(Pháp lý) - Kết luận về những sai phạm, về khối tài sản khủng bất thường của một số quan chức, nhưng lại không thể truy nguồn gốc, không thể tịch thu và càng không thể truy trách nhiệm hình sự... Thực tế này khiến dư luận và người dân không phục.
Tại sao truy trách nhiệm nửa vời?
Vụ việc của ông Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, trong sự chờ đợi, hoài nghi của dư luận. Với những sai phạm khủng, tài sản lớn, dư luận trông chờ ông Phạm Sỹ Quý sẽ bị xử lý nghiêm, tài sản nào không chứng minh được sẽ bị tịch thu. Thế nhưng, ông Quý vẫn được tỉnh Yên Bái tin tưởng, tín nhiệm, điều động qua làm Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh và khối tài sản khổng lồ vẫn an toàn. Điểm mấu chốt mà dư luận quan tâm nhất, là khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý đang sở hữu, có là do đâu? Đó là tiền từ “mồ hôi nước mắt” của gia đình ông hay tiền tham ô, tham nhũng? Vấn đề mấu chốt này đến nay lại không được giải pháp?
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 3/11, đại diện Thanh tra Chính phủ thừa nhận còn nhiều vướng mắc trong quy định của pháp luật khi xử lý khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý. Về việc truy nguyên nguồn gốc tài sản, không chỉ riêng vụ việc ông Phạm Sỹ Quý mà trong các vụ việc khác cũng vậy, do các văn bản quy định pháp luật hiện nay điều chỉnh vấn đề này còn nhiều tồn tại, bất cập nên vướng mắc khi truy nguyên nguồn gốc tài sản và xử lý tài sản.
Bình luận về vụ việc, Luật gia Dương Đình Khuyến (Trưởng Ban Tư vấn pháp luật & Trợ giúp pháp lý thuộc Hội Luật gia Việt Nam) nêu quan điểm: Về vi phạm thì có dấu hiệu rõ ràng thiếu minh bạch trong tạo lập các khối tài sản và vi phạm trong kê khai, kê khai bổ sung, không minh bạch về tài sản của cán bộ công chức. Về trách nhiệm thì cán bộ, công chức “gánh” trên vai các trách nhiệm như trách nhiệm về mặt Đảng, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự (nếu vi phạm nghiêm trọng). Đảng và nhà nước có các quy định nhấn mạnh, trách nhiệm về Đảng không thay thế trách nhiệm khác. Tuy nhiên hiện nay, trong nhiều vụ việc nổi cộm, thì các cán bộ sai phạm chỉ chịu trách nhiệm về Đảng, trách nhiệm hành chính (trong nhiều vụ việc thì trách nhiệm này còn nhẹ -PV), còn trách nhiệm hình sự thì hầu như chưa được xem xét đến dù có những cán bộ mắc vi phạm nghiêm trọng.
Lý giải điều này, Luật gia Dương Đình Khuyến cho rằng: Chúng ta có những quy định của Đảng về trách nhiệm của Đảng viên. Căn cứ vào kết luận của Đảng, trách nhiệm của Đảng viên đã được xét đến. Đồng thời, quy định của pháp luật về trách nhiệm hành chính trong Luật Cán bộ, công chức và phần nào trách nhiệm của các cán bộ đã được đặt ra. Tuy nhiên còn thiếu vắng trách nhiệm hình sự, loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất, để răn đe, trừng phạt những cán bộ, Đảng viên vi phạm.
Xét các vi phạm trong quá trình tạo lập các khối tài sản của quan chức, gia đình nhiều quan chức hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau. Có quan điểm cho rằng, có thể xử lý hình sự, có thể không. Trong vụ khối tài sản khủng của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương), nhiều người cho rằng, vì các quyết định lớn trong quá trình cổ phần hóa là quyết định của tập thể nên không thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà này. Trong vụ ông Phạm Sỹ Quý thì lại cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân khác trong quản lý đất đai đã buông lỏng quản lý khiến ông này dễ dàng thu lợi, tạo lập lên khối tài sản khổng lồ… Theo Luật gia Dương Đình Khuyến: Việc vận dụng pháp luật để xử lý từng vụ việc phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể, nhưng với những thông tin đã được công khai trước dư luận thì hoàn toàn có thể xem xét việc thiếu trách nhiệm trong quản lý của các cá nhân vi phạm trên.
Cũng theo ông Khuyến, vấn đề lớn nhất trong các vụ việc vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương), ông Phạm Sỹ Quý (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái), hay ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng), Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Đà Nẵng) … là vấn đề nguồn gốc tài sản từ đâu mà có thì chưa được làm rõ. Bởi yếu nhất hiện nay là Luật chưa có cơ chế xác minh, truy nguyên nguồn gốc tài sản và cũng chưa có cơ chế tịch thu tài sản bất minh.
Thạc sĩ Quách Đình Lực (nguyên là Kiểm sát viên) hiện là Giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Tư pháp cũng chia sẻ băn khoăn: Đã có các kết luận về những vi phạm lớn của một bộ phận quan chức, nhưng không thể xử lý là do hạn chế về mặt pháp luật. Việc chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan điều tra và phụ thuộc vào các quy định của pháp luật. Muốn kết luận tài sản khủng là tài sản tham nhũng thì phải chứng minh, nhưng hiện chưa có các quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cũng cùng chung băn khoăn: Hiện chúng ta chưa có căn cứ cụ thể khẳng định tài sản của ông Quý có bất hợp pháp không. Để có căn cứ chuyển cơ quan điều tra thì phải có dấu hiệu tội phạm. Như tôi đã nói, vướng nhất hiện nay là xác minh nguồn gốc tài sản có bất hợp pháp không. Nếu chúng ta không trả lời được câu hỏi này thì không có căn cứ để chuyển cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự. Tuy nhiên, theo vị ĐBQH này, vấn đề xác minh tài sản, thu nhập ở nước ta hiện nay đang gặp khó khăn và một trong những khó khăn là chưa kiểm soát được nguồn thu - đầu vào, nguồn chi - đầu ra. Không chỉ riêng vụ việc này mà nhìn chung, việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ hiện nay để tiến hành xử lý cũng như tịch thu tài sản chưa làm tốt.
Những “lỡ hẹn” hoàn thiện pháp luật hình sự đáng tiếc…
Đánh giá về quyết tâm chống tham nhũng, Thạc sĩ Quách Đình Lực cho rằng: Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Việc phê chuẩn Công ước quốc tế về Phòng, chống tham nhũng được xem là quyết định quan trọng thể hiện những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong hoạt động PCTN.
Tuy nhiên theo ông Lực, nội dung Quyết định phê chuẩn Công ước cũng đưa ra Tuyên bố của Việt Nam trong việc không bị ràng buộc và không áp dụng trực tiếp các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp tại Điều 20 của Công ước này. Đây là một “lỡ hẹn” đáng tiếc. Việc không thể chế trong BLHS quy định về tội danh làm giàu bất chính khiến luật pháp vẫn có những kẽ hở, tạo điểm “núp” an toàn cho quan tham.
Hiện các tội danh tham nhũng được quy định tại các điều 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284 của BLHS 1999 và tương ứng là các điều 353, 354, 355, 356, 357, 358, 359 của BLHS 2015 sửa đổi 2017. Tuy nhiên còn nhiều hành vi tham nhũng khác chưa được quy định thành tội danh trong Luật như: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ quyền hại để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; Cản trở, can thiệp trái luật vào kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Từ quan sát và nghiên cứu, vị chuyên gia này cho rằng, để có thể xử lý được tài sản quan chức, cần sửa đổi Luật PCTN, Bộ luật Hình sự và các quy định pháp luật liên quan.
Nhiều chuyên gia pháp luật khác thì kỳ vọng đợt sửa đổi Luật PCTN lần này có thể khắc phục những kẽ hở của pháp luật trong các quy định về xử lý tài sản vi phạm của quan chức, tránh những “lỡ hẹn” đáng tiếc về mặt pháp luật. Luật gia Dương Đình Khuyến là người rất quan tâm đến bản dự thảo của Luật PCTN lần này, xem xét và góp ý cho bản dự thảo, ông cho rằng: Ta vẫn loay hoay trong việc xử lý tài sản bất minh. Tịch thu như thế nào, bằng cơ chế nào vẫn chưa rõ ràng. Ở Trung Quốc, họ quy định và đã thực hiện việc tịch thu tài sản bất minh, tuy nhiên ở ta chưa có thiết chế pháp luật mạnh mẽ đến thế.
Từ các vụ việc gần đây, có thể thấy quan chức có thể dễ dàng thu lợi từ vị trí của mình quản lý. Quan chức công thương, làm giàu từ vị trí quản lý ngành của mình. Quan chức tại vị ở Sở Tài nguyên Môi trường, giàu lên từ đất đai, quản lý đất đai… “Đó là những biểu hiện của nhóm lợi ích, của lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Đợt sửa Luật PCTN lần này, cần có những quy định ngăn ngừa, đồng thời quy định rõ chế tài để chặn được quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi”. Luật gia Dương Đình Khuyến kiến nghị.
Phan Tĩnh (thực hiện)