Từ vụ Panama, cấn thiết hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

08/05/2016 03:41

(Pháp lý) - Hồ sơ Panama đã đề cập đến loại tội phạm không biên giới đó là tội phạm rửa tiền có liên quan mật thiết đến tội tham nhũng. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật, đây là một dịp để Việt Nam nên nhìn lại những quy định pháp luật của mình để hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN) không trở nên lạc hậu so với tình hình tham nhũng trong nước và quốc tế. Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn An (Hãng Luật Cộng Đồng)– một chuyên gia pháp luật tài chính xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: “Hồ sơ Panama” là một sự kiện rúng động dư luận trong nước và quốc tế. Dưới con mắt chuyên gia pháp luật tài chính, ông bình luận gì về sự kiện này?

Luật sư Nguyễn An: Vụ rò rỉ tài liệu Panama đến nay đã gọi tên nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước lớn, nhỏ có dính líu đến việc trốn thuế và rửa tiền. Điều đó chứng minh một điều là việc trốn thuế và rửa tiền có thể xảy ở bất cứ quốc gia nào, ở bất cứ trình độ nào và không từ bất cứ người nào.

[caption id="attachment_140046" align="aligncenter" width="410"]TS. Luật sư Nguyễn An trao đổi với Phóng viên Pháp lý TS. Luật sư Nguyễn An trao đổi với Phóng viên Pháp lý[/caption]

Điều này còn làm tôi liên tưởng đến tình hình hoạt động phòng chống tham nhũng, rửa tiền ở Việt Nam. Như nhiều cảnh báo của các chuyên gia nếu luật lệ không nghiêm túc, quản lý không chặt chẽ, xử lý không nghiêm thì ở vị trí càng cao, việc lợi dụng kẽ hở chính sách pháp luật để trục lợi càng dễ, nguy cơ để các cán bộ “vấp ngã” càng nhiều, hậu quả càng lớn.

Vụ Panama đề cập đến vấn nạn rửa tiền liên quan mật thiết đến vấn nạn tham nhũng nhiều quốc gia đang mắc phải. Đó cũng là một nội dung có trong Công ước Quốc tế về CTN của Liên hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả xử lý vấn đề này nếu nguy cơ có thể hiện hữu ở Việt Nam?

Việt Nam đã tham gia dự 07 vòng đàm phán xây dựng Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước vào tháng 12/2003. Ngày 14/12/2005, Công ước đã chính thức có hiệu lực. Công ước là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng, bao gồm những quy định tương đối toàn diện về phòng, chống tham nhũng và hợp tác giữa các quốc gia trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên trong tuyên bố về việc thực thi Công ước gửi Liên Hợp Quốc thì Việt Nam tuyên bố không áp dụng trực tiếp quy định của Công ước Liên hợp Quốc vào tình hình Việt Nam mà sẽ thực thi công ước này trên cơ sở nội luật hóa các quy định của công ước vào luật trong nước. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, còn có nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả trong việc xử lý vấn nạn tham nhũng nếu nguy cơ này hiện hữu ở Việt Nam.

Về khuôn khổ pháp luật phòng, chống tham nhũng: Pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam còn một số nội dung chưa nội luật hóa các quy định của Công ước như về hình sự hóa hành vi tham nhũng trong khu vực tư; chưa có quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thực hiện hành vi tham nhũng, hối lộ; chưa có quy định cụ thể về tội danh đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức công quốc tế.

Về cơ quan chuyên trách và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng: Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách độc lập về chống tham nhũng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Thẩm quyền và tính độc lập tương đối của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, mặc dù đã có nhiều quy định về cơ chế phối hợp nhưng hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng còn hạn chế.

Về hợp tác quốc tế trong thực thi Công ước: Việc hợp tác quốc tế về thực thi Công ước hiện nay đang ở mức độ hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đào tạo. Các hình thức hợp tác ở mức độ cao hơn như trao đổi thông tin tình báo tài chính, phối hợp trong điều tra chung, sử dụng kết quả điều tra của quốc gia thành viên khác, hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng bị chuyển ra nước ngoài… Việt Nam mới đang tiếp cận bước đầu, mức độ hợp tác mới dừng ở từng vụ việc cụ thể, chưa trở thành cơ chế hợp tác thường xuyên.

[caption id="attachment_140048" align="aligncenter" width="281"]Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của VN cần tiếp tục phải  sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng được yêu cầu mới phục vụ công tác đấu tranh PCTN Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của VN cần tiếp tục phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng được yêu cầu mới phục vụ công tác đấu tranh PCTN[/caption]

 

Với thực tế của pháp luật như vậy, ta có thể xử lý các hành vi “chuyển tiền có nguồn gốc không minh bạch ra quốc tế để biến thành đồng tiền sạch” hay không? Nhất là hành vi đó xuất phát từ Việt Nam nhưng lại diễn ra chính ở các nước khác nhau trên thế giới?

“Chuyển tiền có nguồn gốc không minh bạch ra quốc tế để biến thành đồng tiền sạch” hay còn gọi là “rửa tiền” là hành vi phạm tội được quy định rõ trong Khoản 1 Điều 251 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có”. Khoản 2, 3 Điều 251 quy định về 02 khung hình phạt tăng nặng đối với mức độ nguy hiểm của hành vi rửa tiền. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ 01/07/2016) cũng đã quy định về tội Rửa tiền tại Điều 324. Đồng thời Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 quy định: “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

a) Các hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản”.

Ngày 04/10/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Nghị định đã quy định về các biện pháp phòng, chống rửa tiền, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Có thể nói Việt Nam đã có quy định để phòng chống rửa tiền.

Tuy nhiên, việc truy trách nhiệm pháp lý nếu có hoạt động này xảy ra chỉ thuận lợi trong trường hợp tiền chuyển đến các nước có quy định pháp luật chặt chẽ và có kí các hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam. Đối với các nước có hệ thống pháp luật không chặt chẽ, không có các hiệp ước đã kí với Việt Nam thì ắt hẳn ta sẽ gặp khó khăn trong quá trình điều tra và việc xử lý là không khả thi.

Còn nhớ trước đây, dư luận từng đặt dấu hỏi về vụ ngân hàng HSBC đã từng giúp 26 khách hàng Việt Nam “giấu tiền” với tổng tài sản lên tới 37,5 triệu USD. Như vậy, có thể nói, đã từng có những nguồn tiền lớn từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài không minh bạch. Trên thế giới thì Panama không phải là báo động đầu tiên, mà trước đó đã có những vụ việc tương tự. Ông có đánh giá thế nào về pháp luật quản lý nguồn tiền của Việt Nam?

Theo tôi được biết, Ngân hàng nhà nước có động thái tra soát nhưng chưa thông tin công khai trước dư luận về những tài khoản mà chủ nhân có Quốc tịch Việt Nam và có hành vi chuyển số tiền lớn ra nước ngoài qua HSBC. Việc chưa công khai có lẽ sẽ khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch của hoạt động này.

Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này có thể sẽ được “lách” gửi vào các định chế tài chính hoặc mở nhiều tài khoản ở nhiều các định chế tài chính khác nhau và gửi số tiền dưới mức phải báo cáo hoặc có thể thuê những người khác gửi tiền mặt do phạm tội mà có vào tài khoản của họ sau đó chuyển khoản về tài khoản của tội phạm.

Tôi bi quan về các quy định quản lý nguồn tiền của Việt Nam. Lý do là trên thực tế người Việt vẫn chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, điều đó khiến có thể khó kiểm soát các nguồn tiền không minh bạch.

[caption id="attachment_140047" align="aligncenter" width="410"]Hồ sơ Panama đang gây chấn động thế giới Hồ sơ Panama đang gây chấn động thế giới[/caption]

Hầu hết tiền trong vụ Panama đều có liên quan đến giới quan chức cao cấp của một số nước trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về các quy định về vấn đề kiểm soát thu nhập của cán bộ quan chức ở Việt Nam?

Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; đặc biệt với người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, khi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn ở mức thấp.

Việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn hạn chế bởi quy định hiện hành về chủ thể có trách nhiệm kê khai còn rộng. Việc kê khai được kỳ vọng là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả nhưng hiện mới chỉ dựa vào ý thức tự giác của người phải kê khai. Hầu hết các bản kê khai đều chưa được kiểm tra, xác nhận; chưa giúp cơ quan chức năng kiểm soát được mọi biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Việc quản lý tài sản của công dân trong xã hội, nhất là việc quản lý đối với tài sản có giá trị còn rất lỏng lẻo. Đặc biệt, sử dụng tiền mặt còn phổ biến cũng khiến cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập khó khăn. Công tác quản lý bản kê khai còn khép kín, không bảo đảm minh bạch, khách quan. Cách triển khai minh bạch tài sản, thu nhập chưa đồng bộ vì có sự đan xen, phân cấp trong quản lý; sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra về minh bạch tài sản, thu nhập chưa kịp thời…

Hiện vẫn chưa có quy định về cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và rộng hơn là cơ chế kiểm soát thu nhập trong xã hội nói chung, nhằm giúp phát hiện nguy cơ tham nhũng với những người có chức vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Anh Tuấn (Ghi)

Bạn đang đọc bài viết "Từ vụ Panama, cấn thiết hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin