Qua thanh tra đã phát hiện 441 vụ, 692 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10 ha đất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo về tình hình hoạt động của ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
[caption id="attachment_134999" align="aligncenter" width="410"] Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày báo cáo tại hội nghị.[/caption]
Đây là nội dung tại hội nghị về hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011 - 2016, vừa diễn ra chiều 2/2 tại Hà Nội.
13 tỉnh thành tự cân đối ngân sách
Theo Bộ trưởng Bình, 5 năm qua UBND các cấp đã bám sát các kế hoạch của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, các định hướng của cấp ủy đảng, nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp để thực hiện các giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đã đạt được các kết quả cụ thể.
Đã duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trong cả nhiệm kỳ, bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, năm 2015 đạt trên 6,68%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Trong đó, các địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP cao như: Hà Tĩnh (18,7%) Kon Tum (13,94%); Ninh Thuận (13,3%); Hậu Giang (13,1%); Hà Nam (13%); Yên Bái (12,29%); Thái nguyên (13,1%).
Bộ trưởng cũng cho biết, tổng thu ngân sách địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuôc Trung ương giai đoạn 2011 - 2014 đạt 3.830.408 tỷ đồng, tổng chi là 2.628.993 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2015 tổng thu ngân sách địa phương đạt 480.486 tỷ đồng và chi đạt 322.862 tỷ đồng.
Trong đó, 13/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối được ngân sách. Các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách địa phương lớn như: TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh…
Thu nhập bình quân đầu người cả nước tăng đều theo các năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể: năm 2011 đạt 31,640 triệu đồng; năm 2012 đạt 36,544 triệu đồng; năm 2013 đạt 39,932 triệu đồng, năm 2014 đạt 43,402 triệu đồng và năm 2015 ước đạt khoảng 47 triệu đồng.
Kiến nghị xử lý 22.700 cá nhân
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, báo cáo của Chính phủ nêu nhiều con số.
Cụ thể, qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh những sai phạm trong quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm về quản lý kinh tế với số tiền là 208.540 tỷ đồng, trong đó đã kiến nghị thu hồi gần 119.400 tỷ đồng và 19.230 ha đất.
945.900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng đã được ban hành với số tiền trên 29.300 tỷ đồng, xử lý khác 59.840 tỷ đồng. Ngoài ra đã kiến nghị xử lý kỷ luật 6.460 tập thể, 22.700 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 297 vụ, 355 người.
Đã phát hiện 441 vụ, 692 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10 ha đất, kiến nghị thu hồi 746 tỷ đồng, xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu, chuyển cơ quan điều tra để xử lý 162 vụ và 272 đối tượng
Khái quát chung, Chính phủ cũng nhìn nhận nhiều hạn chế, như trong chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp vẫn còn tồn tại cơ chế “xin - cho”, cục bộ địa phương. Trách nhiệm quản lý ngành trên địa bàn ở một số lĩnh vực còn chưa rõ ràng và chưa minh bạch, việc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo địa bàn lãnh thổ chưa được phân định rõ, còn chồng chéo về thẩm quyền và trách nhiệm.
Hay, trách nhiệm của tập thể UBND, cá nhân chủ tịch UBND và từng thành viên UBND còn chưa được rõ ràng, vì vậy trong một số vụ việc cụ thể khó có thể xác định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của tập thể khi xảy ra sai phạm. Tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở không ít địa phương.
Năng lực, trình độ, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tình trạng tham nhũng, cửa quyền, gây phiền hà đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục, Bộ trưởng Bình nhìn nhận.
Một trong các nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế nói trên được Chính phủ đề cập là trong hoạt động quản lý điều hành còn xảy ra hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến tồn đọng công việc.
Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào cấp trên; thiếu chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời. Chưa thay thế được kịp thời những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, thiếu trách nhiệm, thực thi nhiệm vụ kém hiệu quả.
Theo VnEconomy