Truy nã quốc tế và dẫn độ tội phạm nhìn từ vụ Trịnh Xuân Thanh

22/03/2017 11:06

(Pháp Lý) . “Quyết định khởi tố Trịnh Xuân Thanh về tội Tham ô tài sản đã phá bỏ được rào cản của nguyên tắc “tội phạm kép” trong dẫn độ tội phạm, thúc đẩy lực lượng cảnh sát hình sự Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) trong việc truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh…” Đó là điều mà dư luận hết sức quan tâm sau sự kiện TAND cấp cao tại Hà Nội khởi tố vụ án Tham ô tài sản đối với Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm vào ngày 15/3 vừa qua.

Lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh đã được phát đi trên một số nước
Lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh đã được phát đi trên một số nước)

Vậy vấn đề truy nã quốc tế cũng như dẫn độ tội phạm được thực hiện như thế nào đối với các vụ án có bị can bỏ trốn ra nước ngoài nói chung và đối với vụ án Trịnh Xuân Thanh nói riêng? Trong bài viết dưới đây, Pháp lý sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ và sâu hơn về vấn đề này.

Vai trò của Interpol trong việc truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh

Vào tháng 9/2016, sau khi ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, CQCSĐT Bộ Công an đã tiếp tục phát lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh sau khi xác định đối tượng này đã bỏ trốn. Các căn cứ ra quyết định truy nã được quy định cụ thể tại các Điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS ) 2003. (Thời điểm vụ án này bị phát hiện thì BLTTHS 2015 chưa có hiệu lực thi hành).

Do Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nên CQCSĐT Bộ Công an cần đến sự hỗ trợ của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).

Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Interpol từ ngày 4/11/1991. Sau đó, đến ngày 28/5/1993, Văn phòng Interpol Việt Nam được thành lập và trực thuộc Tổng cục Cảnh sat. Tuy nhiên hiện nay, Văn phòng Interpol Việt Nam đã được sáp nhập về Cục Đối ngoại trực thuộc Bộ Công an.

Để có được sự vào cuộc và giúp đỡ của Interpol trong việc phát lệnh truy nã quốc tế, CQCSĐT Bộ Công an cần gửi Lệnh truy nã đối tượng phạm tội đến Văn phòng Interpol Việt Nam. Với vai trò là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát Việt Nam với Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế, Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Interpol quốc tế ra thông báo truy nã quốc tế đối với bị can (Trịnh Xuân Thanh).

Do Trịnh Xuân Thanh mới bị TAND cấp cao tại Hà Nội khởi tố thêm về tội Tham ô tài sản, do đó CQCSĐT cần bổ sung thông tin này vào Lệnh truy nã và thông báo tới Văn phòng Interpol Việt Nam bởi vì điều này là cực kỳ quan trọng cho việc thực hiện thủ tục dẫn độ tiếp theo (nếu đối tượng truy nã bị bắt tại nước ngoài).

Theo tìm hiểu của PV, thông qua hoạt động của Interpol tại các quốc gia thành viên, mỗi năm có rất nhiều đối tượng tội phạm bị bắt giữ bởi các lệnh truy nã của Interpol quốc tế. Ví dụ như chỉ tính riêng năm 2001 con số này lên tới 1.400 người. Đây là một tín hiệu đáng mừng để chúng ta có thể hi vọng rằng với sự giúp đỡ của tổ chức Interpol quốc tế, Trịnh Xuân Thanh sẽ sớm bị bắt và dẫn độ về nước để xử lý theo đúng pháp luật hình sự của Việt Nam.

Dẫn độ tội phạm: Con đường đưa đối tượng bị truy nã quốc tế về Việt Nam để xử lý

Cơ sở pháp lý để Việt Nam thực hiện việc dẫn độ tội phạm với nước ngoài được quy định tại BLTTHS, Luật Tương trợ Tư pháp (TTTP) năm 2007 cũng như các Hiệp định TTTP về Hình sự giữa Việt Nam và các nước.

Theo đó, trong trường hợp cảnh sát nước bạn bắt giữ được đối tượng truy nã, một Công hàm đề nghị dẫn độ và hồ sơ pháp lý liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng tại Việt Nam sẽ được Việt Nam gửi tới cơ quan có thẩm quyền của nước bạn. Khi đó, có ba trường hợp xảy ra: Có Điều ước quốc tế (ĐƯQT) song phương về dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với nước được yêu cầu dẫn độ; Không có ĐƯQT song phương giữa Việt Nam với nước được yêu cầu dẫn độ nhưng cả hai nước đều tham gia vào một số ĐƯQT đa phương về dẫn độ tội phạm . Và trường hợp thứ ba là không có ĐƯQT song phương lẫn ĐƯQT đa phương giữa Việt Nam với nước được yêu cầu dẫn độ.

Hai trường hợp đầu tiên đều có điểm chung là: việc dẫn độ có được thực hiện hay không phụ thuộc vào quy định cụ thể trong các ĐƯQT song phương hoặc đa phương. Việt Nam đã tham gia một số ĐƯQT đa phương về dẫn độ tội phạm trong đó có Công ước chống tham nhũng (Việt Nam đã ký kết Công ước này). Đối với các ĐƯQT song phương về dẫn độ tội phạm, hiện nay Việt Nam đã ký kết gần 30 hiệp định TTTP với các quốc gia trên thế giới trong đó có nhiều nội dung về dẫn độ tội phạm.

Các ĐƯQT trên là cơ sở pháp lí quan trọng và chủ yếu cho hoạt động dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và các quốc gia kí kết hiệp định có liên quan. Mỗi hiệp định có thể có sự thỏa thuận khác nhau về các điều kiện và thủ tục dẫn độ nhưng nhìn chung vấn đề dẫn độ tội phạm tại các hiệp định TTTP này được giải quyết theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, về nghĩa vụ dẫn độ tội phạm: Các hiệp định đều quy định các quốc gia ký kết có nghĩa vụ dẫn độ cho nhau những người đang ở trên lãnh thổ quốc gia mình để quốc gia ký kết truy cứu TNHS hoặc để thi hành hình phạt. Tuy nhiên việc dẫn độ tội phạm chỉ được thực hiện khi một tội phạm đều được quy định trong hình luật của cả hai quốc gia, với hình phạt tù tối thiểu từ một năm trở lên (một số hiệp định lại quy định 6 tháng). Không đáp ứng được yêu cầu này, các quốc gia có quyền từ chối.

Nói về Quyết định khởi tố Trịnh Xuân Thanh về tội Tham ô tài sản (Thuộc nhóm tội Tham nhũng) , một chuyên gia pháp luật nhận định rằng: Quyết định này của TAND cấp cao đã gỡ bỏ được rào cản của nguyên tắc "tội phạm kép" trong dẫn độ. Lý do là vì: Trước đây Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố về tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” . Hiện nay ngoài Việt Nam và Trung Quốc, không có nước nào qui định tội danh này. Còn tội phạm Tham nhũng nói chung đã có Công ước quốc tế, đồng thời hiếm có quốc gia nào không quy định loại tội phạm này trong nội luật nước mình.

Thứ hai, về vấn đề từ chối dẫn độ người phạm tội

Có sự khác nhau nhất định trong từng hiệp định TTTP về các trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm nhưng có thể khái quát các trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm này bao gồm:

Không dẫn độ công dân nước mình: Hai quốc gia kí kết có quyền từ chối dẫn độ đối với công dân của quốc gia mình, cho dù người đó phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia bên kia. Đây là vấn đề hoàn toàn phù hợp với pháp luật của mỗi quốc gia cũng như pháp luật quốc tế.

Không dẫn độ tội phạm đã hết thời hạn truy cứu TNHS hoặc hết thời hạn thi hành bản án: Trong trường hợp quốc gia được yêu cầu dẫn độ xét thấy trong pháp luật của quốc gia mình hành vi phạm tội làm căn cứ dẫn độ tội phạm đã hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc hết thời hạn thi hành bản án thì có thể từ chối dẫn độ tội phạm.

Không dẫn độ người phạm tội về chính trị: Nguyên tắc đặc thù này chỉ tồn tại trong số ít hiệp định TTTP giữa Việt Nam và một số nước như Hàn Quốc, Ba Lan. Nhưng điều này không đáng lo ngại trong vụ Trịnh Xuân Thanh bởi các tội mà Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố, truy tố không thuộc về nhóm tội phạm chính trị.

Ngoài ra, các hiệp định TTTP về dẫn độ giữa Việt Nam với một số nước còn quy định nhiều nội dung liên quan. Nhưng nhìn chung, nếu không rơi vào các trường hợp bị từ chối dẫn độ đã nêu trên đây, thì các đối tượng phạm tội tại Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài và bị bắt tại nước ngoài, hoàn toàn có thể bị dẫn độ về Việt Nam để xử lý.

Đó là các trường hợp giải quyết yêu cầu dẫn độ tội phạm theo ĐƯQT đã ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia liên quan.

Vậy trường hợp giữa Việt Nam và nước được yêu cầu dẫn độ không có ĐƯQT song phương lẫn đa phương, việc dẫn độ sẽ được xử lý như thế nào? Câu trả lời là phụ thuộc vào nội luật của quốc gia và các nguyên tắc được hình thành trong thực tiễn pháp luật hình sự quốc tế, mà trên cơ sở đó các quốc gia có thể yêu cầu, thực hiện yêu cầu dẫn độ. Khi đó, sự thỏa thuận giữa hai Chính phủ, nguyên tắc có đi có lại được áp dụng nhưng không được trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế. Như vậy, trong trường hợp này, thỏa thuận dẫn độ tội phạm có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ Việt Nam và sự thiện chí, hợp tác của nước bạn được yêu cầu dẫn độ.

Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Interpol từ ngày 4/11/1991. Sau đó, đến ngày 28/5/1993, Văn phòng Interpol Việt Nam được thành lập và trực thuộc Tổng cục Cảnh sat. Tuy nhiên hiện nay, Văn phòng Interpol Việt Nam đã được sáp nhập về Cục Đối ngoại trực thuộc Bộ Công an.
Theo tìm hiểu của PV, thông qua hoạt động của Interpol tại các quốc gia thành viên, mỗi năm có rất nhiều đối tượng tội phạm bị bắt giữ bởi các lệnh truy nã của Interpol quốc tế. Ví dụ như chỉ tính riêng năm 2001 con số này lên tới 1.400 người. Đây là một tín hiệu đáng mừng để chúng ta có thể hi vọng rằng với sự giúp đỡ của tổ chức Interpol quốc tế, Trịnh Xuân Thanh sẽ sớm bị bắt và dẫn độ về nước để xử lý theo đúng pháp luật hình sự của Việt Nam.

Tuệ Lâm

Bạn đang đọc bài viết "Truy nã quốc tế và dẫn độ tội phạm nhìn từ vụ Trịnh Xuân Thanh" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin