Từ lỗ hổng thuế: Có nhóm lợi ích hiện hữu trong giá xăng dầu?

Sự việc tính sai mức thuế nhập khẩu trong việc xác định giá cơ sở làm cho giá bán lẻ xăng dầu tăng lên đã làm thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Số tiền thiệt hại đã quá rõ ràng, được các phương tiện thông tin đại chúng chỉ rõ.

63
Để xác định lỗi tại cơ quan nào, cần dựa vào các văn bản pháp lý đã được ban hành. Căn cứ vào Nghị định 83 về Kinh doanh xăng dầu, tại Điều 39, điểm 1 đã chỉ rõ Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá . Từ đây cho thấy, Bộ Công Thương có trách nhiệm chính trong việc điều hành giá bán xăng dầu. Như vậy, xác định giá cơ sở không đúng, lỗi chính là Bộ Công thương. Nhưng Bộ Công Thương lại viện dẫn tại điều 36 về Thuế nhập khẩu xăng dầu, do Bộ Tài Chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất nhập khẩu. Do việc áp mức thuế sai, dẫn đến việc xác định giá cơ sở không đúng, nên lỗi do Bộ Tài chính.

Lý do này đưa ra có lý, nhưng chưa đầy đủ và thỏa đáng. Bởi lẽ, điều 40 quy định về trách nhiệm của Bộ Công Thương, tại khoản đ đã chỉ rõ “ Bộ Công thương Chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu… Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Chúng ta biết rằng, Bộ Công Thương là cơ quan có chức năng chính trong việc Đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do, do vậy Bộ này rất nắm vững các mức thuế được áp dụng theo những lộ trình đã được quy định cụ thể trong các văn bản ký kết. Tại sao lại không nắm vững cụ thể về mức thuế xăng dầu đối với từng đối tác, trong từng thời gian cụ thể, lại để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy trong thời gian khá dài? Tại sao Bộ Công Thương lại không thấy rõ điều này ?

Nhằm tăng thêm lý lẽ đổ lỗi cho Bộ Tài chính, Bộ Công Thương lại còn viện dẫn điều 40 của Nghị định 83 là Bộ Tài chính có chức năng quản lý Nhà nước về giá, chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở. Lý lẽ này chưa thuyết phục, bởi riêng về điều hành giá xăng dầu NĐ83 đã nêu rõ, Bộ Công Thương chủ trì điều hành, còn Bộ Tài chính chỉ chủ trì hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở. Còn việc quyết định giá cơ sở là do Bộ Công Thương chủ trì, có vai trò quyết định

Về Bộ Tài Chính đưa ra mức thuế cao hơn, không phù hợp với mức thuế đã được ký kết trong các Hiệp định Thương mại tự do để xác định giá cơ sở cao lên, là hoàn toàn có lỗi. Với cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về thuế, mà lại không nắm vững lộ trình áp dụng, thực thi các mức thuế trong từng thời kỳ là chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Bộ Tài Chính còn lý giải, trong điều hành có độ trễ cũng chỉ ngụy biện. Bởi. trong các Hiệp định Thương mại tự do đã chỉ rõ cụ thể lộ trình về thời gian áp dụng các mực thuế xuất. Hoặc khi có lỗ hổng để xẩy ra sự việc rất cụ thể như vậy, nhưng Bộ Tài Chính, không khẩn trương tìm các biện pháp khắc phục hậu quả, mang còn nói hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định hoặc đang “nghiên cứu”. Với tư duy và cách làm như vậy, càng gây nên sự bức xúc, phản cảm của công luận.

Từ căn cứ pháp lý, cho thấy 2 Bộ Công Thương và Bô Tài chính đều có lỗi. Trách nhiêm và lỗi của mỗi Bộ đã được nêu rõ. Để xẩy ra sự việc như vây, cũng như cách hành xử của hai Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau, đó là điều không thể chấp nhận được, đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Việc làm của cả 2 cơ quan này chưa thực sự cầu thị, chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để thấy những sai lầm của mình để có những biện pháp khắc phục và những bài học kinh nghiệm rút ra nhằm thực hiện tốt vai trò chức năng của mình được Nhà nước giao phó.

Nguyên nhân của sự việc này cần phải được làm rõ, bởi lỗ hổng này đã để kéo dài quá lâu, mới được phát hiện. Có 2 nguyên nhân, mà công luận đòi hỏi cần làm rõ có thể dẫn tới sự sai lầm này. Một là, do sự tắc trách , thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, quan liêu của cán bộ thực thi của 2 bộ này. Hai là, có nhóm lợi ích hiện hữu trong việc này hay không? Theo quan điểm cá nhân, nguyên nhân thứ nhất là chủ yếu, còn nguyên nhân thứ hai chỉ có cơ quan điều tra vào cuộc mới làm rõ được.

Cũng qua sự việc cho thấy, trong quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính, mỗi một chức năng về quan lý Nhà nước chỉ nên giao cho một Bộ Chủ quản chịu trách nhiệm chính. Tránh giao cho nhiều Bộ, ngành chủ trì, vì khi xẩy ra thường đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau. Bộ Tài chính có chức năng quản lý Nhà nước về giá. Nhưng điều hành giá xăng dầu lại giao cho Bộ Công Thương. Ngay trong việc điều hành giá xăng dầu có nội dung giao cho Bộ Công thương chủ trì, có nội dung lại giao cho Bộ Tài Chính chủ trì.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin