Trương Vui và “đại án” lừa đảo hàng trăm tỷ đồng

Dù đã đưa lô “đất vàng” ra thỏa thuận với một doanh nghiệp khác để làm ăn, nhưng vị “đại gia” Trương Vui vẫn giấu nhẹm rồi tiếp tục dùng nhiều chiêu trò để “câu mồi” trên chính lô đất ấy. Sau thời gian “giăng lưới”, nhiều “cá lớn” đã bị vị đại gia này cho ăn “mồi độc”.

Trương Vui và “đại án” lừa đảo hàng trăm tỷ đồng các bị cáo tại phiên tòa.
Trương Vui và “đại án” lừa đảo hàng trăm tỷ đồng các bị cáo tại phiên tòa.)

Mang lô “đất vàng” lừa đảo khắp nơi

Ngày 19/7, TAND TP.HCM đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do bị cáo Trương Vui, sinh năm 1959, quê Quảng Nam cùng một số bị cáo khác thực hiện.

Theo hồ sơ vụ án, Trương Vui là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty sản xuất – xuất nhập khâu lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp Upexim (gọi tắt là công ty Upexim) có trụ sở tại số 4- 6 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP.HCM.

Năm 2010, UBND TP.HCM có chủ trương bán căn nhà số 4- 6 Hồ Tùng Mậu với diện tích 622m2 cho công ty Upexim. Tuy nhiên do Công ty đang khó khăn nên Trương Vui cùng với HĐQT nhất trí chủ trương để Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Tradeco tham gia góp vốn hợp tác kinh doanh đầu tư xây dựng dự án Upex tower ở khu “đất vàng” nêu trên.

Tháng 7/2010, Trương Vui đại diện cho Upexim ký hợp đồng hợp tác kinh doanh cùng công ty Tradeco với nội dung: “Công ty Upexim và công ty Tradeco cùng nhau góp vốn để đầu tư mua nhà đất, xây dựng và khai thác ngôi nhà số 4- 6 Hồ Tùng Mậu. Giai đoạn đầu mua khu đất với giá 120 tỷ đồng, mỗi bên góp 60 tỷ đồng. Upexim không được mua bán, sang nhượng, cầm cố, thế chấp khu đất nêu trên kể từ khi hai bên ký kết hợp đồng này nếu chưa được sự đồng ý bằng văn bản cả Tradeco…”.

Tuân thủ hợp đồng trên, từ tháng 7/2010 đến tháng 5/2011 phía Tradeco đã chuyển 60 tỷ đồng cho phía Upexim.

Tưởng rằng câu chuyện tới đây đã êm xuôi với lô “đất vàng”, nhưng vì lòng tham vô đáy mà Trương Vui lại không chịu dừng lại, thay vào đó ông ta bắt đầu dùng chính vị trí “vàng” này để “câu” những con “cá lớn” đang có ý định nhòm ngó tới khu “đất vàng” này.

Sự thể, cuối năm 2010, do biết được chủ trương của UBND TP.HCM sẽ bán chỉ định căn nhà số 4- 6 Hồ Tùng Mậu cho Upexim nên ông Phùng Xuân Minh- Chủ tịch HĐQT công ty Kim Cương Xanh đã gặp và thỏa thuận với Trương Vui để mua lại căn nhà này với giá lên tới 330 tỷ đồng. Bị đồng tiền làm mờ mắt nên Trương Vui gật đồng ngay lập tức, mà không hề thông báo cho phía Kim Cương Xanh biết rằng đất này đã được phía Tradeco góp vốn cùng mua, Trương Vui cũng không hề xin ý kiến của phía Tradeco.

Giữa tháng 3/2011, Trương Vui đã ký “hợp đồng hứa chuyển nhượng” khu đất trên cho phía Kim Cương Xanh. Tuy nhiên giá ghi trên hợp đồng chỉ là 290 tỷ đồng, còn phía Kim Cương Xanh phải trả ngoài hợp đồng cho Trương Vui là 40 tỷ đồng. Ngay khi ký hợp đồng này, đại diện Kim Cương Xanh đã chi 5 tỷ đồng và hai bên thống nhất số tiền này là chi ngoài hợp đồng, đồng thời Trương Vui yêu cầu đại diện Kim Cương Xanh là Phùng Xuân Minh viết giấy nhận nợ Vui 35 tỷ đồng.

Thực hiện hợp đồng này, đến tháng 11/2012, phía Kim Cương Xanh đã chuyển cho Upexim 120 tỷ đồng. Theo kết quả điều tra, trong số 120 tỷ đồng mà phía Kim Cương Xanh chuyển thì Trương Vui trực tiếp nhận 59 tỷ tiền mặt, sau đó chuyển về cho Upexim hơn 11 tỷ, số còn lại gần 48 tỷ đồng Trương Vui đã tiêu xài riêng.

Việc mua bán căn nhà số 4- 6 Hồ Tùng Mậu cho công ty Kim Cương Xanh, Trương Vui khai rằng đã hỏi ý kiến của các thành viên HĐQT và được tất cả đồng ý, ký tên. Tuy nhiên quá trình điều tra cho thấy việc mua bán này do một mình Trương Vui tự quyết định.

Hành vi của Trương Vui vẫn không chịu dừng lại. Sau khi thanh toán được 120 tỷ đồng thì phía Kim Cương Xanh khó khăn, không có tiền để thanh toán tiếp nên hai bên bàn bạc và thỏa thuận thế chấp căn nhà nói trên để vay 110 tỷ đồng tại một ngân hàng A chi nhánh TP.HCM với mục đích Upexim sử dụng 60 tỷ, còn Kim Cương Xanh sử dụng 50 tỷ. Hai bên thỏa thuận sau 6 tháng phía Kim Cương Xanh phải trả toàn bộ số tiền gốc và lãi của khoản vay này.

Do tài sản này đã được ký hợp đồng chuyển nhương qua phòng công chứng nên muốn thế chấp hai bên phải hủy hợp đồng. Sau đó hai bên đã thỏa thuận hủy hợp đồng chuyển nhương đã ký trước đó nhằm được vay vốn. Do cả hai đều có một số vướng mắc nhất định nên ngân hàng A không trực tiếp cho hai công ty này vay, mà chuyển qua cho các công ty trung gian (sân sau) của hai công ty này vay.

Để được vay, Trương Vui đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống và không hề cho phía ngân hàng biết căn nhà số 4 -6 Hồ Tùng Mậu có 50% là của Tradeco. Do phía ngân hàng A không biết nên đã giải ngân với tổng số tiền 110 tỷ đồng. Sau đó Trương Vui chỉ đạo cấp dưới chuyển lại cho phía Kim Cương Xanh 41,5 tỷ đồng, còn lại là của Upexim. Khi bị điều tra, Kim Cương Xanh đã nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, Trương Vui còn được xác định lừa đảo một số công ty và ngân hàng khác lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bà giám đốc làm ăn không giống ai

Chưa hết, Trương Vui còn là đồng phạm với Tống Thị Bích Loan – nguyên giám đốc công ty Bihimex (một công ty con 100% vốn nhà nước) trong hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, trong quá trình làm ăn với nhau, đến năm 2008, Upexim còn nợ Bihimex hơn 4 tỷ đồng nhưng không có tiền trả nên Loan và Vui bàn nhau phía Bihimex sẽ cho Upexim vay tiền để trả nợ cho chính Bihimex bằng những cách Trương Vui hoặc những giám đốc của các công ty trung gian mà Vui có thể chi phối ký các hợp đồng mua bán hàng hóa khống với công ty Bihimex để công ty Bihimex làm căn cứ vay ngân hàng hay vay tiền của công ty mẹ rồi cho Upexim vay lại để Upexim có tiền trả cho Bihimex.

Từ 2009 đến năm 2013 hai công ty này đã thực hiện 173 hợp đồng mua bán khống và phía Bihimex cho phía Upexim vay hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, hưởng lãi hơn 37 tỷ đồng. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (8/2013), phía Upexim còn nợ Bihimex tổng số tiền 144 tỷ đồng, nhưng phía Trương vui và Upexim không còn khả năng trả nợ.

Trong vụ án này, ngoài hai bị cáo Vui và Loan, còn có thêm bị cáo Châu thị Khoa (nguyên kế toán trưởng kiêm phó giám đốc của Bihimex) được xác định đồng phạm với Tống Thị Bích Loan về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Thị Mỹ Dung- cán bộ phòng kinh doanh của Bihimex được xác định có hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ án sẽ diễn ra đến hết ngày 21/7/2017.

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Theo PLVN

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin