Một doanh nghiệp (DN) đã đến Báo SGGP kêu cứu về việc hơn 26 tỷ đồng gửi trong tài khoản Ngân hàng VPBank bị biến mất nhưng ngân hàng thoái thác trách nhiệm với lý do nhân viên làm sai đã nghỉ việc, vụ việc đang giao cho cơ quan điều tra!
Tiền mất, ngân hàng đứng ngoài cuộc, còn cơ quan điều tra thì dù khách hàng đã nộp đơn tố cáo gần một năm nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý… Chẳng lẽ không có nơi nào chịu trách nhiệm, khiến người dân và doanh nghiệp sống trong hoang mang?
Cán bộ ngân hàng mua séc, 26 tỷ đồng của DN bốc hơi!
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở ở Củ Chi, chuyên mua bán nông sản) mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ cuối tháng 3-2015. Trong mùa mua bán nông sản, khách hàng thanh toán tiền hàng vào tài khoản này ước tính khoảng 26 tỷ đồng.
Cuối vụ, khoảng tháng 7, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân, đến rút tiền thì tá hỏa bởi 26 tỷ đồng trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn lại vài trăm ngàn đồng đủ “giữ” tài khoản. Bà muốn kiểm tra tài khoản thì nhân viên ngân hàng yêu cầu bà làm thủ tục đổi chữ ký, vì cho rằng chữ ký của bà không giống như chữ ký đã giao dịch trước đây!
Nhìn sao kê tài khoản, bà càng ngạc nhiên hơn nữa là trong lúc bà chạy đôn chạy đáo mua bán ở kho thì tài khoản của bà giao dịch “rút, chuyển” liên tục từ số tiền khách thanh toán chuyển vào tài khoản của mình. Việc ký séc, chi séc diễn ra liên tục, trong khi bà chưa hề mua séc lần nào. Hóa ra, trong bản sao kê ghi rõ, người mua séc của công ty bà chính là nhân viên Ngân hàng VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng và người rút séc là chồng bà Hằng, tên Nguyễn Huy Nhựt, cùng 2 người bạn tên Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh.
Trong thời gian ngắn, cứ số tiền khách chuyển vào tài khoản bao nhiêu thì Nhựt, Bảo, Trinh dùng séc (do chính nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng mua) để rút tiền mặt hoặc chuyển vào Công ty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên.
Điều đáng nói là ngay khi tạo tài khoản, bà Trần Thị Thanh Xuân có đăng ký thông báo giao dịch Mobile banking vào số điện thoại cá nhân bà. Trong sao kê tài khoản cũng thể hiện ngân hàng thu phí Mobile banking đầy đủ, nhưng bà không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch trên.
Có hay không việc ngân hàng tiếp tay?
Hành trình khiếu nại của bà Trần Thị Thanh Xuân từ tháng 7-2015 đến nay gần như đi vào ngõ cụt khi ngân hàng thoái thác trách nhiệm với lý do nhân viên mua séc của ngân hàng đã nghỉ việc, hồ sơ đã chuyển cho công an điều tra, chỉ có công an mới có quyền mời nhân viên đó lên làm việc, chứ với nhân viên nghỉ việc thì ngân hàng không có quyền mời!
Tiếp phóng viên Báo SGGP, bà Đàm Thanh Hương, Trưởng Nhóm dự án truyền thông Ngân hàng VPBank, cho xem bộ hồ sơ đăng ký mở tài khoản có chữ ký ghi tên Trần Thị Thanh Xuân (Giám đốc Công ty Quang Huân) nhưng thật ra chữ ký đó là của Phạm Văn Trinh - một trong số những người tham gia rút tiền.
Trong hồ sơ, tất cả chữ viết đều không phải là chữ viết của bà Xuân. Bà Xuân cho rằng đó là hồ sơ giả do nhân viên ngân hàng Thúy Hằng cùng chồng và Phạm Văn Trinh câu kết giả hồ sơ và con dấu công ty của bà. Bà cũng cung cấp các chữ ký và chữ viết trước đây Phạm Văn Trinh ký tại các phòng công chứng, cơ quan thuế để đối chiếu thì đúng đó là chữ ký và chữ viết của Trinh nhưng lại ghi tên giám đốc Xuân.
Dù phía ngân hàng cho chúng tôi xem hồ sơ, nhưng tất cả đều là bản photo, chữ viết kê khai theo các mẫu của ngân hàng không phải của Giám đốc Thanh Xuân (chủ tài khoản). Ngay trong các hợp đồng được ký trực tiếp của Công ty Quang Huân với Giám đốc chi nhánh Ngân hàng VPBank cũng được ký chữ ký của Phạm Văn Trinh. Chúng tôi yêu cầu xem lại camera các ngày giao dịch để làm rõ người ký hợp đồng thì ngân hàng hẹn lại ngày khác.
[caption id="attachment_146703" align="aligncenter" width="410"]
Chữ ký và chữ viết thật của Phạm Văn Trinh tại phòng công chứng trùng với chữ ký mang tên Giám đốc Trần Thị Thanh Xuân trong tờ séc[/caption]
Bà Xuân cũng yêu cầu ngân hàng cho xem bản chính hồ sơ thì không được ngân hàng cung cấp vì… quy định bảo mật! Trong lúc nóng bỏng, chính chủ tài khoản bị mất tiền muốn xem lại hồ sơ của mình thì ngân hàng gây khó dễ, đòi hỏi phải “làm đơn, đóng dấu” mới giải quyết. “Nếu ngân hàng bảo mật tốt cho khách hàng như thế thì tôi đâu bị mất tiền…”, bà Xuân than trời!
Nhìn qua hồ sơ ngân hàng và bản đối chiếu, mắt thường cũng có thể nhận thấy ngay chữ ký đó là của Phạm Văn Trinh và chữ viết không phải của bà Xuân. Do vậy, có cơ sở để bà Xuân đặt vấn đề “nếu không có sự câu kết của nhân viên ngân hàng thì không thể nào một người đàn ông lại có thể mạo nhận phụ nữ giao dịch với ngân hàng mà ngay tên gọi đã có chữ “Thị” được”.
Bà Xuân yêu cầu ngân hàng làm rõ việc nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng đã đứng tên mua séc của công ty bà và tiếp tay cho các giao dịch đánh cắp tiền từ tài khoản của bà, nhưng không được ngân hàng hợp tác, cứ bảo nhân viên đã nghỉ việc. Trong khi, theo pháp luật, nhân viên dù đã nghỉ việc, nhưng trước đây nhân viên đó tiến hành các giao dịch với tư cách là người của ngân hàng thì mọi vi phạm của nhân viên gây ra, ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Quá bức xúc, bà Xuân gửi đơn tố giác đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TPHCM từ tháng 9-2015. Vụ việc rõ ràng và đơn giản nhưng chẳng hiểu vì sao, đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa được công an xử lý.
Theo Cafebiz