Bệnh nhân 87 tuổi ở Bệnh viện E âm tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm lại: Chuyên gia lý giải vì sao xét nghiệm lúc dương, lúc âm tính?

20/08/2020 12:43

(Pháp lý) - Trong số ca nghi nhiễm COVID-19 có nhiều trường hợp phải trải qua nhiều lần xét nghiệm, thậm chí phải gửi đi nhiều trung tâm mới cho ra kết quả chính xác dương tính hay âm tính. Vậy nguyên nhân là do đâu? Các chuyên gia cho rằng, các phương pháp xét nghiệm cho đến nay không có phương pháp nào cho kết quả chính xác 100%, kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào thời điểm lấy bệnh phẩm, phương pháp và kỹ thuật lấy mẫu.

Chuyên gia cho rằng các phương pháp xét nghiệm cho đến nay không có phương pháp nào cho kết quả chính xác 100%

Từ sự kiện bệnh nhân 87 tuổi ở Bệnh viện E

Mới đây nhất, sự kiện bệnh nhân 87 tuổi ở Bệnh viện E - Bệnh nhân 994 âm tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm lại chỉ sau chưa đầy 1 ngày đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Cùng với kết quả này là xét nghiệm của toàn bộ y bác sĩ của Bệnh viện E, người có liên quan đến bệnh nhân cũng âm tính.

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết đêm 19/8, cơ sở y tế này tiếp nhận bệnh nhân 994 (nam, 87 tuổi, ở Phú Thọ) từ Bệnh viện E chuyển sang. Ngay trong đêm, các bác sĩ đã lấy mẫu bệnh phẩm của người này để xét nghiệm lại và cho kết quả âm tính. Bệnh viện đang chờ kết quả xét nghiệm lần 3 dự kiến sẽ được Bộ y tế công bố vào chiều nay, 20.8.

Trước đó, từ 20h ngày 19/8, bệnh viện E tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân do có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 đối với bệnh nhân 87 tuổi nêu trên.

Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Trung Cấp cũng cho hay sức khỏe bệnh nhân ổn định. Việc xét nghiệm cho trường hợp này cần thận trọng và chờ kết quả lần tiếp theo. “Kết quả âm tính có thể do bệnh nhân được lấy mẫu ở vị trí không có virus”, bác sĩ Cấp nói. Ông cho biết trong trường hợp người này có kết quả âm tính, Bệnh viện E sẽ được khám, chữa bệnh bình thường.

Theo BS. Nguyễn Trung cấp: Việc xét nghiệm cho trường hợp bệnh nhân ở BV E cần thận trọng và chờ kết quả lần tiếp theo. “Kết quả âm tính có thể do bệnh nhân được lấy mẫu ở vị trí không có virus”, bác sĩ Cấp nói. Ông cho biết trong trường hợp người này có kết quả âm tính, Bệnh viện E sẽ được khám, chữa bệnh bình thường.

Kết quả xét nghiệm lúc dương tính, lúc âm tính

Còn nhớ hồi tháng 4, người dân Quảng Trị đã có một phen hốt hoảng sau khi trường hợp hai người từ Lào trở về nước có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại hệ thống xét nghiệm của Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đó lãnh đạo tỉnh lập tức huy động nhiều chuyến xe chạy lên khu cách ly ở Đakrông và Hướng Hóa để đưa tất cả những người có tiếp xúc hai người này về khu cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Tất cả những phương án chống dịch lây lan ngay lập tức được kích hoạt.

Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị gửi thêm hai mẫu bệnh phẩm của hai trường hợp nói trên vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Trong ngày 7-4, kết quả của hai mẫu bệnh phẩm này đã được Viện Pasteur Nha Trang công bố… âm tính.

Để chắc chắn, ngày 8-4 tỉnh Quảng Trị gửi tiếp vào Nha Trang mẫu huyết thanh của hai trường hợp này. Kết quả của hai mẫu huyết thanh cũng âm tính. Phải đến lúc đó, lãnh đạo và người dân Quảng Trị mới nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân trước khi công bố mắc COVID- 19 đã cho kết quả xét nghiệm âm tính trước đó 2 lần. Chẳng hạn như ca bệnh 812 là ca mắc COVID-19 thứ 7 ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xét nghiệm PCR đến lần thứ 3 mới cho kết quả dương tính.

Hay, bệnh nhân 22 (quốc tịch Anh) đã có kết quả dương tính sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Đây là những trường hợp rất đặc biệt ở Việt Nam.

Nói về những trường hợp đặc biệt này, BSCKII Vũ Thị Thu Hương - Khoa khám bệnh, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương (cơ sở 1) cho biết, xét nghiệm Real-Time PCR là xét nghiệm khẳng định một người có nhiễm COVID-19 hay không, mẫu bệnh phẩm được lấy từ vùng dịch hầu họng để tìm virus, độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Kĩ thuật này phát hiện AND (ARN) của mầm bệnh hiện diện trong bệnh phẩm nhờ vào phản ứng chuỗi enzyme polymerase khuếch đại lên cả triệu lần trong thời gian ngắn. Nguyên lý hoạt động là dùng enzyme trùng hợp polymerase để nhanh chóng tạo ra một lượng lớn các bản sao từ một đoạn AND (ARN) chọn lọc.

Kết quả của xét nghiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là vào diễn biến bệnh, tức mẫu bệnh phẩm lấy vào giai đoạn nào của bệnh. Chẳng hạn, thời gian lấy mẫu là khi mới nhiễm virus, xét nghiệm PCR vẫn cho là âm tính. Hoặc lấy bệnh phẩm vào giai đoạn sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, xét nghiệm PCR cũng cho âm tính…

"Để đưa ra kết luận một bệnh nhân mắc COVID-19 cần phải làm xét nghiệm theo quy trình rất cẩn thận và nghiêm ngặt mới đưa ra kết quả cuối cùng có nhiễm virus SARS-CoV-2 không. Muốn khẳng định chắc chắn một người mắc COVID-19 cần có sự phối hợp giữa lâm sàng và xét nghiệm. Khi lâm sàng và xét nghiệm cho kết quả không hợp lý sẽ làm lại xét nghiệm và kết quả xét nghiệm có thể chạy lại vài lần để khẳng định chứ không phải chỉ làm duy nhất một lần. Trường hợp nghi ngờ cũng có thể xét nghiệm so sánh giữa các phòng xét nghiệm khác nhau để có được cho kết quả chính cuối cùng" – BS Hương cho hay.

Dương tính giả có thể do lỗi phòng xét nghiệm?

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Bộ Y tế) cho rằng việc xét nghiệm cho kết quả dương tính sau đó xét nghiệm lại là âm tính hoàn toàn có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân như: kết quả xét nghiệm sẽ có sai số và không bao giờ đạt 100% chính xác; khi nhân viên y tế lấy mẫu lúc ngoáy họng không gặp phải virut đó; khi lấy mẫu, nhân viên y tế thực hiện sai quy trình hoặc có sự tiếp xúc giữa các mẫu bệnh phẩm đã lấy…

Cùng quan điểm GS.TS Phạm Như Hiệp, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết có hai khả năng dẫn đến kết quả xét nghiệm này dương tính. Khả năng thứ nhất là trong mẫu xét nghiệm của những người này có chứa ARN của virus corona chung. Theo ông Hiệp, chủng virus corona có 7 loại thường gây bệnh trên người. Trong đó chỉ có loại SARS-CoV-2 là gây bệnh suy hô hấp cấp, tức đại dịch COVID-19 hiện nay.

Theo quy trình của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), bệnh viện sẽ thực hiện xét nghiệm ARN của chủng virus corona. Sau khi kết quả cho dương tính, bệnh viện sẽ thực hiện xét nghiệm lần 2 để phân loại xem có phải loại virus này thuộc loại SARS-CoV-2 hay không. Kết quả xét nghiệm lần 2 cho dương tính khi mẫu xét nghiệm có gen RdRp trong mẫu.

Khả năng thứ hai cho kết quả dương tính giả khi trong mẫu xét nghiệm bị nhiễm ARN của virus corona. GS Hiệp nói sự cố này có thể do thao tác kỹ thuật của nhân viên trong phòng xét nghiệm, khi để mẫu bệnh phẩm bị nhiễm ARN của virus từ mẫu xét nghiệm bệnh nhân dương tính khác trước đó hoặc ARN từ mẫu bất hoạt (trong mẫu chứng dương của bộ kit dùng để xét nghiệm COVID-19) không có khả năng gây bệnh.

Đối với trường hợp hai mẫu bệnh phẩm từ Quảng Trị nói trên, ông Hiệp cho rằng nhiều khả năng xuất hiện dương tính giả là do lỗi ở phòng xét nghiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết các phương pháp xét nghiệm chỉ đảm bảo chính xác 95%. Theo ông Tuyên, vừa qua nhân việc tại Quảng Ninh ghi nhận 2 ca bệnh đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính và lại âm tính, Bộ Y tế đã họp với các viện đầu ngành.

Các phương pháp xét nghiệm cho đến nay không có phương pháp nào cho kết quả chính xác 100%, mà 95% tối đa nhất, 5% là không chính xác, có thể mẫu đó rơi vào khoảng này. Kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào thời điểm lấy bệnh phẩm, phương pháp và kỹ thuật lấy mẫu.

Thực tế chống dịch đến nay có trường hợp kết quả xét nghiệm là dương tính giả ngay ở viện đầu ngành, nhưng viện thấy chưa ổn đã xét nghiệm lại và cho kết quả âm tính. Xét nghiệm nhanh có 38 trường hợp dương tính sau âm tính. Vì thế quy định là 3-5 ngày xét nghiệm lại một lần, không phải dương tính là điều trị và cách ly luôn.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đáng chú ý là ở Hà Nội đã có ca mới nhiễm trong cộng đồng không có liên quan đến Đà Nẵng, không rõ nguồn lây. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này người dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng tránh dịch bệnh. Ngay cả những trường hợp được chỉ định xét nghiệm PCR dù kết quả âm tính vẫn cần cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm.

Để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, người dân cần tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cộng đồng như: đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, tránh đi đến nơi đông người, tránh đến vùng dịch…

Những người đi từ vùng dịch về, có tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm cách ly theo khuyến cáo. Nếu có bất cứ triệu chứng nào cần các cơ sở y tế để thăm khám, sàng lọc và làm các xét nghiệm cần thiết xem có nhiễm COVID-19 hay không.

Đinh Chiến

Bạn đang đọc bài viết "Bệnh nhân 87 tuổi ở Bệnh viện E âm tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm lại: Chuyên gia lý giải vì sao xét nghiệm lúc dương, lúc âm tính?" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin