Từ “sợi dây" Okonjo – Biden, đến kỳ vọng WTO có thực quyền trong vai trò “dẵn dắt” sân chơi thương mại toàn cầu.

(Pháp lý) - Ba tháng sau khi chính quyền Donald Trump từ chối ủng hộ, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo Iweala đã nhận được sự đồng thuận nhất là từ Tổng thống Mỹ Joe Biden “ủng hộ mạnh mẽ và mở đường”, để trở thành người phụ nữ đầu tiên cũng là Tổng giám đốc gốc Phi đầu tiên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Với các định hướng kinh tế và quan điểm của mình, dưới tác động của chính quyền Joe Biden, bà Ngozi Okonjo Iweala được kỳ vọng sẽ “thổi làn gió” cải cách mới, giúp WTO có được thực quyền hơn trong vai trò “dẵn dắt” sân chơi thương mại toàn cầu.

Trump “xô ngã”, Biden “nâng lên”

Giới lãnh đạo và chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đã có những nhìn nhận và phản ứng đầu tiên, với việc bà Ngozi Okonjo Iweala được lựa chọn vào chiếc ghế nóng vừa công bố chính thức vào ngày 16/2 mới đây. Các cụm từ “mỹ miều” dành cho người phụ nữ quyền lực nhất WTO đã phần nào nói lên tài năng, nghị lực và tầm quan trọng của bà Ngozi Okonjo Iweala trong cuộc đua diễn ra suốt 5 tháng (từ tháng 8/2020-2/2021).

Bà Ngozi Okonjo Iweala

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xuyên thủng trần nhà bằng kính đã khó chứ đừng nói đến trần nhà bằng thép. Đó là điều không bao giờ xảy ra ở Geneva, trụ sở chính của cơ quan thương mại đa phương lớn nhất thế giới - WTO. Đồng thời khẳng định “với bà Okonjo Iweala, đây không phải lần đầu tiên bà làm nên lịch sử và không có gì là không thể”.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala, sinh năm 1954, là một nhà kinh tế nổi tiếng người Nigeria. Từng tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ) vào năm 1976 và giành học vị Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts. Khoảng gần 20 năm trước, Tiến sĩ Ngozi Okonjo Iweala thách thức chế độ nam quyền của Nigeria bằng cách trở thành Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Ngoại giao và quan trọng nhất là người phụ nữ đầu tiên từng giữ các chức vụ đó.

Không chỉ trong nước, tên tuổi nhà kinh tế người Nigeria này cũng được chú ý ở Washington D.C (Mỹ) khi có quãng thời gian 25 năm làm cho Ngân hàng Thế giới (WB). Trên cương vị Giám đốc điều hành, người có quyền lực thứ 2 tại WB, bà Okonjo-Iweala có nhiều đóng góp cho hàng loạt dự án phát triển ở châu Phi, châu Âu và Trung Á. Năm 2012, bà tranh cử chức Chủ tịch WB với sự ủng hộ của châu Phi và các nước đang phát triển. Dù không thành công, nhưng danh tiếng bà Okonjo-Iweala một lần nữa được củng cố .

Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản đối việc bổ nhiệm bà Okonjo-Iweala, vì cho rằng bà thiếu kinh nghiệm về thương mại, đàm phán. Tuy nhiên, tân Tổng giám đốc WTO bác bỏ và khẳng định rằng đã làm việc về chính sách thương mại trong suốt sự nghiệp.

Trái lại với Trump, ngay sau khi nhậm chức và bắt đầu tiến hành các vận động quốc tế, chính quyền của ông Joe Biden Mỹ cùng Nhật Bản và các nước khác ủng hộ đã bày tỏ ủng hộ bà Ngozi Okonjo Iweala . Trong một thông cáo báo chí trước ngày bỏ phiếu chọn bà Ngozi Okonjo, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ không che dấu chính kiến: “Chính quyền Tổng thống Joe Biden bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc ứng cử" của bà Ngozi Okonjo-Iweala và "tôn trọng" quyết định rút khỏi cuộc đua của Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee”.

Đồng thời khẳng định: Chính quyền Mỹ cũng "mong muốn được làm việc với một Tổng Giám đốc mới của WTO, để tìm ra những hướng đi trong tương lai nhằm đạt được những cải cách cần thiết về thủ tục và nhiệm vụ của WTO".

Kỳ vọng khôi phục thực quyền cho WTO

Nhiệm kỳ Tổng Giám đốc WTO của bà Ngozi Okonjo Iweala, sẽ bắt đầu từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/8/2025. Trong thời gian đó, bà Ngozi Okonjo Iwela được đánh giá là “có quá nhiều việc phải làm” để khẳng định của một vị trí đứng đầu tổ chức định hình lối chơi cho nền thương mại toàn cầu.

Bà Ngozi Okonjo Iweala cũng nhận thức điều đó ngay trong ngày công bố kết quả khi cho rằng: “Tôi mong muốn được làm việc với các thành viên để định hình và thực hiện các phản ứng chính sách mà chúng ta cần để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại”.

Để định hình lại vai trò và lối chơi mà WTO dẫn dắt, một trong những nhiệm vụ đầu tiên cũng là yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự của bà Ngozi Okonjo Iwela là giải quyết những “lộn xộn” mà chính quyền Trump cố tình can thiệp ở cơ quan phúc thẩm của WTO. Cơ quan phúc thẩm của WTO đã không thể ra phán quyết về các tranh chấp thương mại trong một thời gian dài, và bà Okonjo-Iweala cho biết thời điểm đã chín muồi để thay đổi.

Theo nhiều chuyên gia: “Hệ thống giải quyết tranh chấp cần được quan tâm và cải cách để tất cả các thành viên lớn nhỏ đều tin tưởng vào hệ thống, có thể sử dụng nó. Nhưng bà Okonjo đang nhìn xa hơn khi xem xét cách khôi phục niềm tin vào WTO. Điều này sẽ tạo nên các thực quyền cho chính tổ chức này”.

Theo phân tích của các chuyên gia, nhiều quốc gia tuân theo quy định của WTO ngày nay đã nằm dưới chế độ thuộc địa khi hệ thống tài chính quốc tế hiện tại được thiết lập sau Thế chiến II. Bản thân chủ nghĩa đa phương đã bị thoái trào trong một thời gian và gia tăng trong 4 năm qua. Điều này có nghĩa bà Okonjo phải tìm cách đảm bảo các nước đang phát triển nhỏ được hưởng lợi nhiều nhất từ thương mại toàn cầu, như các nước giàu hơn và cần một sân chơi bình đẳng.

Đặc biệt, quyền lực của WTO có khôi phục được hay không thể hiện ở vai trò “cầm trịch” đối với các thành viên theo những thỏa thuận đa phương. Hiện tại, bà Okonjo cũng không che dấu mục đích khi ngay chuẩn bị nhậm chức sẽ tiến hành “hồi sinh” hội nghị Bộ trưởng WTO.

Theo định chế của WTO, cơ quan ra quyết định hàng đầu của WTO họp hai năm một lần. Nhiều quốc gia sử dụng cơ chế này như một thời hạn cuối cùng để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại tiến lên. Sau hội nghị tháng 12/2017 ở Buenos Aires, cuộc họp tiếp theo lẽ ra phải diễn ra ở Nur-Sultan (Kazakhstan) vào tháng 6/2020 đã được lùi lại 6 tháng. Nhưng đại dịch Covid-19 đã buộc hội nghị này hoãn lại.

Bà Okonjo muốn cuộc họp được tổ chức trước cuối năm nay, nhưng 164 quốc gia thành viên của WTO sẽ phải đạt được sự đồng thuận về thời gian và địa điểm, rất có thể là trong cuộc họp đại hội đồng WTO vào ngày 1-2/3.

Để vực dậy WTO, việc sửa chữa hệ thống giải quyết tranh chấp là khẩn thiết hiện nay đối với tân Tổng giám đốc của tổ chức thương mại toàn cầu.

Thách thức và những việc cần giải quyết

Một thách thức đối với bà Okonjo là việc nối lại các cuộc đàm phán, tranh chấp xuyên thế kỷ. Trong nhiều năm, WTO hầu như không đạt được tiến bộ nào đối với các hiệp định thương mại quốc tế lớn. Điều này diễn ra khi có những bất đồng của các thành viên như Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ. Tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang tăng cao. Ngay trước khi có Tổng Giám đốc mới, Washington và Brussels đang thúc giục WTO xem xét lại vị thế của Trung Quốc trong tổ chức này, cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng định danh “nền kinh tế đang phát triển” để tạo ưu thế tăng trưởng.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán về trợ cấp bông và đánh bắt cá giữa nhiều quốc gia đang bị đình trệ, trong khi các cuộc đàm phán khác như thương mại điện tử được khởi động vào tháng 1/2019 cũng đang vật lộn để đạt được kết quả. “Tất cả đều có nguy cơ khiến WTO giống như một tổ chức bị mắc kẹt trong các vấn đề của năm cũ” – Tờ AP nhân định.

Ngay sau khi được bầu, bà Okonjo đã nêu ra những vấn đề về môi trường và coi cuộc đàm phán về trợ cấp thủy sản là một trong những ưu tiên trước mắt để chứng tỏ WTO vẫn có thể tạo ra thành tựu. Đồng thời, theo nhận định của các chuyên gia, ngay lập tức “người phụ nữ có vai trò lịch sử” sẽ phải “sửa chữa hệ thống giải quyết tranh chấp” lấy WTO làm vai trò trung gian.

Bà Okonjo - Iweala hy vọng giải quyết được vấn đề này trước hội nghị cấp bộ trưởng tiếp theo dựa trên sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trước đó những chỉ trích của Mỹ đối với tòa phúc thẩm có trước thời cựu Tổng thống Donald Trump và chính quyền Trump đã cáo buộc cơ quan này vượt quá quyền hạn của mình khi đưa ra các phán quyết mà họ cho là vi phạm chủ quyền quốc gia. Để vực dậy WTO, việc sửa chữa hệ thống giải quyết tranh chấp là khẩn thiết hiện nay đối với tân Tổng giám đốc của tổ chức thương mại toàn cầu.

Dẫn dắt WTO đối phó đại dịch Covid- 19

Ngoài những nhiệm vụ trên, tân Tổng Giám đốc WTO cũng cần phải xử lý một vấn đề cấp bách khác: tìm ra cách đối phó với đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng do nó gây ra. Bà Okonjo-Iweala đang bày tỏ ý muốn giải quyết vấn đề trên một cách nhanh chóng và hy vọng WTO sẽ đóng một vai trò nào đó trong việc chống lại đại dịch COVID-19, đặc biệt là bằng hỗ trợ Cơ chế Covax – một chương trình toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn. Một số nhà quan sát đang kỳ vọng rằng với nền tảng hoạt động của mình, bà sẽ có đủ khả năng và kinh nghiệm “chèo lái” WTO vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất lịch sử nhân loại.

Trần Nguyễn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin