Có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em rất đau lòng nhưng đành khép lại hồ sơ chỉ vì thiếu chứng cứ.
LTS: Thời gian gần đây, các vụ tố cáo xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ngày càng nhiều nhưng không hiếm vụ việc rơi vào bế tắc khiến dư luận bức xúc. Loạt bài nhằm góp phần lý giải thực trạng này.
Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào ngày 14-3 tại Phú Thọ. khi đang cùng mẹ chơi ở nhà văn hóa thì em bé bốn tuổi bị gã đàn ông 50 tuổi dụ ra phía sau hãm hại. Sự việc được phát giác kịp thời và đối tượng đã bị công an bắt giữ.
Trước đó, đã có rất nhiều vụ phải đành xếp hồ sơ.
40% vụ việc phải trả hồ sơ
Hơn hai năm nay chạy đôn chạy đáo tư vấn, sống cùng những bức xúc với những gia đình có con em bị xâm hại tình dục, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, trăn trở khi có 40% vụ việc hội phải trả hồ sơ, không thể xử lý vì thiếu chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ pháp y.
Luật sư Nữ cho biết trong số các hồ sơ bà nhận được thì hy hữu có một trường hợp xâm hại bé gái hai tuổi ở quận Thủ Đức được xử lý rốt ráo. Thủ phạm sau khi chơi đá đã bế xốc em bé đang ngồi chơi ở phòng trọ bên cạnh mang về phòng mình và giở trò đồi bại. Khi cháu bé la khóc quá lớn, người dân và công an phá cửa xông vào bắt quả tang cháu bé đang bị xâm hại. “Lúc em bé được đưa vào BV Nhi đồng 2 cấp cứu, tôi phải ngồi lặng một lúc trên ghế đá dưới sân, không thể nói được câu nào khi thấy máu chảy không ngừng từ vùng kín của bé”. Trường hợp này thủ phạm phải đền tội với án chung thân vì bị bắt quả tang, chứng cứ quá rõ ràng.
Các vụ bà tiếp nhận còn lại thì rất hiếm có trường hợp bắt quả tang. Thời điểm giám định luôn xảy ra sau thời điểm phạm tội nhiều ngày nên các dấu vết để lại không còn.
Sai lầm khi thu thập chứng cứ
Nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em mà do sự thiếu hiểu biết, mất bình tĩnh của cha mẹ, người thân hoặc của chính cháu bé khiến cho dấu vết bằng chứng không còn, dẫn tới việc không thể lôi thủ phạm ra ánh sáng.
“Mới đây hội tiếp nhận trường hợp một bà mẹ ở quận 10 hơn hai năm nay gõ cửa các cơ quan chức năng để tố cáo hành vi kẻ xâm hại con gái mình khi mới hơn 13 tuổi. Chính kẻ xâm hại đã thừa nhận hành vi xâm hại, cơ quan điều tra đã mời lên làm việc nhưng do thời gian người mẹ phát hiện con bị xâm hại quá muộn màng nên không đủ chứng cứ để kết tội. Người mẹ vẫn kiên trì đi cầu cứu và mới đây nhờ sự giúp đỡ của hội” - luật sư Nữ kể.
Trường hợp này ngày 9-9-2016, VKSND quận 10 đã có trả lời bác đơn khiếu nại của người mẹ vì cho rằng lời khai của bị hại và nghi phạm có sự mâu thuẫn về thời gian, địa điểm khi cả hai thực hiện hành vi giao cấu và mâu thuẫn với bản kết luận giám định pháp y về tình dục. Kết quả giám định pháp y cho thấy “màng trinh rách 5-7 ngày trước kể từ thời điểm giám định”, “không thấy tế bào người nam trong dịch âm đạo”.
Hay một trường hợp khác, em bé chỉ mới tám tuổi thôi nhưng đã bị ông hàng xóm hiếp dâm đến sáu lần vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật chỉ vì thiếu chứng cứ. Chính luật sư Nữ cũng suýt gặp nguy hiểm khi xuống hiện trường và bị người thân ông này dọa đánh.
“Nếu bình tĩnh hơn thì người mẹ của em bé tám tuổi này đã giữ lại được bằng chứng quý giá. Trong một lần phát hiện con gái đang coi phim sex, mẹ bé đã tức giận quá đập mất luôn máy tính và truy hỏi căn nguyên. Em bé mới đưa ra tấm giấy nhỏ ghi địa chỉ trang web sex và nói là ông hàng xóm ghi cho để học hỏi. Cứ mỗi lần trước khi dắt em đi làm chuyện người lớn là ông kêu bé xem phim trước. Không giữ được bình tĩnh, chị đã kéo cả nhà chạy qua nhà hàng xóm, đưa tờ giấy ra cho ông xem. Tức thì ông này chụp và xé luôn tờ giấy. Khi nghe chị kể đã đập máy tính và xé tờ giấy, tôi rất thất vọng vì hai chứng cứ gián tiếp nhưng khá quan trọng đã bị mất. Ở nhà ông hàng xóm còn có con chim sáo hay nhại tiếng người là “bé ơi lên đây” mỗi khi ông dụ dỗ con chị lên gác để làm bậy. Nếu âm thầm báo công an mà không tiếp xúc trước với ông hàng xóm này thì ông đã không báo cho người nhà mở lồng cho sáo bay đi trong lúc công an mời lên làm việc. Hiện vụ việc đang giẫm chân tại chỗ vì thiếu chứng cứ” - luật sư Nữ bức xúc.
Trong một buổi giáo dục giới tính cho trẻ tại TP.HCM mới đây, BS Nguyễn Lan Hải chia sẻ quá trình gắn bó với nghề khiến bà nhận thấy khi bị xâm hại tình dục, sẽ không dưới một lần trẻ có biểu hiện muốn thông báo cho người lớn biết. Tuy nhiên, vì nóng tính, thiếu cẩn thận mà người lớn dễ dàng bỏ qua.
Đó là về phía phụ huynh, còn phía cơ quan chức năng cũng có phần chậm trễ trong việc tiếp nhận thông tin tố cáo về xâm hại tình dục trẻ em.
Luật sư Đào Thị Bích Liên, thành viên Chi hội luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng có tình trạng nơi tiếp nhận tố cáo chậm trễ, không gửi đi giám định pháp y ngay với lý do rơi vào ngày nghỉ ngoài giờ hành chính nhưng khi có chỉ đạo từ cơ quan cấp trên thì mới đẩy nhanh tiến độ. “Thiết nghĩ các nơi này phải có trực ban, nhanh chóng khi tiếp nhận vụ việc xâm hại bởi ai cũng biết những chứng cứ như tinh dịch sau 72 giờ sẽ không còn dấu vết” - luật sư Liên cho biết.
Tội phạm ấu dâm là ai?
“73% thủ phạm bạo lực tình dục là người quen của nạn nhân, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng”, đó là số liệu thống kê trong hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội diễn ra vào cuối năm 2016 tại Hà Nội. Thực tế cho thấy thủ phạm của bạo lực tình dục gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Đó có thể là bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ… Kẻ xâm hại thường xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và gia đình của các em để che giấu hành vi xâm hại.
Ngoài ra, phần lớn vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân.
Cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Đó là con số tính trung bình từ số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH. Số liệu này còn cho thấy trong năm năm, từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Theo Plo