Về lại Đăk Mế

(Pháp lý) - Lâu rồi tôi mới về lại Đăk Mế, ngôi làng nhỏ nơi vùng đất ngã ba Đông Dương từng được đề cập nhiều trên báo chí, một điển hình của chính sách định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thật lạ, cứ mỗi lần ghé thăm, ngôi làng B’râu ấy lại gợi trong tôi những suy ngẫm mới về số phận của một tộc người lưu lạc qua bao thăng trầm lịch sử.

Dưới tán rừng lồ ô

Tôi đến vùng đất ngã ba Đông Dương lần đầu vào năm 1977, trong đội hình thanh niên xung kích từ các huyện ĐăkGlei, ĐăkTô, Sa Thầy lên biên giới với nhiệm vụ khá đặc biệt: Phát dọn lại tuyến đường xuyên vùng tam biên Việt, Lào, Cam Pu Chia.

Vừa trải qua cuộc chiến tàn khốc, vùng Tây-Bắc Kon Tum lúc bấy giờ còn ngổn ngang những dấu tích hoang tàn đổ nát, không chút sinh khí. Từ thị trấn Tân Cảnh (ĐăkTô) đến ngã tư PleiKần chỉ 18 cây số nhưng xe đi gần một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Một tấm biển khá lớn mang dòng chữ “Coi chừng cọp dữ” cắm ngay tại ngã tư cùng khung cảnh hoang vắng đến rợn người khiến người yếu bóng vía không khỏi rùng mình. Từ đây chúng tôi bắt đầu đi bộ thêm mấy cây số để vào Bờ Y. Con đường độc đạo lổn nhổn sỏi đá không một nếp nhà, chỉ bạt ngàn rừng le úa vàng lặng phắc đứng trong nắng tháng ba đổ lửa. Trải dài hai bên đường dày đặc những tấm biển nhỏ ghi dòng chữ cảnh báo chết chóc “Mìn. Nguy hiểm” với hình đầu lâu xương chéo tạo một cảm giác bất an, buộc chúng tôi phải tuân thủ chặt chẽ đội hình hành quân hàng một.

[caption id="attachment_134913" align="aligncenter" width="410"]Nhà rông mẹ và nhà rông con tại làng Đăk Mế. Nhà rông mẹ và nhà rông con tại làng Đăk Mế.[/caption]

Trong mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh, đây là tuyến đường tiếp vận, giao liên cực kỳ quan trọng của quân ta từ A Ta Pư (Nam Lào) đi qua một phần đất của tỉnh Ra Ta Na Ki Ri (Bắc CamPuChia) rồi vào đất Việt Nam tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, (Kon Tum). Len lỏi giữa rừng già điệp trùng, chỉ mới vài năm sau chiến tranh, tuyến đường đã bị cây rừng vùi lấp. Nứa và lồ ô mọc hàng hàng lớp lớp như thành lũy, Những bụi lồ ô khổng lồ thân cây to bằng bắp chân người lớn, da mốc trắng vươn cao chót vót, tán lá ken dày đến độ không một tia nắng nào có thể lọt xuống mặt đường. Từng ngang dọc qua bao vùng rừng Tây nguyên nhưng đến bây giờ tôi chưa hề thấy nơi đâu có rừng lồ ô “khủng” như vùng đất tam biên dạo ấy.

Hơn một tháng mở đường, thi thoảng tôi lại gặp vài ba người đồng bào bản địa đi từng tốp nhỏ theo lối mòn giữa rừng. Đàn ông cởi trần đóng khố, phụ nữ mặc váy và cũng để thân trần, đôi lúc có người quấn hờ tấm dồ địu con sau lưng. Họ thuộc sắc tộc nào, đi đâu và về đâu, lúc ấy tôi không biết và cũng không để tâm tìm hiểu. Thậm chí khi nhìn những người đàn ông răng cà miệng cười trơ lợi, những phụ nữ dái tai căng hết cỡ có gắn các mảnh ngà mài nhẵn, tôi còn e ngại, dè chừng. Nhưng khi nhận ra bản chất họ rất hiền lành, mộc mạc thì tôi dần yêu mến.

Về sau, qua thực tế và tiếp xúc với nhiều nguồn tư liệu, đặc biệt với người bạn là Tiến sĩ dân tộc học Bùi Ngọc Quang, tôi mới nhận ra. Họ, những người tôi gặp dưới tán rừng lồ ô năm ấy thuộc dòng B’râu, một sắc tộc có lượng người ít ỏi nhất Việt Nam.

Vì sao địa bàn cư trú của người B’râu chỉ quanh quẩn trên vùng đất ngã ba Đông Dương, ẩn sâu trong rừng dưới những tán cây lồ ô? Không khó để lý giải điều này theo quy luật đấu tranh sinh tồn giữa các dân tộc. Nhìn vào bản đồ phân bố địa bàn cư trú của các dân tộc Tây Nguyên, dễ dàng nhận thấy các sắc tộc đông đảo, hùng mạnh thường chiếm lĩnh các vùng đất màu mỡ ven sông hoặc những vùng bình nguyên rộng lớn. Và để bảo tồn giống nòi, những sắc tộc có lượng người ít ỏi, yếu thế hơn phải tìm những vùng đất hiểm yếu, nơi sơn cùng thủy tận làm nơi cư trú để tránh những cuộc giao tranh ngoài ý muốn. Có lẽ vì thế mà tổ tiên người B’râu đã chọn vùng tam biên, giáp ranh giữa ba nước để định cư. Một sự lựa chọn khôn ngoan giúp họ dễ bề tiến thoái vì chỉ cần vài bước chân là đã sang phần lãnh thổ của đất nước khác, với thảm rừng lồ ô bạt ngàn rất thuận lợi cho việc du canh và tạo dựng nhà ở.

Những cuộc du cư và hoài niệm về rừng

Theo số liệu thống kê, năm 1981 dân số B’râu tại xã Bờ Y có 282 người. Năm 2004 quy tụ tại làng Đăk Mế được 81 hộ với 319 nhân khẩu. Hiện tại, toàn xã Bờ Y có tổng cộng 157 hộ B’râu với 499 nhân khẩu. Trong đó tại làng Đăk Mế có 152 hộ, 483 khẩu và tại làng Tà Ka có 5 hộ, 16 khẩu.

Người B’râu không có chữ viết nên việc nghiên cứu, nhất là về nguồn gốc, lịch sử của tộc người gặp không ít khó khăn. Phần lớn những nhận định, đúc kết chỉ dựa trên các hiện vật còn lưu giữ hoặc theo lời kể của những người già. Theo đó, hàng trăm năm trước có một nhóm người B’râu từ Nam Lào du cư sang đất Việt. Quá trình di chuyển họ kết nạp thêm vài người đồng chủng ở mạn Đông Bắc CamPuChia, sau đó dừng chân lập làng bên bờ đông con sông Bờ Y. Từ đó đến nay, họ từng nhiều lần chuyển làng, khi qua Lào, khi CamPuChia rồi lại sang Việt Nam. Nhưng không đi xa mà chỉ quanh quẩn ở vùng tam biên như không nỡ rời quê hương bản quán.

Sau trận hỏa hoạn thiêu rụi cả ngôi làng bên bờ tây sông Bờ Y vào năm 1991, theo sự vận động của chính quyền, cộng đồng B’râu dời về lập làng mới tại Đăk Mế bây giờ. Lúc ấy, cả làng chỉ có hơn 300 nhân khẩu. Vì vậy có nhiều ý kiến ngộ nhận sắc tộc này đang đứng bên bờ diệt chủng. Thật ra, họ vẫn còn nhiều nhánh anh em sinh sống ở bên kia biên giới, vẫn thường xuyên qua lại gần gũi.

Giờ thì Đăk Mế đã có diện mạo của một ngôi làng định cư kiểu mẫu trên khu đất bằng phẳng, đẹp như mơ nằm cạnh quốc lộ 40 qua xã Bờ Y. Là sắc tộc thuộc diện quan tâm đặc biệt nên dân làng được thụ hưởng nhiều chương trình đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2003-2004, toàn bộ nhà ở được xây dựng kiên cố bằng nguồn vốn ngân sách. Nhà rông được phục dựng với kết cấu cột bê tông, mái lợp tôn.

[caption id="attachment_134914" align="aligncenter" width="410"]Già làng tiêu biểu Y Pan và Thao Lợi, thôn trưởng Đăk Mế. Già làng tiêu biểu Y Pan và Thao Lợi, thôn trưởng Đăk Mế.[/caption]

 

Đương nhiên là tốt, là bền. Nhưng sao người già vẫn còn vương vấn điều gì chưa nguôi. Nhớ lại hồi năm 2007 tôi lên Đăk Mế. Gặp già Thao Pem khi ấy đã trên trăm tuổi, già Nàng Bu cũng suýt soát chín mươi. Cả hai người đều có chung nỗi nhớ. Nhớ ngôi làng xưa có cấu trúc hình bánh xe với trục tâm là nhà rông ở giữa, những nếp nhà dài tề tựu chung quanh chứ không trải từng dãy như bây giờ. “Ở nhà làm bằng cây rừng sướng cái bụng lắm, không như nhà tôn, xi măng không quen được”. Già Thao Pem chậm rãi nói, mắt nhìn xa xăm về phía núi. Tôi hiểu đó không chỉ là nỗi nhớ rừng. Mà là những hoài niệm day dứt về một không gian hằng sống không thể quên. Ít lâu sau ngôi nhà rông bị sét đánh hư hại. Người làng tập trung dựng lại nhà rông mới với mái ngói vách ván, nhà mẹ ở giữa, nhà con hai bên để làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho đến nay.

Những người phụ nữ “đặc biệt”

Y Pan, già làng tiêu biểu của ĐăkMế có mẹ người B’râu, cha người Lào. Là con liệt sĩ nên từ năm 1959, Y Pan được tổ chức đưa ra Bắc theo diện học sinh miền Nam. Vừa học văn hóa vừa học ngành Y, sau đó lên Yên Bái công tác. Đến năm 1974, Y Pan được trở lại Kon Tum làm y tá tại Bệnh viện Đăk Tô và về hưu vào năm 1990. Học hành bài bản lại tham gia công tác nhiều năm nên khi về sống giữa cộng đồng, già Pan được tin cậy giao trọng trách Ủy viên TWMTTQ Việt Nam hai khóa liên tiếp từ năm 2004 đến 2014. Trên cương vị này, già trở thành chiếc cầu nối không thể thiếu của tộc người B’râu với thế giới bên ngoài và ngược lại. Hỏi sao không tiếp tục làm nữa, già cười hiền bảo: “Nhiều tuổi rồi, phải nghỉ ngơi thôi. Để người trẻ lên thay chứ”.

Gợi lại thời làm việc tại Bệnh viện Đăk Tô, già hào hứng khi tôi nhắc đến bác sĩ Ngữ, bác sĩ Hiếu, những lãnh đạo Bệnh viện ngày ấy. Ở độ tuổi 85, còn giữ được trí nhớ minh mẫn và khả năng tư duy mạch lạc như già là điều hiếm thấy. Nghe tôi hỏi hiện tại ở Đăk Mế có bao nhiêu học sinh cấp 3, bao nhiêu em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, già Pan trả lời rành rọt: “Đã có 4 em tốt nghiệp cao đẳng và 1 em đang học đại học sư phạm Huế năm thứ ba. Còn học sinh cấp 3 thì có 19 đứa đang học dưới trường Dân tộc nội trú Kon Tum”. Ngưng giây lát, già chép miệng: “Nhưng trong bốn em tốt nghiệp cao đẳng, chỉ có một đứa là xin được việc làm thôi. Còn ba em kia thì vẫn chưa xin được việc, trong đó có con của Thao Lợi”. Vừa lúc thôn trưởng Thao Lợi đi họp dưới huyện về, vào nhà góp chuyện. Ông xác nhận: “Đúng đó. Con mình học lâm sinh, tốt nghiệp ba năm rồi mà sao xin việc thấy khó quá”.

Dần dà câu chuyện giữa chúng tôi chuyển sang đề tài làm ăn kinh tế. Thao Lợi bảo Đăk Mế bây giờ giàu thì chưa nhưng hộ khá thì có đến gần trăm rồi. “Chủ yếu là nhờ người làng cần cù, chịu khó học kỹ thuật trồng cây công nghiệp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Như A Hanh con già Pan đây có đến 5 ha cao su, cà phê, là điển hình sản xuất giỏi của xã đó”. Thao Lợi vừa dứt câu già Pan đã tiếp lời “Nói thế thôi chứ trong làng cũng còn nhiều hộ thiếu đất sản xuất lắm, có hộ phải sang CamPuChia làm rẫy đấy”.Tôi ngạc nhiên: “Sang tận CamPuChia làm rẫy?” Già Pan gật: “Chứ sao. Để mình kêu nó sang nói chuyện nhé”. Nói xong già Pan đứng dậy bước sang nhà bên cạnh và chỉ chừng mười phút sau đã quay về cùng một phụ nữ trung niên. “Đây là Y Thao, vợ của Thao Ôt. Hai vợ chồng làm rẫy bên CamPuChia mới về. Cháu ăn thử cơm lúa mới của Thao đi”.

[caption id="attachment_134915" align="aligncenter" width="307"]Y Thao, người làm rẫy xuyên biên giới và cháu gái. Y Thao, người làm rẫy xuyên biên giới và cháu gái.[/caption]

Già Pan đặt tô cơm nếp nóng hổi thơm phức lên bàn mời tôi. Dùng đũa xắn một miếng nhỏ đưa lên miệng, tôi nghe vị thơm ngọt của nếp mới thấm đậm nơi đầu lưỡi. Hỏi Y Thao làm rẫy xa thế thì đi bằng gì, chị nhỏn nhẻn trả lời đi bằng xe máy, phải tiếng rưỡi mới đến nơi. “Mùa rẫy vừa rồi được nhiều lúa không, làm sao mình chuyển về nhà?” Sau phút suy nghĩ, Y Thao đáp: “Được hai lăm bao. Nhưng thuê xe chở về phải trả tiền hết bốn triệu rưỡi”. Theo giá lúa hiện nay, vậy là tiền vận chuyển đã chiếm mất non nửa giá trị sản phẩm thu hoạch . “Sao mình không làm rẫy ở gần cho đỡ mất công, hoặc làm lúa nước cũng được?”, tôi hỏi. Y Thao ngập ngừng đáp: “Ở nhà không còn đất rẫy nữa. Mình có làm lúa nước, nhưng cũng muốn làm lúa rẫy để có chỗ trồng thuốc hút, trồng bí, trồng cà”. Già Pan bứt rứt tiếp: “Bây giờ thì cái ăn, cái mặc sướng hơn xưa nhiều rồi nhưng buồn lắm. Vì không còn đất làm rẫy. Ngày xưa, trên rẫy lúa đồng bào mình thường trồng xen thuốc hút, bí, cà, ớt đủ hết, lại đặt bẫy chung quanh để bắt con sóc, con chuột rừng. Có rẫy lúa thì mới có ba lễ hội mừng trỉa lúa, đưa lúa về kho và ăn cơm mới. Giờ cũng tổ chức đủ hết nhưng không vui như trước nữa”.

Đã quá trưa. Nắng nhạt dần trên vùng đất tam biên. Gió cuối đông se lạnh gợi chút bâng khuâng khi tôi rời Đăk Mế. Lại thêm một cái tết đang đến gần. Không riêng người B’râu, nhiều dân tộc bản địa Tây Nguyên cũng đang dần hội nhập với nền văn hóa Kinh, kể cả việc ăn Tết Nguyên đán. Ngược lại, nhiều lễ hội truyền thống của họ đang bị mai một dần bởi không gian sống bị phá vỡ và thay đổi tập quán canh tác. “Giờ cũng tổ chức đủ hết nhưng không vui như trước nữa”. Tôi nhớ lại câu nói của già Pan. Làm thế nào để thúc đẩy phát triển nhưng vẫn bảo tồn được hồn cốt văn hóa như nó vốn có, chứ không phải chỉ hình thức bề ngoài? Đó là mâu thuẫn nội tại không dễ giải quyết trong thời đại giao thoa, hội nhập với tốc độ chóng mặt hiện nay.

DUY THÁI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin