Ngày 21/2, TAND TP Cần Thơ tiếp tục ngày làm việc thứ 2, xét xử 11 bị cáo trong vụ ngân hàng Vietcombank (VCB) Tây Đô (Cần Thơ) thiệt hại hơn ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do luật sư cung cấp chứng cứ mới nên tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Nhóm bị cáo thuộc VCB Tây Đô gồm: Nguyễn Minh Chuyển (54 tuổi, nguyên Giám đốc VCB Tây Đô), Trần Anh Huy (47 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khách hàng VCB Tây đô), Nguyễn Hữu Nghĩa (48 tuổi, cán bộ VCB Tây Đô) cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ngoài ra, nhóm bị cáo là chủ các doanh nghiệp gồm: Nguyễn Hùng Cường (48 tuổi, em ruột ông Chuyển), Nguyễn Công Trừng (37 tuổi), Võ Vũ Bình (45 tuổi), Cao Hoàng Thám (35 tuổi), Trang Hồng Sơn (37 tuổi), Võ Hoàng Thám (32 tuổi), Trịnh Minh Tú (55 tuổi), Nguyễn Thanh Hùng (51 tuổi), cùng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2009, Nguyễn Hùng Cường thành lập Cty Nam Sông Hậu. Từ năm 2010 – 2014, Cường chỉ đạo anh, em trai và nhân viên Cty thành lập một số doanh nghiệp hoặc sử dụng một số doanh nghiệp đã có sẵn (tổng cộng 11 Cty), dùng thủ đoạn gian dối để vay vốn, rút vốn vay nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của VCB Tây Đô.
Để thực hiện ý đồ, Cường dùng CMND, sổ hộ khẩu của người khác để đứng tên thành lập các Cty trên phương diện pháp lý, nhưng Cường mới là người làm chủ, trực tiếp điều hành. Cường đã chỉ đạo các nhân viên cấp dưới lập khống các hồ sơ vay vốn như phương án sản xuất kinh doanh, điều lệ Cty... đưa vào hồ sơ đề nghị vay vốn. Trong khi thực tế, các Cty này không hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cường còn chỉ đạo lập khống các hợp đồng mua bán giữa các Cty “ma” của mình với một số cá nhân, Cường giả chữ ký của người đứng tên Cty trên các giấy nhận nợ, ủy nhiệm chi để hoàn thiện hồ sơ đưa vào VCB Tây Đô rút vốn vay.
Khi được ngân hàng giải ngân, tiền được chuyển vào tài khoản các cá nhân có tên trong hợp đồng mua bán với các cty “ma” của Cường.
Sau đó, Cường chỉ đạo thuộc cấp chuyển số tiền trên nhập quỹ tiền mặt của Cty Nam Sông Hậu, Bằng phương thức này, tổng số tiền Cường lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô là hơn 240 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Công Trừng với vai trò giúp sức đắc lực, đã thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt VCB Tây Đô hơn 43 tỷ, chuyển cho Cường sử dụng.
Chủ các nhóm doanh nghiệp khác liên quan trong vụ án cũng triển khai kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tiền của VCB Tây Đô. Cụ thể từ tháng 2/2012 – 12/2014, thực hiện chỉ đạo của Vưu Minh Tuấn, Cao Hoàng Thám đã sử dụng 7 pháp nhân lập hồ sơ, chứng từ kế toán khống để đưa vào hồ sơ vay vốn và rút vốn vay VCB Tây Đô theo 12 HĐTD, giúp sức để Tuấn lừa đảo chiếm đoạt trên 290 tỷ đồng của ngân hàng.
Giai đoạn 2011 – 12/2014, Võ Vũ Bình đã bàn bạc, thống nhất cùng Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, dùng pháp nhân của 3 Cty lập hồ sơ, chứng từ kế toán khống làm hồ sơ vay vốn, rút vốn vay, lừa đảo chiếm đoạt trên 100 tỷ của VCB Tây Đô.
Trong 2 năm (2013 – 2015), Trịnh Minh Tú sử dụng pháp nhân 5 cty lập hồ sơ, chứng từ kế toán khống để làm hồ sơ vay vốn và rút vốn vay thông qua 6 HĐTD hạn mức, lừa đảo chiếm đoạt của VCB Tây Đô hơn 20 tỷ đồng.
Cùng thời gian đó, Nguyễn Thanh Hùng sử dụng 8 pháp nhân trong nhóm An Đô làm khống giấy tờ, tài liệu liên quan vay vốn, thông qua 12 HĐTD ngắn hạn, lừa đảo chiếm đoạt hơn 395 tỷ đồng của VCB Tây Đô.
Nguyễn Hữu Nghĩa là cán bộ Phòng khách hàng được phân công tiếp nhận, thẩm định, đề xuất cho các cty của ông Hùng vay vốn, nhưng không thẩm định theo quy định. Tuy nhiên, lại lập Báo cáo thẩm định và đề xuất vay trong khi cty không đủ điều kiện vay vốn.
Đến khi doanh nghiệp rút vốn, trong và sau giải ngân, Nghĩa cũng không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay mà lập khống Biên bản làm việc, nội dung kiểm tra để hoàn thiện hồ sơ. Chính những vi phạm của mình, Nghĩa đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 400 tỷ.
Đối với Trần Anh Huy, với vai trò Trưởng phòng Khách hàng, phát hiện các đề xuất vay không có cơ sở, nhưng vẫn ký xác nhận trình lên lãnh đạo quyết định. Đồng thời, ông Nguyễn Minh Chuyển, với cương vị lãnh đạo, đã không tổ chức họp HĐTDCS, mà chỉ thị thuộc cấp lập khống các Biên bản họp để ông Chuyển ký trước, sau đó chuyển cho các thành viên khác của HĐTDCS ký để hợp thức hóa việc cho các cty vay. Từ những hành vi vi phạm quy đingh cho vay của ông Chuyển và Huy đã làm cho VCB Tây Đô thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng.
Trước sức ép của ông Chuyển và Huy, một số nhân viên được phân công thẩm định, đề xuất cấp tín dụng đã không thẩm định theo quy định. Khi tiếp nhận hồ sơ, giải ngân số tiền lớn trong thời gian dài cũng không kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay theo quy định, mà lập khống các Biên bản kiểm tra. Do là cán bộ cấp dưới, làm theo chỉ đạo của ông Chuyển và không được hưởng lợi gì nên cơ quan chủ quản đã xử lý hành chính đối với từng cá nhân sai phạm.
Tại tòa, các bị cáo chấp nhận hành vi của mình là sai và nhìn nhận trách nhiệm, bày tỏ sự ăn năn. Bị cáo Chuyển thừa nhận mình đã làm sai với quy định nhưng bị cáo cho rằng việc làm của mình là do muốn rút ngắn thời gian để hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, do phía luật sư cung cấp chứng cứ mới tại tòa là tài liệu liên quan đến phần giá trị tài sản thế chấp có giá trị cao hơn dư nợ, khác với cáo trạng nên cần điều tra làm rõ. Cạnh đó, cần xác định cụ thể trách nhiệm của nhóm người chủ trương thành lập các nhóm doanh nghiệp để giấu nợ xấu và đảo nợ. Vì vậy, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/phap-dinh/tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-vu-that-thoat-ngan-ti-tai-vietcombank-tay-do-439843.html