Bài 14: Biện pháp giám sát hỏi cung khách quan nhất

11/10/2017 13:33

(Pháp lý) - Thực tế xảy ra ở không ít phiên tòa, bị cáo thường kêu oan nói mình bị cơ quan điều tra bức cung. Dư luận thì nửa tin nửa ngờ vào cả hoạt động điều tra và vào cả bị cáo trước tòa. Khắc phục điều này, BLTTHS năm 2015 quy định việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung. Đây được đánh giá là biện pháp giám sát khách quan nhất.

Bước tiến quan trọng

Quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can được cho là một bước tiến vượt bậc, vừa đảm bảo quyền nhân thân cho bị can, bị cáo, tốt cho người bào chữa và có lợi cho chính cơ quan tố tụng.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Như vậy, việc ghi âm là “bắt buộc” trong các hoạt động hỏi cung của Điều tra viên tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trong trường hợp việc hỏi cung được thực hiện tại địa điểm khác thì bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu điều tra viên thực hiện việc hỏi cung phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đối với việc hỏi cung đó.

 Một buổi hỏi cung bị can (ảnh minh họa)
Một buổi hỏi cung bị can (ảnh minh họa))

Ngoài việc ghi âm lời khai của bị can, BLTTHS năm 2015 còn quy định việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi lấy lời khai của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố (khoản 1 Điều 146); khi lấy lời khai của người làm chứng (Điều 187); khi lấy lời khai của bị hại, của đương sự trong vụ án (Điều 188); khi tiến hành đối chất (Điều 189).

BLTTHS cũng quy định về vấn đề ghi âm, ghi hình trong lấy lời khai của người làm chứng. Theo đó, Điều 187 quy định “Việc lấy lời khai của người làm chứng có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”. Như vậy được hiểu là việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi lấy lời khai của người làm chứng không phải là một nghĩa vụ bắt buộc đối với những người tiến hành tố tụng song người làm chứng vẫn có thể đưa ra yêu cầu để những người tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết. Việc ghi âm, ghi hình có âm thanh với người làm chứng là khuyến khích, là tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, vào người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người làm chứng nên không có tính bắt buộc như đối với hỏi cung bị can.

Lo lộ trình thực hiện bị chậm?

Để quy định ghi âm, ghi hình đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ lưỡng của các cơ quan chức năng. Hiện nay, theo Điều 2 Nghị quyết 110/2015, Quốc hội giao Chính phủ đầu tư kinh phí để bảo đảm việc thực hiện các quy định về chỉ định người bào chữa, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can... Giao Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Giao Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015.

Quốc hội cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can kể từ 1/7/2016. Chậm nhất đến 1/1/2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. Theo tìm hiểu, việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can đã được thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Bắc Giang.

Trao đổi với chúng tôi về quy định này, Luật sư Hoàng Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) băn khoăn: Quy định này gắn với rất nhiều quyền lợi của bị can, bị cáo và có mối liên hệ mật thiết với nhiều quy định khác trong BLTTHS 2015. Ngày 1/1/2018 là Bộ luật này có hiệu lực nhưng hiện nay cơ sở vật chất chuẩn bị cho hoạt động này chưa sẵn sàng. Tôi lo ngại rằng, gần đến ngày Luật có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại phải ban hành riêng một quy định hướng dẫn, tạm hoãn hiệu lực của những quy định tiến bộ này.

Giả sử nếu bị can, bị báo có yêu cầu ghi âm, ghi hình, không có cơ sở vật chất để đáp ứng, thì thực tế sẽ gặp phải những biện giải ra sao từ cơ quan chức năng? Với kinh nghiệm thực tế, tôi e rằng sẽ có những biện giải như máy hỏng, gặp trục trặc… Hiện nay chưa có chế tài đối với những hành vi vi phạm các quy định này. Tôi lo ngại thiếu những chế tài xử lý thật nghiêm thì những quy định này chậm đi vào cuộc sống.

Phan Minh

Bạn đang đọc bài viết "Bài 14: Biện pháp giám sát hỏi cung khách quan nhất" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin