(Pháp lý) - Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… là những tình tiết có tính chất định tính dùng để định tội, định khung trong nhiều loại tội phạm kinh tế, chức vụ, xâm hại quyền sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2009. Tuy nhiên do không được cụ thể hóa trong BLHS 2009 nên khi tố tụng, nhiều vụ án đã khiến cho các cơ quan tố tụng “đau đầu” khi vận dụng để giải quyết án. Để đảm bảo tính minh bạch trong định tội, định khung, các nhà làm luật đã khắc phục những hạn chế đó bằng việc cụ thể hóa các quy định ngay trong từng khoản của điều luật trong BLHS 2015.
Lúng túng trong việc giải quyết án
Chỉ tính riêng về tội phạm kinh tế - chức vụ cho đến trước khi BLHS 2015 ban hành, vẫn còn 39 tội chưa có hướng dẫn khiến các cơ quan tố tụng lúng túng khi giải quyết án, nhất là giải quyết các vụ án về kinh tế - chức vụ.
Còn nhớ năm 2002, vụ án Đào Tiến Dũng xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà đô thị (Bộ Xây dựng), gây nhiều tranh cãi trong định khung Bị cáo Dũng - nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán của Công ty đã làm thất thoát 20,5 tỉ đồng bị kết án về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. VKSND TP Hà Nội truy tố Dũng cùng đồng phạm theo khoản 3 Điều 281 BLHS 2009 với tình tiết tăng nặng định khung là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên vì chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nên đại diện VKS cho rằng, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, cần xác định mức thiệt hại về tài sản mà họ gây ra chỉ là gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, VKS rút truy tố các bị cáo từ khoản 3 xuống khoản 2 Điều 281 BLHS 2009. Đồng tình với quan điểm VKS, tòa chỉ phạt các bị cáo từ 30 tháng tù treo đến 36 tháng tù treo.
[caption id="attachment_183608" align="aligncenter" width="504"] Bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ tại phiên tòa xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại BQL Dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TPHCM (ảnh minh họa)[/caption]
Về mặt lý thuyết, theo các chuyên gia, lập luận của VKS cũng có thể chấp nhận được. Nhưng về thực tiễn xét xử, rất nhiều vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại nhỏ hơn nhiều thì bị xác định là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, trong khi đó ở vụ án này các bị cáo gây thiệt hại đến 20,5 tỉ đồng thì lại cho rằng chỉ gây hậu quả nghiêm trọng là chưa ổn…
Từ chỗ không thống nhất trong quan điểm vận dụng nên mỗi cấp tòa kết tội mức án khác nhau. Vụ án Lê Văn Nghị và đồng phạm phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 BLHS 2009), VKSND Tối cao cũng đã từng phải đưa ra rút kinh nghiệm toàn ngành vì “sự cố” mỗi cơ quan tố tụng vận dụng “một kiểu”. Theo cáo trạng (trong khoảng thời gian từ tháng 1/2004 đến tháng 11/2008), Lê Văn Du và Lê Văn Nghị thay nhau làm trưởng thôn cùng Dương Quang Chuyên làm kế toán thôn đã chia lô gần 15.000m2 đất nông nghiệp và hơn 1.000m2 đất ao công ích để bán cho 90 hộ dân làm đất ở lâu dài. Số tiền bán đất hơn 1 tỉ đồng được nhập vào quỹ thôn để sử dụng vào các công trình phúc lợi…
Hành vi của họ gây ra, theo Tòa sơ thẩm nhận định gây hậu quả nghiêm trọng, do đó cần phải xử về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 282 BLHS 2009, với mức án dành cho 3 bị cáo từ 18 tháng tù đến ba năm tù. Tuy nhiên đến cấp phúc thẩm, các bị cáo được hưởng án treo theo khoản 1 Điều 282 BLHS 2009. Tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm xác định các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng là chưa đủ căn cứ. Lý do các bị cáo làm theo nghị quyết của đại hội xã viên và nghị quyết của chi bộ thôn về việc bán đất, thu tiền sử dụng vào việc công ích của thôn. Như vậy, cùng một vụ việc, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm lại có sự không thống nhất trong đánh giá hậu quả.
Vì vậy có thể nói ranh giới giữa hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa có quy định cụ thể (trước khi BLHS 2015 được ban hành). Đặc biệt trong án kinh tế - chức vụ việc xác định dấu hiệu định tính càng phức tạp hơn vì ranh giới không chỉ thể hiện về thiệt hại tài sản mà còn bao hàm cả những thiệt hại khác như làm ảnh hưởng, có tác động xấu đến hình ảnh cơ quan nhà nước, uy tín, danh dự con người và những thiệt hại phi vật chất khác. Với án loại này, theo các chuyên gia luật cần phải có sự đánh giá toàn diện những hậu quả phát sinh thay vì chỉ chú ý đến vấn đề thiệt hại tài sản.
Thậm chí có những tội danh đã có văn bản hướng dẫn nhưng tòa án vẫn lúng túng trong vận dụng vì các văn bản hướng dẫn không đồng nhất. Nếu vận dụng theo Thông tư liên tịch số 01/1998 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Nội vụ (hướng dẫn BLHS năm 1985) thì mức khởi điểm để xác định hậu quả nghiêm trọng là 300 triệu đồng trở lên, rất nghiêm trọng là từ 500 triệu đồng trở lên, đặc biệt nghiêm trọng là từ 1 tỉ đồng trở lên. Ngược lại, cũng có nơi vận dụng theo Thông tư liên tịch số 02/2001 của VKSNDTC - TANDTC - Bộ Công an - Bộ Tư pháp (về nhóm tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 1999) thì gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên là nghiêm trọng, từ 500 triệu đồng trở lên là rất nghiêm trọng, từ 1,5 tỉ đồng trở lên là đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, cũng có nơi vận dụng “pháp luật tương tự”, nghĩa là xử tội này thì dựa vào hướng dẫn về tội khác. Chẳng hạn, trong tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì gây hậu quả nghiêm trọng là từ 100 triệu đồng trở lên. Hoặc theo hướng dẫn về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước thì gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên...
Tội đánh bạc (Điều 248 BLHS 2009) và Tội tổ chức đánh bạc và gá bạc (Điều 249 BLHS 2009) khi xét xử, tòa thường cộng gộp luôn cả số tiền thu lợi bất chính của những lần chưa cấu thành tội phạm để xác định bị cáo phạm tội ở điểm b, khoản 2 Điều 249 BLHS. Nguyên nhân là do Nghị quyết số 01 ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 BLHS) chỉ hướng dẫn số tiền bao nhiêu là “thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” chứ không hướng dẫn về cách tính số tiền này là hợp lý. Trong khi đó theo các chuyên gia pháp luật, việc xác định như vậy là không đúng vì số tiền thu lợi bất chính của những lần đánh bạc chưa cấu thành tội phạm cũng vẫn bị tịch thu nhưng sẽ do cơ quan hành chính thực hiện chứ không phải do tòa.
Bộ luật Hình sự 2015: Một bước tiến mới - Không chờ văn bản dưới luật
Khắc phục những bất cập nêu ở phần trên của BLHS 2009, BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính. Theo đó các tình tiết định tội, định khung tăng nặng hình phạt của các điều luật, như: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn”... đã được cụ thể hóa bằng các quy định trong từng khoản của điều luật, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng khi áp dụng.
Có thể thấy được bước tiến trong quy trình làm luật qua một số điều luật điển hình trong BLHS 2015, như: Khoản 3, Điều 168 Tội cướp tài sản BLHS 2015 không còn quy định hậu quả rất nghiêm trọng như Điều 133 BLHS 2009 mà thay thế bằng tình tiết tăng nặng khác như chiếm đoạt tài sản giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (điểm a); gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 4 Điều 133 BLHS năm 2009 cũng được thay bằng tình tiết “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”. Khoản 4 Điều luật này cũng đã bỏ tình tiết định khung “Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và bổ sung tình tiết: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên”.
[caption id="attachment_183609" align="aligncenter" width="532"] Các bị cáo tại phiên tòa xét xử tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC) (ảnh minh họa)[/caption]
Tương tự như vậy, Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS 2009) đã được thay tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” (điểm đ, khoản 2) bằng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; thay tình tiết “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”(điểm b, khoản 3) bằng tình tiết “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”; và thay tình tiết “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” (điểm b, khoản 4) bằng tình tiết “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.
Đặc biệt là, tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178). Điểm b, khoản 2 của điều luật này được sửa đổi: “Dùng chất cháy” thành “Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ” được hiểu là các chất gây nguy hiểm khi cháy như xăng, dầu… Việc sửa đổi này tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan tố tụng khi áp dụng “chất cháy” đối với trường hợp dùng xăng, dầu để đốt tài sản (đốt nhà, đốt xe máy, ô tô…). Năm 2016, TAND Tối cao đã từng có văn bản trả lời vướng mắc của TAND tỉnh Đắk Nông trong việc xác định xăng có phải là chất cháy theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 143 BLHS hiện hành hay không.
Theo đó tại tiểu mục 2 phần I mục B Thông tư liên ngành số 01 ngày 7/01/1995 của TAND Tối cao – VKSND Tối cao – Bộ Nội vụ (hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 BLHS 1985) có hướng dẫn: “Chất cháy là chất có đặc tính bốc cháy khi tiếp xúc với ôxy trong không khí, nước hoặc khi có tác động của yếu tố khác và những chất dễ tự bốc cháy ở nhiệt độ không cao như diêm tiêu (ka-li-nitrat), phốt pho, thuốc đạn…”. Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành quy định: “Chất nguy hiểm về cháy nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hóa, vật tư dễ xảy ra cháy nổ”. Tuy nhiên, do BLHS 2015 khi đó chưa có hiệu lực và cũng chưa có văn bản pháp luật khác hướng dẫn về chất cháy nên TAND Tối cao đề nghị TAND tỉnh Đắk Nông vận dụng nội dung hướng dẫn nêu trên của Thông tư liên ngành số 01/1995 để xác định xăng là chất cháy.
Kết mở
Với việc cụ thể hóa các dấu hiệu định tội, định khung tăng nặng của BLHS 2015 đã giúp cho các cơ quan tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử các tội danh nói trên sẽ không còn lúng túng, đặc biệt là khi BLHS 2015 có hiệu lực sẽ được đưa vào áp dụng ngay mà không cần phải chờ đợi có văn bản hướng dẫn chi tiết như trước đây.
Cùng với các điều khoản sửa đổi khác, có thể nói việc cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính trong BLHS năm 2015 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy lập pháp hình sự; tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, đảm bảo công bằng xã hội.
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn: “Cái khó nhất, vướng nhất của BLHS là phân định ranh giới giữa hình sự và hành chính, định lượng và định tính”. Cũng theo ông Phàn, BLHS 2009 có 246 điều quy định về định lượng, định tính: lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì mới có 60 điều được cụ thể hoá, còn 186 điều chưa cụ thể được. Mà chỉ là quy định về vấn đề phối hợp giải quyết, còn quy định thế nào là xử lý hình sự, định lượng, định tính thì vẫn chưa rõ ràng.
VŨ LÊ MINH