VN Pharma làm giả bao nhiêu loại thuốc?

Không chỉ thuốc chữa ung thư H-Capita 500 Caplet được lãnh đạo Công ty VN Pharma và đồng phạm làm hồ sơ giả nhập về mà còn có 9 loại thuốc khác cũng được công ty này làm giả giấy.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm xét xử VN Pharma buôn lậu thuốc tháng 10/B
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm xét xử VN Pharma buôn lậu thuốc tháng 10/B)

Như đã thông tin, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa kết luận thanh tra (KLTT) việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc., Canada (gọi tắt là Công ty Helix), cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện (BV) của Công ty cổ phần VN Pharma (VN Pharma).

10 loại thuốc có giấy tờ giả

Tiếp tục điều tra thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất

Trong phần kết luận, TTCP chuyển KLTT đến Cơ quan An ninh điều tra liên quan đến việc VN Pharma nhập khẩu, bán thuốc H-Capita 500 mg do Công ty Helix sản xuất và các loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất, xử lý theo thẩm quyền mà Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang tiến hành.

Năm 2014, VN Pharma xin cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 7 thuốc gồm: H2K Ciprofloxacin 200 (SĐK VN - 17877 - 14) , H2K Ciprofloxacin 400 (VN 17878-14), H2K Levofloxacin 250 (VN - 17879 - 14), H2K Levofloxacin 500 (VN - 17880 - 14), H2K Levofloxacin 750 (VN - 17881 - 14), H-Cipox 200 (Cirprofloxacin VN 17882 - 14) và H-Levo 500 (Levofloxacin VN 17883 - 14) - sau đây gọi tắt là 7 thuốc.

VN Pharma cung cấp cho Bộ Y tế giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) thay thế giấy chứng nhận sản phẩm (CPP) theo quy định tại Thông tư 22/2009. Trên giấy FSC có nội dung xác nhận của cơ quan y tế Canada: Sản phẩm trên được phép bán tự do tại thị trường Canada. Giấy FSC, giấy thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) 7 loại thuốc VN Pharma đăng ký có xác nhận hợp thức hóa lãnh sự.

Tuy nhiên, địa chỉ Công ty Helix ghi trên FSC và GMP của 7 loại thuốc đăng ký trên được Cơ quan an ninh điều tra phát hiện tương tự giấy FSC và GMP có trong hồ sơ xin phép nhập khẩu thuốc H-Capita 500 Caplet (gọi tắt là H-Capita), là tài liệu làm giả theo Kết luận điều tra số 02/ANĐT-P6 ngày 11/1/2016.

 Danh sách thuốc giả bị rút số đăng ký. Ảnh: Duy Tính
Danh sách thuốc giả bị rút số đăng ký. Ảnh: Duy Tính)

Ngoài ra, VN Pharma còn xin cấp giấy phép nhập khẩu đối với 3 thuốc H-Capita 500 mg (GPNK: 22113/QLD-KD ngày 30/12/2013), H-Epra 40 (GPNK: 11142/QLD-KD ngày 1/7/2014), H-Lastapen 500 mg (GPNK: 11143/QLD-KD ngày 1/7/2014). Tất cả FSC và GMP của 3 thuốc này và Công ty Helix cũng đều được xác định là giả như trên.

Theo xác minh của TTCP tại các cơ sở y tế và báo cáo của Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), kể từ thời điểm VN Pharma được cấp 7 số đăng ký thuốc, giấy phép nhập khẩu 2 thuốc H-Epra 40 và H-Lastaphen 500 mg do Công ty Helix sản xuất đến ngày 31.12.2014, chưa có một loại thuốc nào được nhập khẩu và lưu hành tại VN. Chỉ có 9.300 hộp thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về bị bắt giữ, niêm phong, chưa lưu hành tại VN.

VN Pharma “làm xiếc” giá thuốc ra sao ?

Đáng lưu ý, thuốc H-Capital 500 mg đã bị bắt giữ niêm phong, nhưng trước đó trúng thầu tại rất nhiều BV và nó có giá rẻ đến bất ngờ. Theo TTCP, năm 2014, VN Pharma tham gia đấu thầu tại BV Đại học Y Dược TP.HCM. Trong danh mục thuốc trúng thầu có 15.000 viên thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất với giá 37.000 đồng/viên.

Công ty TNHH MTV Dược Nam Anh (do Công ty VN Pharma chủ sở hữu) năm 2014 cũng tham gia đấu thầu và trúng thầu 46 mặt hàng thuốc tại Sở Y tế TP.HCM, trong đó có mặt hàng H-Capita (thuộc nhóm 1). Nhà thầu Dược Nam Anh đã ký hợp đồng cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế, riêng H-Capita ký hợp đồng hơn 471.000 viên cho 4 BV: BV Nguyễn Tri Phương 20.000 viên; BV Nhân dân Gia Định 10.000 viên; BV Trưng Vương hơn 341.000 viên, BV Bình Dân 100.000 viên. Đơn giá trúng thầu thuốc này tại Sở Y tế là 31.000 đồng/viên, tức thấp hơn trúng tại BV Đại học Y Dược TP 6.000 đồng/viên.

Theo TTCP, VN Pharma thành lập lần đầu ngày 25/10/2011 (666/10/3 đường 3/2, P.14, Q.10, TP.HCM), hoạt động chính là kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu mặt hàng tân dược và kinh doanh nguyên liệu làm thuốc. Từ khi thành lập đến ngày 6/6/2016 công ty thay đổi đăng ký kinh doanh 17 lần. Từ tháng 10/2014 đến nay công ty gần như không hoạt động.

Theo báo cáo của công ty, doanh thu từ năm 2011 - 2014 là hơn 2.117 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán thuốc và nguyên liệu ra thị trường tự do là hơn 1.609 tỷ đồng; bán thuốc trúng thầu tại 26 địa phương và 12 BV tuyến T.Ư là 508 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế VN Pharma trúng thầu tại An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, TP.HCM và các BV tuyến T.Ư là Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TP, BV đa khoa T.Ư Cần Thơ và BV T.Ư Huế có tổng giá trị trúng thầu là gần 700 tỷ đồng.

Theo TTCP, việc xây dựng kế hoạch đấu thầu, số lượng và danh mục thuốc trong kế hoạch đấu thầu của một số đơn vị xây dựng thiếu căn cứ, không sát với tình hình thực tế sử dụng thuốc dẫn đến tổng giá trị gói thầu cao hơn so với tổng giá trị thuốc thực tế sử dụng 12 tháng liền kề từ 50 - 100%. Đơn giá kế hoạch nhiều mặt hàng lấy chưa đầy đủ đơn giá trúng thầu 12 tháng gần nhất trên website của Cục Quản lý dược để làm căn cứ xây dựng và thẩm định giá trị gói thầu. Việc này dẫn đến mỗi nơi trúng mỗi giá cao, thấp khác nhau.

Đơn cử, thuốc Drolenic 70 giá thầu tại TP.HCM là 6.900 đồng/viên, nhưng tại Kiên Giang lại trúng thầu đến 18.000 đồng/viên, chênh lệch 11.000 đồng/viên. Thuốc Augtace 500 giá trúng thầu tại An Giang là 2.260 đồng/viên, nhưng tại Tiền Giang là 9.500 đồng/viên…

Cũng theo TTCP, trong tổng số 46 thuốc nhập khẩu VN Pharma bán cho cơ sở y tế công lập thì có 15 thuốc chênh lệch giá từ 50 - 127%, có 25 thuốc chênh lệch giá từ 0,74 - 50%... Trong tổng số 148 thuốc sản xuất trong nước VN Pharma bán cho các cơ sở y tế công lập thì có 55 thuốc chênh lệch giá từ 50 - 375%; 75 thuốc chênh lệch giá từ 1,47% đến dưới 50%...

Theo Báo Thanh Niên

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin