WEF: Đừng nhầm lẫn khủng hoảng "năm Covid-19" với khủng hoảng năm 2008, chúng khác nhau về bản chất!

Rất nhiều chuyên gia đã làm các phép so sánh giữa khủng hoảng Covid-19 với khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, họ đã quên rằng, hai cuộc khủng hoảng này có những khác biệt về mặt bản chất.

Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Liệu có gây ra cuộc khủng hoảng giống như 12 năm trước, hay thậm chí là những năm 1930?

Chắc chắn có những điểm tương đồng: phá sản trên diện rộng, thiếu thanh khoản, thua lỗ lớn và một số tổ chức tài chính có thể thất bại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Covid-19 sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng hệ thống không thể tránh khỏi.

Bằng cách sử dụng cách tiếp cận rủi ro nội sinh, chúng ta có thể so sánh và đối chiếu cuộc khủng hoảng Covid-19 với khủng hoảng năm 2008, từ đó đưa ra những phản ứng chính sách phù hợp.

Rủi ro hệ thống nội sinh và ngoại sinh

Chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF đề xuất phân loại rủi ro tài chính thành nội sinh và ngoại sinh.

Rủi ro ngoại sinh đến hệ thống tài chính cũng giống như việc một tiểu hành tinh tấn công trái đất - thật bất ngờ, chúng ta thể dự tính trước sự xuất hiện của nó, và nó có thể gây ra thiệt hại to lớn. Đối với hệ thống tài chính, cú sốc Covid-19 hoàn toàn ngoại sinh.

Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng là: chúng đều là nội sinh, được gây ra bởi chính những người tham gia thị trường. Khi điều kiện tài chính trở nên tồi tệ hơn, mức độ sẵn sàng chịu rủi ro của những người tham gia thị trường giảm nghiêm trọng. Họ hạn chế giao dịch và thường cố gắng giữ lập trường, thận trọng, bảo thủ hơn.

Thiệt hại trong mọi cuộc khủng hoảng hệ thống trong lịch sử là do khuếch đại rủi ro nội sinh, ngay cả khi nguyên nhân trực tiếp kích hoạt có thể là một cú sốc ngoại sinh như trong cuộc khủng hoảng hệ thống năm 1914.

May mắn thay, các cuộc khủng hoảng hệ thống không thường xuyên xảy ra. Các quốc gia OECD điển hình có thể 43 năm mới trải quan khủng hoảng một lần. Nhưng nếu chúng xảy ra, thiệt hại là rất khủng khiếp. Theo nguyên tắc thông thường, một cuộc khủng hoảng hệ thống sẽ tiêu tốn hơn một phần mười GDP, do đó, đối với Hoa Kỳ và châu Âu sẽ là hàng nghìn tỷ USD.

Năm 2008 là một cuộc khủng hoảng rủi ro nội sinh điển hình

Sự kiện khủng hoảng năm 2008, về bản chất, được gây ra bởi sự tương tác của những người tham gia thị trường. Kết quả là các quyết định bán các tài sản giống nhau, gây ra tình trạng thiếu thanh khoản cấp tính.

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ những điểm yếu của hệ thống tài chính: các sản phẩm tín dụng có cấu trúc yếu kém, rủi ro đáo hạn, các vấn đề pháp lý không thống nhất… Quá trình này chủ yếu là nội sinh.

Nói đến khủng hoảng nội sinh, cuộc khủng hoảng năm 2008 là một ví dụ điển hình - không quá khác biệt với các cuộc khủng hoảng năm 1914, 1866 và thậm chí là 1766.

Thế còn Covid-19?

Tất nhiên, cú sốc coronavirus hoàn toàn ngoại sinh đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra là: liệu hệ thống tài chính có hấp thụ cú sốc này hay không? Liệu cú sốc có tương tác với các nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống tài chính và phơi bày các lỗ hổng hiện có lên đến đỉnh điểm?

Mặc dù rủi ro đó có thể xảy ra, các chuyên gia của WEF vẫn lạc quan vì những lý do sau đây.

1. Thực tế là cú sốc Covid-19 là ngoại sinh và bản thân nó không phải là hậu quả của hệ thống tài chính yếu kém.

Các ngân hàng đã có kinh nghiệm hơn rất nhiều so với năm 2008. Mọi người thận trọng hơn, các cơ quan quản lý thông thái hơn và có nhiều thông tin hơn.

Các khoản cho vay rủi ro nhất hiện đang được thực hiện bởi các tổ chức phi ngân hàng, quỹ tài sản có chủ quyền, quỹ phòng hộ, thị trường trái phiếu… Mặc dù không may cho họ, nhưng các khoản lỗ lớn do Covid-19 gây ra cho các nhà đầu tư nói trên, cuối cùng sẽ không gây ra các vòng lặp giống như các khoản lỗ của ngân hàng, vì hầu hết họ sử dụng đòn bẩy ít hơn nhiều.

2. Các ngân hàng trung ương đã phản ứng hợp lý trong năm 2008, bơm thanh khoản tăng mạnh. Họ đã học được những bài học đắt giá từ những người tiền nhiệm trong cuộc Đại khủng hoảng, những người từ chối này cung cấp thanh khoản, và làm mọi thứ trở nên tệ hơn.

Kể từ năm 2008, các ngân hàng trung ương đã tiếp tục cung cấp lượng thanh khoản khổng lồ, giữ lãi suất thấp vì lợi ích kích thích nền kinh tế. Hậu quả tai hại của điều đó là mức độ đòn bẩy tăng cao chưa từng thấy. Khu vực tư nhân mắc nợ lớn, làm tăng tính dễ bị tổn thương trước cú sốc nhu cầu.

Cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng, như các ngân hàng trung ương đang làm bây giờ, có lẽ là một biện pháp hợp lý. Nhưng nó có hiệu quả không? Có lẽ là không, vì đây là một biện pháp chính sách sẽ gây ra một loại khủng hoảng khác. Lỗ hổng ngày nay không nằm chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, mà trong một loạt các công ty mắc nợ quá mức. Các công ty này sẽ chứng kiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, họ có thể đã biết từ trước. Trớ trêu thay, các công ty này nợ rất nghiêm trọng vì lãi suất thấp sau năm 2008.

So sánh giữa khủng hoảng Covid-19 và khủng hoảng toàn cầu năm 2008 là việc không thể tránh khỏi trong quá trình nghiên cứu, nhưng nhìn qua lăng kính rủi ro ngoại sinh và nội sinh thì chúng hoàn toàn khác nhau.

Năm 2008 là một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - được thúc đẩy bởi các tương tác nội sinh của những người tham gia thị trường. Covid-19 là một cú sốc ngoại sinh đối với nền kinh tế, và câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống của chúng ta có đủ điểm yếu tiềm ẩn để khủng hoảng hay không.

WEF nghĩ rằng điều này không thể xảy ra. Thay vào đó, mấu chốt của vấn đề nằm ngoài ngành tài chính. Chúng ta đang phải đối diện với thứ khủng khiếp hơn - một nền kinh tế với các cửa hàng, dịch vụ và hoạt động kinh doanh bị đóng cửa bởi lệnh của chính phủ, và thu nhập của nhiều người đang tiến về không.

Theo cafebiz.vn

Nguồn bài viết: https://cafebiz.vn/wef-dung-nham-lan-khung-hoang-nam-covid-19-voi-khung-hoang-nam-2008-chung-khac-nhau-ve-ban-chat-20200402164428608.chn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin