Vụ Giang Kim Đạt: Các bị cáo phải bồi thường cho ai?

Từ ngày 16-2, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines).

Một diễn biến đáng chú ý diễn ra cuối tuần qua là có tới ba nguyên đơn dân sự cùng yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền bị coi là tham ô (260 tỉ đồng). Đó là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (trước là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin) và Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).

Đại diện theo ủy quyền của Vinashin cho biết thời điểm xảy ra vụ việc, Vinashinlines thuộc sở hữu 100% của Vinashin. Tiền mua tàu của Vinashinlines được Vinashin phụ trách và ủy thác cho vay thông qua Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thủy (VFC).

“Vinashinlines đang nợ VFC 48 triệu USD và 73 tỉ đồng tiền gốc, khả năng thu hồi số tiền này rất thấp” - vị đại diện này thông tin và đề nghị tòa tuyên trả số tiền nói trên về cho Vinashin.

 Bị đề nghị mức án tử hình, Giang Kim Đạt vẫn tươi cười rời tòa. Ảnh: ĐỨC MINH
Bị đề nghị mức án tử hình, Giang Kim Đạt vẫn tươi cười rời tòa. Ảnh: ĐỨC MINH)

Trong khi đó, đại diện của Vinalines trình bày thời điểm xảy ra vụ án, Vinashinlines không thuộc tổng công ty. Tuy nhiên, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 6-2010, Vinalines phải tiếp nhận toàn bộ công nợ của Vinashinlines. Tổng số nợ mà Vinalines đang phải gánh cho công ty này là hơn 6.000 tỉ đồng. Đại diện của Vinalines sau đó cũng đề nghị các khoản tiền thu hồi được trong vụ án phải chuyển trả cho Vinalines.

Ngoài ra, tổng giám đốc đương nhiệm của Vinashinlines cũng yêu cầu đòi bồi thường số tiền quy buộc cho các bị cáo chiếm đoạt.

“Cả mấy chỗ đều yêu cầu bồi thường, tôi không hiểu thế nào!” - chủ tọa phiên tòa thốt lên.

Khi luận tội, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phải bồi thường 260 tỉ đồng nói trên cho Vinashinlines.

Đánh giá về sự việc hy hữu này, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc Vinalines và Vinashinlines trình bày miệng (sau đó mới nộp đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại - PV) là không phù hợp với khoản 1 Điều 52 BLTTHS 2003. Điều luật này quy định nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. “Việc xuất hiện tình tiết mới có tới ba nguyên đơn dân sự đã chứng minh rõ hơn việc quá trình điều tra và truy tố chưa làm rõ được tư cách nguyên đơn dân sự” - luật sư Hoài nhận xét.

Cũng theo luật sư Hoài, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ quá trình chuyển đổi quản lý Vinashinlines giữa hai tổng công ty nói trên. Họ cũng chưa làm rõ được những thiệt hại (nếu có) phát sinh từ hành vi bị coi là sai phạm của các bị cáo, đồng thời chưa có căn cứ buộc các bị cáo phải bồi thường cho ai.

Theo Plo

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin