Vụ HAGL kiện VPF và những bất cập, khuyết thiếu trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh tế thể thao.

10/02/2023 15:17

(Pháp lý) – Mới đây Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (CLB HAGL) đã kiện công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra tòa vì cho rằng có hành vi vi phạm về pháp luật cạnh tranh, gây khó khăn cho các CLB, trong đó có CLB HAGL trong việc tìm kiếm nhà tài trợ tham dự giải bóng đá chuyên nghiệp. Đúng, sai của các bên trong vụ kiện sẽ được Tòa án phân xử trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, bước đầu nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy không ít bất cập, khuyết thiếu trong các qui định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh tế thể thao.

anh-1-1676016973.jpg

VPF công bố nhà tài trợ V- League 2023

DN bóng đá và CLB bóng đá chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật liên quan.

Theo quy định tại điều 49 Luật thể dục thể thao 2006 (sửa đổi bổ sung 2018), câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trong đó có câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp là doanh nghiệp thực hiện đào tạo, huấn luyện vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp và là thành viên của liên đoàn thể thao quốc gia; phải tuân thủ các quy định của liên đoàn thể thao quốc gia và liên đoàn thể thao quốc tế khi tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao quốc gia hoặc liên đoàn thể thao quốc tế tổ chức.

Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được Cơ quan đăng k‎ý kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng k‎ý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp; việc phá sản câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật phá sản. (Điều 50 Luật Thể dục thể thao)

Trong đó các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được tham gia thi đấu giải thể thao chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao quốc gia, liên đoàn thể thao quốc tế tổ chức; được quyền tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài…(Điều 52 Luật Thể dục thể thao)

Đối với hoạt động quảng bá sản phẩm nhà tài trợ của các câu lạc bộ phải tuân thủ quy định về quảng cáo trong lĩnh vực thể thao theo quy định tại Điều 35, Luật Quảng cáo 2012 về quảng cáo trong chương trình văn hoá, thể thao.

Đồng thời, hoạt động quảng bá không được vi phạm điều cấm trong hoạt động quảng cáo theo Điều 8, Luật Quảng cáo như: quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố; quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn…

Luật Cạnh tranh cũng có những quy định điều chỉnh liên quan đến các hoạt động kinh tế tế thể thao của DN bóng đá và CLB bóng đá như các quy định về hạn chế cạnh tranh, tại khoản 2 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh”. Có nghĩa pháp luật nghiêm cấm không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện những hành vi làm hạn chế sự cạnh tranh trong đó có hoạt động khai thác thương quyền, tài trợ, quảng cáo của DN bóng đá và CLB bóng đá…

Như vậy mọi hoạt động kinh doanh trong đó có hoạt động khai thác thương quyền, tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình… của các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, các doanh nghiệp thể thao trong đó có bóng đá đều chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan như Luật Thể dục thể thao, Luật Doanh nghiệp, Luật Quảng cáo…

Những vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ HAGL kiện VPF

Quay trở lại câu chuyện giữa CLB HAGL và VPF, có thể thấy theo quy định Luật Thể dục thể thao thì cả VPF và CLB HAGL đều hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Như vậy cả VPF và CLB HAG đều là chủ thể độc lập về mặt pháp nhân, không chịu sự điều chỉnh hoặc ràng buộc từ bất cứ bên nào, ‘có quyền nhân danh mình để tham gia các quan hệ xã hội một cách độc lập’ (Điều 74 BLDS 2015).

Quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp năm 2012 hiến định được và được cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư: ‘Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm’ và có quyền ‘Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng’.

Để đảm bảo nguồn kinh phí cho CLB hoạt động trong mùa giải mới V-League 2023, CLB HAGL đã nỗ lực tìm kiếm và họ đã ký kết được Nhà tài trợ mới Tập đoàn Carabao đến từ Thái Lan có nhãn hàng nước tăng lực. Tuy nhiên, điều này được Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF - đơn vị tổ chức V-League) cho là phạm quy, vì họ đã thông báo tại Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hôm 26/12/2022 về ngành hàng độc quyền V-League 2023 gồm nước tăng lực và quả bóng thi đấu.

Sau nhiều đàm phán, CLB HAGL đưa ra các đề xuất xoay quanh việc giữ tên gọi nhà tài trợ nhưng bỏ ngành hàng nước tăng lực khỏi các vị trí quảng bá, cụ thể là trang phục thi đấu và tập luyện, bộ nhận diện giải đấu, hình ảnh và hoạt động trong sân Pleiku. Sau đó VPF đã trao đổi với nhà tài trợ chính V-League 2023, và đồng ý với đề xuất của HAGL.

Tưởng chừng vụ việc sẽ êm xuôi. Tuy nhiên, ngày 7/2, CLB HLG đã nộp đơn kiện VPF kèm các tài liệu chứng cứ lên TAND quận Nam Từ Liêm. Trong nội dung khởi kiện VPF, CLB Hoàng Anh Gia Lai yêu cầu tòa án quận Nam Từ Liêm buộc VPF loại bỏ các quy định cấm các câu lạc bộ không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính và các quy định về ngành hàng độc quyền tại giải đấu. Lý do mà CLB HAGL đưa ra là quy định tài trợ độc quyền của VPF đang đi ngược với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2023) và vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

anh-2-1676016986.jpg

HLV Kiatisak cùng các cầu thủ HAGL chụp hình trang phục có in hình sản phẩm nhà tà trợ Carabao

Bình luận về vụ việc, một số chuyên gia pháp luật cho rằng, có nhiều vấn đề cần làm rõ. Đó là quy định về nhà tài trợ độc quyền tại Điều lệ Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 2023) có phù hợp qui định pháp luật hay chưa?; VPF có hay không hành vi hạn chế cạnh tranh của các CLB và DN bóng đá ?; Quy định nghĩa vụ các CLB tham gia giải V.League 2023 không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính tại Giải có phải là hành vi hạn chế cạnh tranh hay không?…

Có một số quan điểm cho rằng, vụ việc này liên quan đến vấn đề tài trợ độc quyền nhãn hàng nước tăng lực, liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nên Luật Cạnh tranh 2018 có thể sẽ được áp dụng để giải quyết.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại có quan điểm cho rằng trong vụ việc này, khó có thể dẫn chiếu đến Luật Cạnh tranh. Theo luật sư Thanh Hà, khoản 2 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi bị cấm liên quan đến cạnh tranh bao gồm: Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên trong vụ việc này, HAGL khó có thể dẫn chiếu Luật Cạnh tranh để kiện VPF vì đưa ra điều khoản độc quyền trong hợp đồng với nhà tài trợ V.League.

Còn luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết chưa xác định được dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh. “Ví dụ nếu một đơn vị tổ chức truyền hình trận đấu bóng đá, hay mua bản quyền một giải đấu và đặt ra những yêu cầu về quảng cáo như mức giá, hạn chế, cho phép thì khó có thể nói đây vị thế thống lĩnh”, LS. Đức cho rằng trường hợp này chỉ có thể đặt câu hỏi điều lệ có hợp lý hay không.

Bất cập , khuyết thiếu của pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh tế thể thao

Đúng, sai của các bên trong vụ kiện sẽ được Tòa án phân xử trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, bước đầu nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy không ít bất cập trong các qui định pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế thể thao.

Điển hình như, dù Luật Thể dục thể thao có quy định tham gia thi đấu giải thể thao chuyên nghiệp được quyền tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Luật Quảng cáo cũng có những quy định về quảng cáo trong chương trình văn hoá, thể thao… Tuy nhiên, hầu hết những văn bản quy phạm pháp luật này chủ yếu quy định rất chung chung, chưa có những quy định cụ thể đối với hoạt động khai thác thương quyền, tài trợ, quảng cáo… của các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, các doanh nghiệp thể thao. Những vấn đề này chủ yếu do điều lệ các giải đấu dẫn đến việc các đơn vị tổ chức các giải đấu có những quy định khác nhau giữa các bộ môn khác nhau hay những thời điểm khác nhau…

Điều lệ giải Vô địch Quốc gia 2023 là một văn bản hành chính nội bộ. VPF ban hành Điều lệ giải là căn cứ theo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (BĐVN) ban hành vào ngày 4/1/2023. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì Quy chế của Liên đoàn BĐVN cũng không phải là một văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là một văn bản hành chính. Mặc dù Nghị định không bắt buộc văn bản hành chính khi ban hành phải ghi rõ căn cứ quy định của pháp luật. Tuy nhiên tại Điều 13 Nghị định quy định: ‘Người ký văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản do mình ký ban hành. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành’. Được hiểu là việc việc ban hành Quy chế không được trái với quy định của pháp luật tại thời điểm. Hay nói cách khác việc ban hành Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, kể cả Điều lệ giải của VPF không được trái với Luật Cạnh tranh và các luật có liên quan.

Như vậy việc VPF căn cứ vào Điều lệ giải bóng đá Vô địch Quốc gia (VĐQG) Night Wolf 2023 để thay thế cho Điều lệ giải của năm trước, trong đó có đề cập đến nội dung độc quyền của nhà tài trợ giải là nước tăng lực Night Wolf, theo đó yêu cầu hạn chế quyền quảng bá nước tăng lực Carabao của CLB HAGL theo yêu cầu của Nhà tài trợ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn và phải chờ vào kết quả giải quyết của toà án.

Thiết nghĩ để phát triển thể thao, bóng đá nói chung, kinh tế thể thao nói riêng, các cơ quan chức năng cần sửa đổi bổ sung để có những quy định pháp lý chặt chẽ trong hoạt động kinh tế thể thao…

  VŨ LÊ MINH – VĂN CHIẾN
Bạn đang đọc bài viết "Vụ HAGL kiện VPF và những bất cập, khuyết thiếu trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh tế thể thao." tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin