Bài 15: Cơ sở pháp lý để kiểm sát tố tụng chặt chẽ hơn

(Pháp lý) - Nhìn xuyên suốt các quy định của BLTTHS năm 2015 nhận thấy rõ đã đề cao hơn vai trò của Viện kiểm sát (VKS) và tăng quyền với kiểm sát viên (KSV). Đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm của VKS khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự.

Vai trò kiểm sát rõ ràng

BLTTHS 2015 đã bổ sung các quy định đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong các giai đoạn tố tụng. Trong giai đoạn khởi tố tại các Điều 159; Điều 160; Điều 161. Trong giai đoạn điều tra tại các Điều 165; Điều 166. Trong giai đoạn truy tố tại các Điều 236; Điều 237. Trong giai đoạn xét xử tại các Điều 266; Điều 267.

Các quy định này nhằm cụ thể hóa điều 107 của Hiến pháp 2013. Theo đó VKS thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Khi xét xử các vụ án hình sự, ở các giai đoạn khác nhau, VKS có trách nhiệm thực hiện quyền công tố, đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội; kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự, nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời… BLTTHS cụ thể các quyền hạn của VKS để thực hiện tốt các nhiệm vụ được cụ thể hóa trên.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Trách nhiệm kiểm sát xét xử của VKS cũng được quy định rõ ràng. Theo đó, điều 267 quy định rõ hơn việc kiểm sát xét xử. Cụ thể, khi kiểm sát xét xử, VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử vụ án hình sự của tòa án, người tham gia tố tụng, yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật. Đồng thời VKS có trách nhiệm ban hành kháng nghị khi bản án, quyết định của tòa án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu vi phạm ít nghiêm trọng thì VKS ban hành kiến nghị, không ban hành kháng nghị.

Những quy định tại BLTTHS đã cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như cơ chế bảo đảm Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, chức năng thực hành quyền công tố được BLTTHS năm 2015 quy định tiến hành từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mà không phải từ khi khởi tố vụ án như hiện nay với nhiều thẩm quyền như: (1) Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ; phê chuẩn, không phê chuẩn các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật này; (2) Khi cần thiết đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện; (3) Quyết định gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố vụ án hình sự; (4) Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố vụ án; (5) Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong những trường hợp theo quy định của Bộ luật này; (6) Hủy bỏ quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; (7) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác để thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật này nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.

Tăng quyền của Kiểm sát viên

Thời gian gần đây khi xem xét lại các vụ án oan chấn động, trách nhiệm của kiểm sát viên đã bị đặt ra. Kiểm sát viên góp phần gây ra án oan đã bị khởi tố, điều tra và xét xử các tội danh liên quan đến xâm phạm trật tự tư pháp không còn là chuyện hiếm. Thực trạng đó, một phần là do kiểm sát viên chưa thực hiện đúng đủ trách nhiệm của mình… Để khắc phục hạn chế trong những quy định về vai trò, nhiệm vụ của kiểm sát viên và Viện kiểm sát trong BLTTHS 2003, BLTTHS 2015 đã có những quy định thay đổi tích cực về kiểm sát viên cũng như vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự.

Cụ thể, Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên. Theo đó, kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan, người có thẩm quyền. Tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2013 của liên ngành Trung ương hướng dẫn một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong hơn 03 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06 đến nay thực tiễn đã cho thấy hiệu quả của việc kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, xử lý nhanh chóng, kịp thời, chất lượng điều tra giải quyết án ngày càng nâng cao. Do đó BLTTHS năm 2015 “luật hóa” chức năng, nhiệm vụ này, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của KSV trong việc kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát việc tạm đình chỉ, phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, đề ra yêu cầu xác minh... đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để KSV thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong quá trình kiểm sát tin báo.

BLTTHS 2015 đã bổ sung các quy định đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát và Kiểm sát viên trong các giai đoạn tố tụng (ảnh minh họa)
BLTTHS 2015 đã bổ sung các quy định đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát và Kiểm sát viên trong các giai đoạn tố tụng (ảnh minh họa))

Kiểm sát viên có thể trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo đó, tại điểm c, khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015 quy định “Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục”. Đồng thời tại khoản 2 Điều 146 quy định “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết”.

Quy định trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKS được quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để VKS thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Kiểm sát quá trình điều tra hình sự chặt chẽ hơn. BLTTHS năm 2003 có quy định các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra như đối chất, nhận dạng, khám xét nhưng không quy định KSV trực tiếp kiểm sát các hoạt động trên của Cơ quan điều tra. Qua thực tiễn thi hành cho thấy các hoạt động điều tra nêu trên có ý nghĩa rất lớn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, giải quyết mâu thuẫn, kiểm tra tài liệu thu thập được làm căn cứ giải quyết vụ án, trong đó đặc biệt là hoạt động khám xét, việc không có KSV trực tiếp kiểm sát nên rất nhiều vụ án đã bị oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Do đó tại các Điều 189, 190, 191, 193 BLTTHS năm 2015 đều quy định trước khi tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét (trừ trường hợp khám xét khẩn cấp) thì Điều tra viên phải thông báo cho VKS cùng cấp để cử KSV kiểm sát. KSV phải có mặt để kiểm sát, nếu vắng mặt thì ghi rõ lý do vào biên bản.

Kiểm sát viên có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo đó, BLTTHS năm 2003 tuy không quy định KSV có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng rải rác trong các điều luật cụ thể như hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, thực nghiệm điều tra đều có quy định cho phép KSV tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp cần thiết. BLTTHS năm 2015 quy định rõ quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra của KSV trong chức năng, nhiệm vụ của KSV. Đồng thời quy định cụ thể các trường hợp KSV được trực tiếp hỏi cung bị can tại Điều 183; lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự tại các Điều 186, 187, 188; tiến hành đối chất tại Điều 189.

Việc quy định cụ thể và tăng cường vai trò của VKS và KSV trong hoạt động tố tụng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để KSV thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Anh Tuấn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin