Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong xung quanh vấn đề thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam
Trong tháng 5 này, Hội nghị TƯ 5 sẽ ra nghị quyết về kinh tế tư nhân là thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Chỉ khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh, kinh tế Việt Nam mới có được bước phát triển đột phá. Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân cả về số lượng và chất lượng chính là thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
Trên thế giới, cho đến nay chưa có một quốc gia nào phát triển thành công mà không dựa vào kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam kinh tế tư nhân mới đóng góp khoảng 40% GDP. Vậy tại sao thưa ông, kinh tế tư nhân của chúng ta lại chưa thực sự phát triển mạnh mẽ?
- Nền kinh tế Việt Nam hiện chia thành 3 khu vực: khu vực nhà nước, khu vực tư nhân và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực FDI). Ở các nước trên thế giới, khu vực kinh tế tư nhân luôn đóng góp từ 80% tới 90%, thậm chí 95% GDP của toàn nền kinh tế.
Song ở nước ta khu vực kinh tế tư nhân chưa thể đạt mức đóng góp như vậy bởi trong một thời gian dài khu vực này bị kiểm soát rất chặt chẽ và mới chỉ phát triển nhanh trong thời gian gần đây. Đặc biệt từ khi có Luật Doanh nghiệp và công cuộc Đổi mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân cần phải nhanh hơn nữa, sớm đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Thực tế là có một thời gian dài chúng ta đề cao vai trò của khu vực kinh tế Nhà nước, sau đó tới khu vực FDI. Vậy nên, mức độ quan tâm, ưu đãi đối với khu vực kinh tế tư nhân thấp hơn hai khu vực trên, đặc biệt là với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực kinh tế tư nhân. Hiện vẫn có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới. Họ gặp muôn kiểu khó khăn, từ tín dụng, đất đai tới các điều kiện hỗ trợ khác. Nếu Nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp này khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho họ vươn lên thì mới có thể tạo ra bước phát triển mang tính đột phát cho khu vực kinh tế tư nhân.
Về chính sách, chúng ta đã xây dựng nhiều bộ Luật như Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhưng Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh đó, do tâm lý muốn phát triển nhanh, tạo nguồn lực lớn ngay lập tức để thay đổi bộ mặt của nền kinh tế nên đã chậm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, trước đây nhiều người vẫn sợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển quá sẽ không có lợi cho con đường Chủ nghĩa xã hội. Gần đây, tư duy của những người làm công tác quản lý đã cởi mở hơn nên khu vực kinh tế tư nhân có sự phát triển tốt hơn.
Theo ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương nên coi kinh tế tư nhân là một thành tố của nền kinh tế thị trường, theo ông cơ chế, chính sách sẽ phải thay đổi như thế nào để tạo điều kiện phát triển cho kinh tế tư nhân?
- Chúng ta cần thay đổi nền tảng về mặt pháp lý, Hiệp hội, tổ chức, bộ phận có liên quan tới khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, là những thay đổi về con người và các vấn đề khác có liên quan tới khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ khi sự thay đổi được thực hiện đồng bộ, thực hiện tốt, kinh tế tư nhân mới thực sự phát triển. Song ngược lại, các thành phần thuộc khu vực kinh tế tư nhân phải tự lớn lên bởi rõ ràng Nhà nước không thể nuôi khu vực tư nhân được.
Đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân,tôi cho rằng điều đầu tiên là cần mạnh dạn khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là khu vực chủ đạo, chiếm vai trò lớn nhất và quan trọng nhất, là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Khu vực kinh tế Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo ở một số lĩnh vực Nhà nước bắt buộc phải độc quyền như quốc phòng, an ninh… hay một số lĩnh vực khu vực tư nhân chưa muốn làm.
Song cơ chế cũng cần phải mềm dẻo, linh hoạt. Không thể mãi duy trì vai trò độc quyền của Nhà nước mà gạt bỏ các doanh nghiệp tư nhân, cần cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực.
Thứ hai, nên tự do hóa nhiều hơn các lĩnh vực cho đối với các doanh nghiệp tư nhân, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba, phải thay thế những quan chức, bộ phận cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân. Đây là điều rất quan trọng bởi nhiều vị quan chức, nhất là những quan chức nhỏ ở địa phương thường có tư tưởng “làm tiền” doanh nghiệp khiến họ e sợ.
Ngoài ra, các Hiệp hội, doanh nghiệp phải thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp tư nhân cần liên kết với nhau nhiều hơn và tuân thủ đúng “luật chơi”. Thêm vào đó, họ cũng cần mạnh dạn đầu tư lâu dài, không nên suy nghĩ chỉ đầu tư ngắn hạn, tách biệt làm ăn. Đơn giản nhất là một người chăn nuôi lợn làm sao có thể xuất khẩu đàn lợn của mình ra nước ngoài nếu không tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất – cung ứng hay các Hiệp hội.
Theo ông, việc đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước trong một số ngành nghề kinh doanh như vận tải đường sắt, bưu điện… sẽ giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển thuận lợi hơn?
-Hiện tại, ngành đường sắt đang tiến hành cổ phần hóa , khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia theo hướng xã hội hóa. Về cơ bản, Nhà nước vẫn phải đầu tư vào hạ tầng chính, sau đó kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng các nhà ga trung tâm, đầu máy toa xe, tham gia vận hành khai thác các tuyến đường sắt. Đây cũng là thông lệ quốc tế và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công theo mô hình này.
Song phải nói rằng ngành đường sắt là một ngành đặc biệt. Muốn phát triển thành hệ thống đường sắt tốn rất nhiều diện tích. Ngoài ra là các khoản chi phí quản lý, an ninh ngành, điều này là quá sức nếu chỉ có một hay một vài doanh nghiệp tư nhân tham gia. Vậy nên, Nhà nước phải tiến hành cổ phần hóa một cách từ từ, cho tư nhân tham gia theo hình thức Nhà nước và tư nhân cùng làm.
Chúng ta đang tiến hành cổ phần hóa một cách từ từ, nâng dần mức độ tư nhân hóa theo khả năng doanh nghiệp cho phép. Trước mắt sẽ cổ phần hóa công đoạn kinh doanh tàu, còn nhà nước vẫn nắm phần hạ tầng và điều lộ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khu vực kinh tế tư nhân hiện ước chiếm khoảng 40% GDP toàn nền kinh tế, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, hiện vẫn có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới. Tỷ lệ thua lỗ, phá sản bình quân của các doanh nghiệp tư nhân trong vòng 5 năm qua ước tới 45%.
Theo Danviet