Vụ án xảy ra tại Công ty Bảo Minh (Cà Mau ): Các bị cáo kêu oan

19/03/2017 10:03

(Pháp lý) - Vụ án tham ô xảy ra tại Công ty cổ phần Bảo Minh Cà Mau kéo dài sang năm thứ 10, với 8 bản cáo trạng truy tố Nguyễn Viết Lượng và các đồng phạm đến nay chưa kết thúc. Sau bản án sơ thẩm được xét xử lại năm 2016, nhiều bị cáo trong đó có Hà Văn Khoa đang gửi đơn kêu oan…

Tính toán bồi thường

Trong mấy chục bộ hồ sơ được các cơ quan tố tụng Cà Mau xác định là do Nguyễn Viết Lượng, khi đó là Phó Giám đốc Bảo Minh Cà Mau lập khống và chiếm đoạt thì có hai bộ hồ sơ liên quan đến Hà Văn Khoa. Bản án sơ thẩm số 02/2016/HSST ngày 27/1/2016 của TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt Hà Văn Khoa 9 tháng tù về tội giúp sức cho Nguyễn Viết Lượng chiếm đoạt số tiền trên 117 triệu đồng từ hai bộ sơ đó.

Hà Văn Khoa là nhân viên bồi thường, còn gọi là bồi thường viên, với công việc được giao là căn cứ hồ sơ để tính toán con số bồi thường cho khách hàng, sau đó lãnh đạo và kế toán trưởng xem xét duyệt chi. Hai bộ hồ sơ nêu trong bản án khi đó do chính Phó Giám đốc Nguyễn Viết Lượng giao cho Khoa tính toán.

Ông Nguyễn Viết Lượng và các bị cáo tại một phiên tòa
Ông Nguyễn Viết Lượng và các bị cáo tại một phiên tòa)

Theo bản án sơ thẩm, xe 69L -5220 của bà Nguyễn Kim Yến tham gia bảo hiểm Bảo Minh Cà Mau từ 18/7/2004 đến 28/1/2005, do Nguyễn Văn Nhung (Trưởng phòng khai thác thị trường) bán vào ngày 9/8/2004. Hồ sơ thể hiện ngày 17/8/2004 xe này gây tai nạn tại Vĩnh Long, nên được Bảo Minh Cà Mau bồi thường trên 59 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho biết bà Yến tham gia bảo hiểm PJICO và đã được công ty này bồi thường. Các hóa đơn sửa chữa xe là do Nguyễn Viết Lượng mua của người khác. Bản án cho rằng “trong trường hợp này lẽ ra Khoa từ chối đề xuất bồi thường vì hồ sơ giám định không hợp lệ, nhưng Khoa vẫn tiến hành đề xuất bồi thường và hồ sơ được xác định là hồ sơ khống nên Khoa phải chịu trách nhiệm”. Số tiền trên 59 triệu đó bản án khẳng định Nguyễn Viết Lượng chiếm đoạt.

Hồ sơ xe 64H-2459 của ông Phạm Minh Phúc cũng tương tự như vậy, chủ xe tham gia bảo hiểm Bảo Minh Vĩnh Long, sau gây tai nạn đã được bồi thường. Việc hồ sơ này lại được Bảo Minh Cà Mau bồi thường 58 triệu đồng là hồ sơ khống. Các lời khai cho thấy Lượng chỉ đạo Tạ Viễn Phương bán bảo hiểm, sau đó đưa hồ sơ cho Khoa tính toán. Do hồ sơ chưa bảo đảm thủ tục, một số chứng từ phô tô, thiếu tờ khai tai nạn, nhưng Khoa vẫn đề xuất bồi thường, sau đó Nguyễn Văn Đảo (kế toán trưởng), Nguyễn Viết Lượng duyệt chi và Lượng chiếm đoạt 50 triệu đồng này.

Sau bản án sơ thẩm trên đây nhiều bị cáo liên quan đến hai hồ sơ này kêu oan, đặc biệt là Hà Văn Khoa.

Những căn cứ cần xem xét lại

Hà Văn Khoa kêu oan và cho rằng hai bộ hồ sơ này do Phó Giám đốc Lượng giao tính toán số tiền bồi thường. Khi ấy hồ sơ đầy đủ, ông Lượng đã k‎ý duyệt giá sửa chữa, ký duyệt biên bản giám định thiệt hại. Hồ sơ đã có đầy đủ giấy tờ theo quy định như phiếu mua bảo hiểm của Công ty Bảo Minh Cà Mau, có tai nạn, có tổn thất, có hồ sơ Cảnh sát giao thông, có hình ảnh minh họa kèm theo (hình ảnh thiệt hại), hồ sơ tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm. Theo quy định thì tài liệu đã đầy đủ, Khoa phải chấp hành theo phân công của lãnh đạo, làm bản tính toán số tiền dự kiến bồi thường một cách bình thường. Khoa khẳng định việc tính toán đó là rất khách quan, làm theo nhiệm vụ, không thể biết đó là tài liệu giả như kết quả điều tra sau này của cơ quan điều tra. Tương tự như vậy, hồ sơ xe 64H – 2459 cũng có đầy đủ quy định nên Khoa tính toán số tiền trả lại cho ông Phúc chủ xe gây tai nạn.

Trong qui trình bồi thường, tính toán dựa trên hồ sơ chỉ là khâu kỹ thuật, còn xem xét, rà soát, quyết định duyệt bồi thường là do lãnh đạo và kế toán. Vì vậy, sai sót nếu có của Hà Văn Khoa cũng cần xem xét khách quan.

Quyết định số 073/2002/QĐ-B08KV ngày 18/4/2002 của Giám đốc Cty bảo hiểm TP. Hồ Chí Minh qui định việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ thuộc diện có đủ điều kiện bồi thường hay từ chối bồi thường là thuộc thẩm quyền của Ban giám đốc Công ty và kế toán trưởng. Kế toán phải kiểm tra hồ sơ bồi thường trước khi chi tiền và có quyền từ chối chi tiền mà không phải chịu trách nhiệm nếu các hồ sơ bồi thường không thực hiện theo đúng quy định, trình tự về nghiệp vụ, hoặc phát hiện các hồ sơ có điểm nghi vấn cần phải yêu cầu kiểm tra xác minh, nhưng kế toán cũng không phát hiện hai bộ hồ sơ mà Khoa đã tính toán là giả. Đặc biệt là Tổng công ty Bảo Minh sau đó cũng đã kiểm tra những hồ sơ bồi thường của Công ty Bảo Minh Cà Mau, có khi một năm Tổng công ty kiểm tra vài lần, nhưng đều không phát hiện là hồ sơ giả.

Như vậy, nếu đó thật sự là những hồ sơ giả do ai đó tạo dựng mà Khoa không phát hiện được cũng là điều dễ hiểu. Khi đó Khoa mới là nhân viên trẻ, 22 tuổi đời, 1 năm kinh nghiệm, trong khi chính các chuyên gia của Tổng công ty cũng không nhận thấy đó là hồ sơ khống… Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 14/01/2016, đại diện nguyên đơn là Giám đốc Cty Bảo Minh Cà Mau vẫn khẳng định rằng việc Khoa tính toán bồi thường ở hai hồ sơ nêu trên là phù hợp, đúng quy định, không thể từ chối theo sự phân công của lãnh đạo.

Một vấn đề khác là tại hồ sơ chủ phương tiện Nguyễn Kim Yến, Phạm Minh Phúc đều khai không mua bảo hiểm nhưng cơ quan điều tra cũng như HĐXX không làm rõ trong hồ sơ đó ai là người bán bảo hiểm, ai là người mua bảo hiểm, ai là người quyết toán phí bảo hiểm, nguồn tiền từ đâu có để quyết toán phí bảo hiểm... Nếu những vấn đề này được làm rõ dựa trên những chứng cứ phải có trong hồ sơ như số thứ tự và thời điểm ghi biên lai, hóa đơn của bên bán bảo hiểm, giám định chữ ký người mua bảo hiểm, người nhận tiền bồi thường bảo hiểm... thì mới ngăn chặn được oan sai, đơn cử như trường hợp Hà Văn Khoa đang kêu oan trên đây.

Do hai hồ sơ được Khoa tính mức bồi thường không có sự bàn bạc, thống nhất hành động nhằm trục lợi với Phó Giám đốc Nguyễn Viết Lượng, và Khoa cũng không được hưởng lợi từ hai hồ sơ này nên Tòa xác định Khoa đồng phạm với Lượng là chưa chặt chẽ.

Hà Văn Khoa và nhiều bị cáo kêu oan trong vụ án này đang chờ đợi bản án khách quan, đúng pháp luật để khép lại vụ án kéo dài suốt 10 năm qua, với 8 bản cáo trạng và rất nhiều phiên tòa mở rồi lại hoãn, xử rồi lại hủy án để xử lại nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng truy tố.

Bảo Chân

Bạn đang đọc bài viết "Vụ án xảy ra tại Công ty Bảo Minh (Cà Mau ): Các bị cáo kêu oan" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin