Vụ án thuốc giả liên quan đến VN Pharma: Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường không dễ dàng?

(Pháp lý) - Vụ án thuốc giả liên quan đến VN Pharma là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận xã hội bởi hành vi của các bị cáo gây thiệt hại rất lớn về tài chính, sức khỏe cho nhiều người. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia cho rằng thực thi trách nhiệm bồi thường trên thực tế gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.

Làm giả giấy tời để nhập thuốc không rõ nguôn gốc, kém chất lượng

Vụ việc bắt nguồn từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam.

Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ nêu trên. Sau khi làm giả các giấy tờ, Hùng chỉ đạo cấp dưới trình hồ sơ lên Cục quản lý dược xin cấp phép.

Vụ án VN Phamar đang hé màn nhiều sự thật của ngành y dược VN (Trong ảnh là 1 bị cáo của vụ án)
Vụ án VN Phamar đang hé màn nhiều sự thật của ngành y dược VN (Trong ảnh là 1 bị cáo của vụ án))

Trên cơ sở hồ sơ của công ty VN Pharma cung cấp, Cục quản lý dược đã thành lập tổ thẩm định do ông Nguyễn Tất Đạt (khi đó là Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược) làm tổ trưởng gồm: nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng, nhóm thẩm định dược lý và nhóm thẩm định pháp lý hồ sơ. Căn cứ kết quả thẩm định, ông Trương Quốc Cường (khi đó là Cục trưởng Cục quản lý dược) đồng ý cho công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Theo kết quả giám định của bộ Y tế, lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Điều đáng nói là, nhiều bằng chứng cho thấy, không chỉ riêng lô thuốc thuốc H-Capita mà VN Pharma còn nhập về nhiều loại thuốc khác cũng “có vấn đề” tương tự H-Capita, đã được nhập về và tiêu thụ. Thống kê từ năm 2011 đến hết năm 2014, đã có 47 lô thuốc do Health 2000 Inc sản xuất với giá trị hơn 4,3 triệu USD đã được VN Pharma và một số công ty con/đối tác ủy thác nhập về. Toàn bộ số thuốc này đều đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện và đã được sử dụng hết.

Hiểm họa khôn lường khi dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Một bác sĩ tại một bệnh viện lớn cho biết, thuốc giả, thuốc kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

Chẳng hạn, một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định dùng thuốc hạ đường huyết nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết không những không xuống mà lại tăng cao gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng từ 15 đến 30 phút hoặc một vài ngày.

Bệnh nhân uống phải thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn “rước" thêm bệnh. Ngộ độc nhẹ có thể qua khỏi, còn ngộ độc nặng có thể dẫn tới suy thận, suy gan, nhiễm trùng máu và tử vong.

Trong vụ án thuốc giả liên quan đến VN Phamar, người tiêu dùng thuốc giả bị thiệt hại có thể được xác định là nguyên đơn dân sự theo Điều 63, Bộ Luật Tố tụng hình sự: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại” (Có thể là bị hại trong trường hợp sức khỏe bị tổn hại đến 31%- PV).

Về mặt lý luận là vậy, nhưng trên thực tế, để đưa ra yêu cầu bù đắp những thiệt hại thực tế khi sử dụng sản phẩm là thuốc giả là một thách thức của bị hại cũng như nguyên đơn dân sự.

Trao đổi với phóng viên Pháp lý, ông Dương Đình Khuyến - Trưởng Ban Tư vấn Pháp luật và trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, kéo dài trong nhiều năm thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Hành vi của các bị cáo không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn gây thiệt hại tới sức khỏe tính mạng của những người tiêu dùng thuốc.

Theo tôi, có trách nhiệm dân sự đặt ra nhưng để giải quyết thỏa đáng cũng như bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng thuốc giả là không hề dễ dàng.

Theo quy định của pháp luật, khi giải quyết vụ án hình sự thì ngoài việc chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng. Còn bao gồm cả việc điều tra, thu thập chứng cứ để làm rõ về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.

Tuy nhiên, không phải vụ án hình sự nào cũng có thể thu thập đủ chứng cứ để làm rõ về phần trách nhiệm dân sự với nhiều bị hại hoặc nguyên đơn dân sự. Trường hợp, phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ông Khuyến cho rằng vấn đề thực thi trách nhiệm bồi thường không hề đơn giản. Về nguyên tắc, để được bồi thường người bị thiệt hại buộc phải chứng minh lỗi, chứng minh được thiệt hại do hành vi sai phạm gây ra, có quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra… Điều này là một thách thức đối với người có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ở hầu hết các vụ việc bồi thường nếu giải quyết được là do có sự tác động mạnh từ dư luận xã hội. Trước sức ép của dư luận xã hội, người/tổ chức gây ra thiệt hại ăn năn, hối lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường.

Phan Phan – Văn Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin