VKS đề nghị chấp thuận kháng nghị với các bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ

Sáng nay (8/3) phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ đã khép lại phần xét hỏi, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Theo đó, sau khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên án với các bị cáo, có 36 bị cáo kháng cáo và VKSND tỉnh Phú Thọ quyết định kháng nghị một phần đối với bản án sơ thẩm.

Cụ thể, VKS kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tổ chức đối với 27 bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện từ Đại lý cấp 1 trở lên; áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tự nguyện khắc phục hậu quả cho các bị cáo đã khắc phục từ 1/2 số tiền thu lời bất chính trở lên; không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội Đánh bạc.

 

 HĐXX điều hành phiên tòa
HĐXX điều hành phiên tòa)

Có 17 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin cải tạo ngoài xã hội; 17 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; 1 bị cáo xin được áp dụng hình phạt tiền; 1 bị cáo (Lê Thị Lan Thanh, nguyên Giám đốc công ty GTS) kêu oan về tội Tổ chức đánh bạc. Trong đó, Viện KSND cấp cao bác kháng cáo kêu oan của Lê Thị Lan Thanh.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, có 1 bị cáo rút đơn kháng cáo, một số bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo bằng việc xin giảm hình phạt tù hoặc xin hưởng án treo. Cũng tại phiên tòa, bị cáo Đoàn Thị Thu Hà (kế toán Công ty CNC) xin được nộp tiền thay cho hình phạt tù về tội “Rửa tiền”.

Căn cứ kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKS, lời khai tại phiên tòa và trong hồ sơ vụ án, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng đây là vụ án có quy mô rộng, có tính phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước, trong đó có cả những bị cáo công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật. Số lượng bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm lên đến 92 bị cáo.

Sau phiên sơ thẩm các bị cáo kháng cáo và liên quan đến kháng nghị của VKS chủ yếu về tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc. Đối với các bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc, Viện KSND cấp cao cho rằng TAND tỉnh Phú Thọ kết án các bị cáo thuộc hai tội danh này là có căn cứ pháp luật.

Trong quá trình điều tra chỉ thu giữ được dữ liệu điện tử thể hiện hành vi đánh bạc trong hai ngày 8 và 9/8/2016. Căn cứ vào các dữ liệu này để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo và việc xác định số tiền đánh bạc của từng bị cáo theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, làm căn cứ để xác định số tiền tổ chức đánh bạc của các bị cáo.

 

 Toàn cảnh phiên tòa
Toàn cảnh phiên tòa)

Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ đề nghị tòa cấp phúc thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tổ chức đối với 27 bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc theo diện đại lý từ cấp 1 trở lên; Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và bồi thường khắc phục hậu quả cho các bị cáo đã khắc phục từ ½ số tiền thu lời bất chính trở lên (tình tiết này có liên quan đến 36 bị cáo); và không tịch thu tiền đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội Đánh bạc.

Theo quan điểm của đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội, đối với tình tiết kháng nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với phạm tội có tổ chức đối với 27 bị cáo, đây là vụ án có đồng phạm, mặc dù hành vi tổ chức đánh bạc của các bị cáo là tổ chức đánh bạc trực tuyến, sử dụng công nghệ cao, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội, tiếp nhận ý chí, phân công cụ thể thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 48 BLHS quy định những tình tiết đã là yếu tố phạm tội và không được coi là tình tiết tăng nặng.

Do đó, tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tổ chức đối với các bị cáo phạm tội này là chưa đúng pháp luật, gây bất lợi cho các bị cáo.

Ở phần nội dung kháng nghị không cho 36 bị cáo được hưởng tình tiết tự nguyện khắc phục hậu quả, mà chỉ áp dụng được hưởng tình tiết theo khoản 2 Điều 46 BLHS, Viện KSND cấp cao cho rằng các bị cáo được hưởng lợi từ hành vi Tổ chức đánh bạc là rất lớn. Nhiều bị cáo đã tích cực nộp ½ số tiền thu lời bất chính, trong khi pháp luật chưa có chính sách rõ ràng về vấn đề này, nên theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ là khắc phục hậu quả theo điểm d khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2017 là có căn cứ.

 

 Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa)

Về phần áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội Đánh bạc, trong vụ án này đã đưa ra xét xử 44 bị cáo, các bị cáo đều thừa nhận đã đánh bạc trong một thời gian dài bằng hình thức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet. Tuy nhiên do các đối tượng vận hành game đánh bạc xóa dữ liệu khi cơ quan điều tra phát hiện nên không thu giữ được dữ liệu từ các máy chủ về số dư tài khoản của các đại lý, những người chơi bạc tại thời điểm game bài bị đánh sập. Thực tế là không chứng minh được việc các đối tượng nạp tiền vào hệ thống game bằng thẻ cào hoặc mua rik, và cũng không chứng minh được chính xác cuối cùng người chơi bạc thắng hay thua.

Từ những phân tích trên, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng kháng nghị của VKDND tỉnh Phú Thọ là có căn cứ. VKS cấp cao đồng quan điểm với nội dung kháng nghị, nội dung này chứa đựng quan điểm của ngành Kiểm sát. Vì vậy, VKS cấp cao đề nghị Tòa cấp phúc thẩm áp dụng quy định của pháp luật theo đúng kháng nghị và bổ sung đối với bị cáo Đoàn Thị Thu Hà, tội Rửa tiền, không có quy định hình phạt tiền. Quyết định của bản án sơ thẩm hoàn toàn chính xác.

Theo đó, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Thọ. Chấp nhận một phần kháng cáo và xem xét giảm hình phạt tù cho cho 16 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của 20 bị cáo. Giữ nguyên quyết định hình phạt bản án sơ thẩm.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/phap-dinh/vks-de-nghi-chap-thuan-khang-nghi-voi-cac-bi-cao-trong-vu-danh-bac-nghin-ty-289296.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin