Vĩnh Phúc “ráo riết” chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Mức thu nhập bình quân 1 tháng khoảng 60 triệu đồng là con số mơ ước của nhiều người hiện nay. Rất nhiều hộ dân huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã “chạm” tới giấc mơ này từ việc chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, đi cùng với sự giàu có thì vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bệnh ung tư đang có xu hướng tăng nhanh tại đây.

[caption id="attachment_165773" align="aligncenter" width="586"]Vĩnh Phúc đang tìm lời giải cho bài toán kinh tế và bảo vệ môi trường sống. Ảnh: Internet Vĩnh Phúc đang tìm lời giải cho bài toán kinh tế và bảo vệ môi trường sống. Ảnh: Internet[/caption]

Chị Nguyễn Thị Hiền, sống tại thôn Trại Trì, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) kể, bình quân gia đình chị vắt một ngày được 2 tạ sữa tươi với giá bán khoảng 14.000 kg/ kg. Nếu trừ đi tất cả các chi phí, một ngày gia đình cũng “để dành” được khoảng 2,5 triệu đồng và 1 tháng cũng có một khoản tiền lớn từ 60 triệu – 80 triệu đồng.

Anh Kiều Văn Phương, thôn Khách Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh - một trong những hộ thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sữa chia sẻ, trước kia, với gần 2 sào vườn, gia đình anh chỉ trồng một số loại cây ăn quả và chăn nuôi gà, vịt để kiếm thêm thu nhập. Từ khi bò sữa được chăn nuôi rộng rãi trong thôn, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn chuyển đổi toàn bộ đất vườn sang chăn nuôi bò sữa. Đến nay, đàn bò của gia đình lên tới 20 con, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Đổi đời nhưng ô nhiễm nặng nề

Cũng giống như anh Phương, gia đình chị Lương Thị Loan, thôn An Lão Trên, xã Vĩnh Thịnh cho biết, ban đầu, gia đình chị chỉ nuôi 3 con bò nhưng sau vài năm thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các vật nuôi khác nên gia đình quyết định đầu tư mở rộng chăn nuôi thêm 12 con. Với đàn bò 15 con, mỗi năm gia đình chị có thêm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường đang phát triển với tốc độ nhanh, tuy nhiên việc phát triển chăn nuôi bò sữa hiện nay tập trung chủ yếu trong khu dân cư đã kéo theo nhiều hệ luỵ và đang ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường sinh thái, gây ô nhiễm nguồn nước.

Số liệu của Chi cục bảo vệ môi trường huyện Vĩnh Tường cho thấy, lượng chất thải từ nuôi bò thải ra mỗi ngày ở xã Vĩnh Thịnh lên tới… 300 tấn. Với lượng chất thải “khổng lồ” này, thì không chỉ có không khí mà cả nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng nề. “Đấy là nỗi lo của chúng tôi”, ông Nguyễn Ngọc Triển – Huyện ủy viên, kiêm Bí Thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh trăn trở.

Dù nghề chăn nuôi bò sữa đã và đang mang lại một nguồn thu nhập nhất định cho các hộ nông dân, nhưng do ảnh hưởng của sự phát triển nóng, thiếu quy hoạch, việc chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ trong khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân. Theo thống kê của trạm y tế xã Vĩnh Thịnh, năm 2014, xã chỉ có 8 người chết do ung thư, nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 12 người và đến đầu năm 2017 phát hiện mới 31 người mắc ung thư.

“Nếu không đưa bò ra khỏi làng thì người dân sẽ chết trước khi trở nên giàu có”, ông Chu Quốc Hải – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc thẳn thắn. Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, môi trường đang là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh lấy “công nghiệp là nền tảng, nông nghiệp là quan trọng, du lịch là mũi nhọn”. Tỉnh đã chỉ đạo huyện và xã quán triệt tinh thần phát triển kinh tế phải luôn vì chất lượng đời sống nhân dân, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, phải hướng đến mục tiêu chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Tìm sự đồng thuận

Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2009, UBND xã đã quy hoạch 3 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 17,3 ha. Song trong quá trình triển khai, do chọn vị trí không phù hợp nên việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đưa trang trại vào khu quy hoạch không có kết quả. Năm 2014, UBND xã ban hành Nghị quyết 01 về việc phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt giai đoạn 2013 - 2020 và đưa khu chăn nuôi ra ngoài khu dân cư. Xã Vĩnh Thịnh đã đề nghị UBND huyện cho điều chỉnh để mỗi thôn có một khu chăn nuôi tập trung phù hợp điều kiện đường giao thông và các điểm đấu nối điện để phục vụ người dân đầu tư ra khu chăn nuôi tập trung. Theo quy hoạch, toàn xã có 15 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 16 ha và được chọn thí điểm tại hai thôn An Lão Trên và Khách Nhi Ngược.

UBND huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành xây dựng dự án “Thí điểm đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường, giai đoạn 2017-2020”, nhằm tìm ra mô hình, giải pháp cụ thể phát triển đàn bò sữa theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND huyện Trần Việt Cường đã “ráo riết” chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng các giải pháp trên cơ sở ý kiến, sự đồng thuận của người dân địa phương.

Đề án sẽ tập trung theo hướng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong 3 năm, cấp kinh phí để địa phương tổ chức đưa hộ chăn nuôi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi bò sữa tập trung lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại tại một số tỉnh, thành phố trong nước. Dự án được triển khai sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống của nhân dân Vĩnh Thịnh, đồng thời phát triển đàn bò sữa tốt hơn, rộng hơn, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Cường, Vĩnh Tường muốn tăng quy mô đàn bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh nhưng sẽ là bất khả thi nếu việc chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh cứ mãi tập trung tại hộ gia đình và nuôi trong khu dân cư như hiện nay. Thế nhưng, đề án phát triển đàn bò sữa, nâng cao chất lượng đời sống người dân lại gặp khó khăn từ chính người dân, vì lo ngại việc phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, khiến đất trồng cỏ nuôi bò không còn.

Khách quan cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững và hiệu quả là một trong những chủ trương lớn và hết sức đúng đắn của Vĩnh Phúc, đặc biệt là chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ vì mục tiêu chiến lược là bền vững, lâu dài. Dự án FLC Vĩnh Phúc chỉ là một dự án trong nhiều dự án được chấp thuận đầu tư triển khai theo chủ trương, định hướng của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thậm chí, căn cứ vào xu hướng phát triển tất yếu của nhu cầu xã hội, kể cả khi không triển khai Dự án FLC tại Vĩnh Thịnh – An Tường, vấn đề chăn nuôi bò sữa tại khu vực này cũng sẽ được các cấp chính quyền xem xét để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời, hợp lý hơn nhằm đảm bảo cho cuộc sống của người dân được cải thiện theo hướng tích cực, môi trường được bảo vệ trong lành.

Chuyển dịch cơ cấu là chủ trương lớn

Được biết, ngay khi có được sự chấp thuận của UBND tỉnh về việc triển khai dự án tại địa bàn 2 xã Vĩnh Thịnh, An Tường, Dự án FLC Vĩnh Phúc đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau cả ở trong và ngoài địa phương. Với những người thực sự quan tâm đến mục tiêu phát triển lâu dài các mặt kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc, họ hầu như ủng hộ tuyệt đối. Với một bộ phận người chưa nắm rõ bản chất vấn đề, nhất là một số người dân địa phương có quyền lợi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án thì ít nhiều vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, giá trị đền bù giải phóng mặt bằng…
Về việc này, đại diện Công ty FLC cho biết: Khi Dự án FLC Vĩnh Phúc chính thức đi vào hoạt động sẽ có thể thu hút khoảng 4.000 lao động. Trong đó, số lao động phổ thông là 1.500 người. Với nhu cầu lao động như trên, dự án sẽ giải quyết 80% nhu cầu việc làm ở 2 xã Vĩnh Thịnh, An Tường, 20% nhu cầu việc làm của huyện Vĩnh Tường và các vùng phụ cận với thu nhập ổn định trung bình từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.

Với mục tiêu hài hòa các lợi ích của xã hội, giảm chi phí, làm giàu cho địa phương, chủ đầu tư khẳng định sẽ có các chương trình đào tạo nghề, ưu tiên tiếp nhận lao động tại địa phương. Với các hộ có con em không muốn làm việc tại dự án, chủ đầu tư cam kết sẽ tạo điều kiện cho con em các hộ có đất bị thu hồi tham gia các lớp học nghề tại trường Cao đẳng nghề FLC, trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và sẽ hỗ trợ giới thiệu việc làm khi các em ra trường…

Rõ ràng, nhìn vào những giải pháp cụ thể của doanh nghiệp nhằm chia sẻ với người dân địa phương khi triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy, FLC Vĩnh Phúc cũng chỉ là một trong những dự án mà tỉnh từng bước giải quyết thấu tình, đạt lý vấn đề lao động, việc làm. Chính vì vậy, ngay khi nhận được đề xuất đầu tư của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC về việc muốn triển khai dự án tại địa phương, bên cạnh việc ủng hộ thiện ý của doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải nghiên cứu tổng thể các mặt tác động của dự án có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương, cũng như môi trường sinh thái trong khu vực.

Chỉ sau khi nhận được sự đánh giá khách quan của các cấp, ngành, địa phương về ý nghĩa xã hội tích cực của dự án nếu được chấp thuận triển khai, tỉnh mới có quyết định chấp thuận đầu tư. Bên cạnh đó, để dự án nhận được sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt là của người dân trong vùng thực hiện dự án, tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật, định hướng đầu tư của tỉnh và giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân địa phương trong phạm vi thực hiện dự án.

Tuy nhiên, để Dự án nhận được sự đồng thuận cao hơn nữa của nhân dân, tỉnh và các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát và điều chỉnh một số cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ người dân địa phương cũng như yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng những cam kết đã nêu.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin