phiếu luôn được xem là rất an toàn và tưởng chừng chuyện vỡ nợ hầu như không bao giờ xảy ra.
Đây là một bài học cho nhà đầu tư Việt về câu chuyện đặt cược niềm tin vào bức tranh tài chính đầy màu sắc của doanh nghiệp nhưng thiếu sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng, không có sự phân tích đánh giá kỹ lưỡng về sức khỏe thật sự của DN.
Thời gian vừa qua, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng rất “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, trước thời điểm Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 1/9/2020 với nhiều qui định siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu, hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cao, thậm chí gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng làm dấy lên lo ngại về rủi ro đối với các nhà đầu tư đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân.
Do vậy, từ bài học rút ra trên đây, các nhà đầu tư Việt cần chú ý lựa chọn những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính thực sự tốt, không thể đặt cược vào bức tranh tài chính đầy màu sắc của các doanh nghiệp nhưng thiếu sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng. Vì những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính thực sự tốt, họ mới có khả năng thanh toán những khoản lãi tương đối lớn đã cam kết đối với những trái phiếu đã phát hành. Nếu chọn sai, cái giá phải trả bằng tiền bạc sẽ rất đắt, với số tiền đầu tư cho trái phiếu của những nhà đầu tư là không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, yêu cầu thực tế đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước là cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Kịp thời ban hành, bổ sung các quy định chẽ đối với việc phát hành; đưa ra những bộ tiêu chí, điều kiện phát hành cụ thể như: chỉ tiêu về thanh khoản, lợi nhuận, quy mô, kiểm toán độc lập, lãi suất trái phiếu, phương pháp trả nợ… Đặc biệt là các qui định nghiêm ngặt về công bố thông tin, xếp hạng tín nhiệm… tạo môi trường pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp do tin tưởng ngân hàng đứng ra phát hành là rất ngây thơ. Bởi, ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra. Ngay cả khi có cam kết mua lại trái phiếu, khi nhà đầu tư muốn thoái vốn sớm cũng phải hết sức thận trọng. Các ngân hàng không thể thực hiện được cam kết mua lại trái phiếu doanh nghiệp gặp rủi ro, vì phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn tài chính.” - Một chuyên gia trong ngành tài chính, ngân hàng khuyến cáo các nhà đầu tư.
Văn Chiến – Nam Kiên