Xử 'đại án' DongABank: Đề nghị điều tra người có dấu hiệu đồng phạm

Ông Phạm Văn Tân, nguyên trợ lý của ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc DongABank) vừa bị Viện kiểm sát đề nghị điều tra vì có dấu hiệu đồng phạm.

Đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm "đại án" DongABank đã đề nghị điều tra dấu hiệu đồng phạm của người liên quan. Ảnh: Tân Châu
Đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm "đại án" DongABank đã đề nghị điều tra dấu hiệu đồng phạm của người liên quan. Ảnh: Tân Châu)

Như Tiền Phong đưa tin, tại phiên tòa xử vụ "đại án" DongABank của TAND cấp cao tại TPHCM, đại diện VKS tại phiên tòa đã cho rằng, qua nghiên cứu vụ án, VKS nhận thấy trong vụ án còn có đối tượng Phạm Văn Tân (nguyên trợ lý của Trần Phương Bình) là người đứng tên nhiều tài khoản giúp sức Bình chiếm đoạt tổng cộng hơn 221 tỷ đồng.

VKS nhận thấy Phạm Văn Tân có liên quan đến vụ án, có dấu hiệu đồng phạm nhưng chưa được điều tra làm rõ, VKS đề nghị Bộ Công an điều tra vai trò của Phạm Văn Tân.

Ông Bình đang là bị cáo, tại phiên tòa phúc thẩm "đại án" DongABank này, một nguyên trợ lý của ông vừa bị VKS đề nghị điều tra vì có dấu hiệu đồng phạm. Ảnh: Tân Châu

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Tân tham gia phiên tòa với tư cách người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, làm chứng. Trả lời công tố tại phiên tòa sơ thẩm, ông Tân nói rằng không biết ông Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua số cổ phần này dù có thừa nhận đứng tên sở hữu cổ phần giùm ông Bình.

Ngoài ra ông Tân cũng khai thêm nhiều lần đứng tên vay tiền để giúp ngân hàng, còn thanh toán thế nào thì ông Tân không biết. Ông Tân cũng phủ nhận không nhận bất kỳ lợi ích gì từ ông Bình.

Hồ sơ vụ "đại án" DongABank thể hiện phần liên quan tới ông Tân là vào năm 2008, ông Bình mua lại 5.750.000 cổ phần DongABank của Cty quỹ Lộc Việt với giá 327 tỷ đồng. Ông Bình chỉ đạo thu khống 30 tỷ của Nguyễn Hồng Ánh (nguyên Trung tá công an, hiện là bị cáo), sử dụng nhiều khoản tiền khác cùng với việc chỉ đạo lập chứng từ thu khống 203 tỷ. Ngày 14/01/2008, Trần Phương Bình nhờ Phạm Văn Tân cùng một số đối tượng đứng tên chuyển 121 tỷ đồng vào tài khoản của Cty quỹ Lộc Việt.

Trong hành vi mà ông Bình bị quy lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt của DongABank 74 tỷ đồng trong việc mua 7.444.309 cổ phần DongABank năm 2009, ông Bình nhờ Tân ký chứng từ hộ và ông Trần Phương Bình chiếm đoạt tiền của DongABank.

Theo hồ sơ của Cơ quan điều tra vụ án DongABank, ông Tân từng khai nhận năm 2012, ông Bình nhờ Tân đứng tên mua 5.000.000 cổ phần DAB. Năm 2014, ông Bình chỉ đạo Tân chuyển nhượng 5.000.000 cổ phần DAB cho Cty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ ‘nhôm’ làm Chủ tịch HĐQT) với giá 50 tỷ đồng.

Hôm nay (30/5), phiên tòa phúc thẩm "đại án" DongABank đang vào phần tranh tụng. Ảnh: Tân Châu
Hôm nay (30/5), phiên tòa phúc thẩm "đại án" DongABank đang vào phần tranh tụng. Ảnh: Tân Châu)

Theo Cơ quan điều tra, hành vi ký chứng từ nộp khống của ông Tân để ông Bình mua cổ phần DongABank có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, do chuyển biến của tình hình theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 và hành vi của các đối tượng nêu trên không phạm vào tội tương ứng theo BLHS năm 2015 nên không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự Phạm Văn Tân.

Dù vậy, tại phiên xử phúc thẩm "đại án" đang diễn ra, VKS vẫn đề nghị Tòa tuyên tiếp tục điều tra hành vi của ông Tân vì "có dấu hiệu đồng phạm với ông Trần Phương Bình".

Theo Tiền Phong

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin