Trước thềm khai mạc Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng

Trước thềm hội nghị, các đại biểu đều ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua không có "vùng cấm"; đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 31/7/2017 tại Hà Nội
Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 31/7/2017 tại Hà Nội)

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng khai mạc hôm nay (25/6) tại Hà Nội.

Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, cũng như chỉ rõ những tồn tại, hạn chế về công tác phòng, chống tham nhũng sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ và cho cả nhiệm kỳ tới.

Trước thềm hội nghị, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương- Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định: những kết quả đạt được về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, có tính cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Công tác phòng chống tham nhũng góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả nhất định; làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng.

Những vụ án được đưa ra xét xử thời gian qua đã cho thấy rõ Đảng không hề khoan nhượng đối với hành vi tham nhũng, không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng.

PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh, tham nhũng phá hoại tất cả sự vững mạnh về kinh tế, chính trị, xã hội nên phải quyết liệt phòng, chống, nếu không đất nước khó phát triển bền vững được.

Đảng ta cũng rất quyết liệt về vấn đề này vì liên quan đến sự vững mạnh của Đảng, niềm tin của nhân dân. Mục đích đầu tiên, cũng như cuối cùng của Đảng ta là vì dân, do đó những hành động không vì dân, trong đó có hành vi tham nhũng phải bị loại bỏ.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng lần này cần phân tích những giải pháp cụ thể, làm rõ những vụ án lớn, dự án trọng điểm, công trình đắp chiếu tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, các vụ việc xâm phạm đất đai…

“Phải làm đến nơi, đến chốn nếu không sẽ không thể giải thích với nhân dân,” PGS.TS Lê Quốc Lý đề cập.

Nhấn mạnh “phòng hơn chống,” PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, phòng tham nhũng có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó cần xây dựng các thiết chế để các cơ quan kiểm tra, giám sát lẫn nhau và người dân cũng có thể giám sát.

Dẫn vụ án Trịnh Xuân Thanh, PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, cần đình chỉ công tác những người có dấu hiệu tham nhũng để những người này không kịp che giấu, tẩu tán tài sản và phải có đơn vị có đủ quyền lực để làm việc này.

Bên cạnh đó, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, cán bộ, công chức khi được bổ nhiệm lần đầu phải kê khai tài sản và công khai tại đơn vị của mình. Mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức đều phải minh bạch để người dân biết.

Đặc biệt, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, giao quyền gắn với trách nhiệm; phổ cập hệ thống thanh toán qua thẻ…

Bên cạnh những quy định và chế tài xử phạt nghiêm khắc để “không thể, không dám” tham nhũng, cũng cần có đãi ngộ xứng đáng đối với mỗi vị trí công tác để cán bộ “không muốn” tham nhũng nữa; có biện pháp tận thu hết nguồn lực của kẻ tham nhũng, không để xảy ra tình trạng “hy sinh đời bố củng cố đời con.”

Về những giải pháp nhằm góp phần hạn chế hành vi tham nhũng, PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, trong các quy định và pháp luật hiện nay còn nhiều kẽ hở, việc xử lý tham nhũng chưa làm đến nơi đến chốn, cần có cơ chế đồng bộ, cương quyết, cứng rắn, thẳng tay trừng trị kẻ có tội.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích những hành vi tố cáo tham nhũng để phát giác kẻ xấu, có hình thức khen thưởng đối với lực lượng công an, báo chí, hay những người tố cáo tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác toàn dân chống tham nhũng vì người chống tham nhũng có thể gặp rất nhiều rủi ro, bị đe dọa đến tính mạng, tài sản, cuộc sống...

Hoàn thiện hệ về pháp luật, kiện toàn đội ngũ cán bộ thực thi PCTN

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đánh giá cao kết quả và quyết tâm phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Có thể nói, chưa khi nào công cuộc phòng, chống tham nhũng lại được thực hiện trên nền của một triết lý rõ ràng, đồng thời trở thành một “cao trào” trong xã hội như thời gian qua.

Công cuộc này đã thu hút sự vào cuộc của người dân, báo chí, các cơ quan, tổ chức. Một loạt vụ việc lớn được phơi bày; nhiều “quan chức hạng nặng” tham nhũng bị “nốc ao;” nhiều tài sản tham nhũng bị phát hiện, thu hồi.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, càng ngày thể chế, những giải pháp, biện pháp phòng, chống tham nhũng càng được hoàn thiện… Nhân dân và cử tri cả nước đã có chỗ dựa, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp phòng, chống “quốc nạn” lớn này.

Ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở nghiên cứu, nhận thức, đánh giá đúng tính chất, mục tiêu, phương châm, giải pháp; tổng kết khách quan, toàn diện và sâu sắc những vấn đề lý luận, thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng để xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5.”

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan, như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; TAND và các cơ quan tư pháp; tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cơ quan dân cử địa phương; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên; sự vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân và lực lượng báo chí.

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức tham nhũng, thực hiện không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng; kiên quyết không để tình trạng xử lý kiểu nương nhẹ, bao che, bảo kê cho hành vi tham nhũng.

Đồng thời, cần công khai các kết quả xử lý tham nhũng, lấy đó làm gương cảnh tỉnh sự vi phạm để người dân biết; đấu tranh với hành vi, hiện tượng tham nhũng, trong đó nên nghiên cứu thiết lập hẳn một chuyên mục về phòng, chống tham nhũng trên một số tờ báo.

Theo Congly

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin