Bà Châu Thị Thu Nga bất ngờ thay đổi lời khai chi 30 tỷ “chạy” ĐBQH

Trong bản kháng cáo kêu oan dài kỷ lục với gần 100 trang giấy viết tay, bà Châu Thị Thu Nga đã bất ngờ khai lại việc dùng 30 tỷ đồng ( lúc đó tương đương 1,5 triệu USD) để “chạy” làm đại biểu Quốc hội.

Bà Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa sáng nay (10.4) (ảnh PV).
Bà Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa sáng nay (10.4) (ảnh PV).)

Theo lịch, sáng nay (10.4), Tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Housing Group, cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó vào tháng 10.2017, TAND TP. Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Châu Thị Thu Nga tù chung thân. Sau đó, bị cáo này có đơn kháng cáo kêu oan dài gần 100 trang giấy viết tay. Trong đơn, bà Nga kể lể nhiều chi tiết, trong đó đáng chú ý nhất là bà đã bất ngờ thay đổi lời khai về việc bỏ 30 tỷ đồng để “chạy” ĐBQH.

Trước đó bà Nga từng khai có quen một vị nam doanh nhân kinh doanh vàng bạc tại Hà Nội. Biết vị doanh nhân này có quan hệ rộng, bà Nga đã chủ động nhờ để “chạy” được ứng cử ĐBQH. Bà đã đưa tiền cho vị doanh nhân này nhiều lần, có lần 100 nghìn USD, lần 200 nghìn USD. Việc đưa tiền chỉ có hai người và không lập giấy tờ gì.

Việc này bà Nga đã khai lại trong đơn kháng cáo như sau: Bà và vị doanh nhân kinh doanh vàng quen biết nhau từ năm 2007, cùng sinh hoạt trong Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Biết công ty của bà Nga hoạt động xây dựng nên vị doanh nhân này có nhờ bà xây dựng căn nhà ở khu vực Mỹ Đình, Hà Nội. Hai bên đã ký hợp đồng thi công xây dựng vào đầu năm 2013.

Sau đó, do tiến độ xây dựng của Công ty Housing Group không đảm bảo đáp ứng yêu cầu của gia đình vị doanh nhân nên hai bên đã thống nhất tiến hành làm thủ tục nghiệm thu thanh lý hợp đồng. Đối chiếu với số tiền vị doanh nhân đã chuyển ứng cho Công ty Housing Group hơn 5,9 tỷ đồng thì còn lại 3,2 tỷ đồng Công ty Housing Group chưa thực hiện.

Sau đó vị doanh nhân này nhiều lần đến Công ty Housing Group, đến nhà riêng của bà Nga và nhiều lần gọi điện thoại để yêu cầu bà trả 3,2 tỷ đồng. Theo bà Nga, vị doanh nhân này đã có những lời lẽ xúc phạm khiến bà rất ức chế.

“Mặt khác do thời điểm này tôi phải làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) nên rất mệt mỏi, tinh thần không được ổn định, đồng thời kèm theo ức chế về công việc nên tôi đã khai như vậy. Thực tế, tôi được bầu là ĐBQH khóa XIII, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đều do lá phiếu của tất cả các cử tri tham gia bầu cử, họ đã tín nhiệm bầu chọn tôi. Tôi không hề quen biết ai và cũng chẳng thể có ai quyết định được vấn đề này tại cuộc bầu cử”, bà Nga cho biết và khẳng định việc này không liên quan gì đến vị doanh nhân và cũng không có chuyện đã đưa 30 tỷ đồng cho ông này.

Như vậy bà Châu Thị Thu Nga đã khẳng định không có chuyện đã bỏ tiền để “chạy” làm đại biểu Quốc hội.

Trở lại với vụ án, bà Châu Thị Thu Nga được xác định giữ vai trò chủ mưu. 9 người còn lại đều là nhân viên dưới quyền của Nga, bị cáo buộc có hành vi giúp sức..

Tài liệu của cơ quan tố tụng xác định, từ 2009-2013, cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và các bị cáo được bà ủy quyền đã ký 752 hợp đồng góp vốn trái quy định, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng với cam kết sẽ bàn giao 752 căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn. Dự án không được triển khai, kông có nhà bàn giao, bà Nga đã trả lại hơn gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng và chiếm đoạt, sử dụng hơn 348 tỷ đồng.

Tại phiên tòa này bà Châu Thị Thu Nga có 6 luật sư bào chữa.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 18.11.2017, tại Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời về chi tiết liên quan đến lời khai Châu Thị Thu Nga “chạy” để được ứng của ĐBQH. Chánh án cho biết, bà Nga khai việc chi tiền, thứ nhất là chi cho Hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử; chi để giải quyết báo chí thôi viết về bằng tiến sĩ giả của Châu Thị Thu Nga.

Theo lời khai của bà Nga, bà này biết một doanh nhân buôn bán vàng ở Hà Nội có quan hệ rộng. Bà Nga đã chủ động gặp để nhờ. Bà Nga nói đưa tiền nhiều lần cho vị doanh nhân này, có lần 100 nghìn USD, có lần 200 nghìn USD, đưa ở các địa điểm khác nhau, có lần ở quán cà phê, đưa tiền chỉ có hai người biết, không có chữ ký hay chứng cứ gì. Sau khi đưa tiền vị doanh nhân này làm gì bà Nga không biết.

Tại biên bản đối chất, vị doanh nhân này cho biết có quen biết bà Nga nhưng không nhận tiền, không làm việc đó. Tình tiết như vậy, cơ quan điều tra tách ra là cần thiết và Tòa không thể làm rõ tình tiết này tại phiên xử”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin