Tiếp tục rà soát, hoàn thiện nhiều chế định quan trọng trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

21/12/2023 07:26

(Pháp lý) - Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đáng chú ý, tại phiên thảo luận, nhiều chế định quan trọng như: các quy định ngăn chặn sở hữu chéo, hạn chế thao túng, chi phối các ngân hàng cũng như các biện pháp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt các ngân hàng… được các ĐBQH đặc biệt quan tâm, cho ý kiến và đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện.

Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Nhiều nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

Cụ thể, dự thảo đã bổ sung 1 Chương về Ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của ngân hàng chính sách, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật riêng về ngân hàng chính sách.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP, đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối TCTD, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.

Dự thảo bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung liên quan đến tài chính, hạch toán, báo cáo của TCTD như: khái niệm về vốn điều lệ; doanh thu và nguyên tắc ghi nhận doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng, chi phí và nguyên tắc ghi nhận chi phí, phân phối lợi nhuận và các quỹ (trong đó bổ sung quy định về tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ)…

Đối với Dự phòng rủi ro (Khoản 2 Điều 147), tiếp thu ý kiến ĐBQH chỉnh lý thành: “Việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Chính phủ quy định”, thay vì Thống đốc NHNN quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, dự thảo đã bỏ quy định liên quan đến trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước tại khoản 1 Điều 168 của dự thảo Luật để phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

 Ngoài các nội dung nêu trên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định như: Thư tín dụng; Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép; Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của TCTD; Những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ; Công khai, công bố thông tin; Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại; Khái niệm và hoạt động của TCTD phi ngân hàng; Xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm…

Đồng thời, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không quy định trách nhiệm của Bộ Công an tại Điều 188; bỏ nội dung “lệ phí trước bạ” tại Điều 191 về thứ tự ưu tiên thanh toán; sửa đổi quy định chuyển tiếp tại Điều 202. Trong đó, bổ sung tại khoản 10 Điều 202 quy định chuyển tiếp đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo

Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau

Về các vấn đề còn ý kiến khác nhau, theo ông Thanh là các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt đối với các ngân hàng…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng các quy định can thiệp sớm nêu tại dự thảo luật là vẫn chậm, cần nghiên cứu sửa kỹ lưỡng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng can thiệp sớm hơn, khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lỗ lũy kế hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ sẽ được cơ quan quản lý có phương án can thiệp. Tỷ lệ này giảm 5% so với bản thảo trình hồi tháng 6.

Đối với việc can thiệp sớm trong trường hợp lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt được thiết kế 2 phương án tại dự thảo luật.

Theo đó, phương án 1, giữ quy định ngân hàng được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%, không kết hợp thêm các điều kiện khác để tránh trường hợp các tổ chức này có thể có lỗ lũy kế cao nhưng không được cảnh báo, xử lý kịp thời.

Đồng thời, bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt do đây là trường hợp nhiều người gửi tiền cùng rút tiền, dẫn đến ngân hàng mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả, thuộc trường hợp được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt theo luật hiện hành. Cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định phù hợp với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Phương án 2, theo ông Thanh, kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và tiêu chí vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn, vì có một số trường hợp ngân hàng có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp nhưng tổ chức tín dụng này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến lỗ (như tăng vốn, giảm đầu tư) và bảo đảm tỷ lệ bảo đảm an toàn; giữ quy định về rút tiền hàng loạt.

Về các biện pháp kiểm soát đặc biệt ngân hàng cũng được thiết kế 2 phương án. Phương án 1, ngân hàng được đặt ngay vào diện bị kiểm soát đặc biệt khi có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ; hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà ngân hàng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm hoặc Ngân hàng Nhà nước xét thấy tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng phục hồi theo phương án khắc phục; tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

Cạnh đó, cơ quan quản lý xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt với trường hợp mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục; xếp hạng yếu kém trong 2 năm liên tục. Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.

Phương án 2, theo ông Thanh là giữ quy định Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định các trường hợp đặt vào kiểm soát đặc biệt. Trong đó có trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt và có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ sẽ bị áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt để xử lý những vấn đề phát sinh chưa có quy định hoặc phải áp dụng biện pháp cần thiết khác mà chưa dự liệu được ở thời điểm hiện tại để đảm bảo an toàn hệ thống…

Có giải pháp kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn cho vay doanh nghiệp “sân sau”

Thảo luận tại hội trường, đa số ĐBQH tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho rằng, dự thảo Luật đã quy định cơ bản đủ các nội dung về thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài…

Đây là luật có tính chuyên sâu, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, có tác động đến nhiều đối tượng và tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như liên quan đến pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và liên quan đến nhiều Luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án Dân sự, Luật Doanh nghiệp…

Do đó các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo với các luật khác sẽ gây nhiều tác động xấu, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp vi phạm; gắn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để bảo đảm các quy định được chấp hành nghiêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu vấn đề, thời gian qua, các TCTD có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng, hoặc cũng có hiện tượng cho vay doanh nghiệp “sân sau” hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp “sân sau”.

Do vậy, cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan để hạn chế tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng hay nhóm khách hàng lớn. Tuy nhiên, việc quy định giảm ngay giới hạn cấp tín dụng xuống 10% và 15% so với giới hạn hiện tại là 15% và 20% cũng sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các TCTD, khiến các TCTD gặp khó khăn.

Đại biểu đề nghị quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan theo lộ trình cụ thể, tránh việc tác động đột ngột của các TCTD. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác. Đại biểu đề nghị giao Chính phủ cụ thể hóa lộ trình này.

Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ tán thành với quy định về chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối TCTD. Đánh giá đây là vấn đề rất lớn nhưng đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng, cốt lõi hiện nay là các ngân hàng phải giám sát, quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp “ông chủ” ngân hàng là doanh nghiệp lớn.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), từ vụ việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho thấy điều quan trọng cần lưu ý là phải quan tâm đến thực trạng những “ông chủ” thực sự của các ngân hàng hiện nay, đồng thời phải xem xét các cổ đông cùng tham gia với ông chủ này.

Theo ông, cần tránh trường hợp người khác vay khó, còn cổ đông và ông chủ này lại vay rất dễ dàng. “Nếu chúng ta không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn sẽ lại xảy ra trường hợp như SCB”, ông Hòa cảnh báo, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có trách nhiệm, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Tạo cơ chế để xử lý tình trạng sở hữu chéo

Thảo luận về dự án luật này, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, đây là dự án luật khó, tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, thậm trí an ninh trật tự.

Do đó, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng. Các quy định của dự thảo luật phải hướng tới mục tiêu kép đó là tạo cơ chế để thúc đẩy các tổ chức tín dụng phát triển khỏe mạnh nhưng phải an toàn để làm bệ đỡ cho nền kinh tế.

Theo ông Trịnh Xuân An, dự thảo luật cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề tạo cơ chế để xử lý tình trạng sở hữu chéo, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo theo Nghị quyết của trung ương và Quốc hội.

"Thực tế qua vụ việc của Ngân hàng SCB và thực trạng hiện nay đặt ra 3 vấn đề tạo ra những rủi ro rất lớn cho hệ thống đó là sở hữu chéo, chi phối và thao túng tổ chức tín dụng. Do vậy, vấn đề này cần phải tiếp tục được nhận diện để xử lý, loại trừ.

Tôi cho rằng, sở hữu chéo, chi phối và thao túng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này, ta lại dùng các công cụ như luật đang thiết kế (giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ), tức là ta đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình, theo tôi là không hiệu quả", ông nói.

Theo đại biểu, điều cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.

Do đó luật cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức hay còn gọi với tên mỹ miều là "ông bầu" hay các "madam" nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.

Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Quốc hội

Để làm được vấn đề này, đại biểu đề nghị, quy định cụ thể 2 vấn đề: Thứ nhất là minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỉ lệ sở hữu; xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể.

Thứ hai là kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

"Với tinh thần đó, tôi đề nghị cân nhắc giữ quy định như hiện hành về tỉ lệ sở hữu cổ phần tại Điều 63 và giới hạn cấp tín dụng ở Điều 136. Việc xác định lộ trình như đề xuất của Chính phủ, tôi cho rằng chưa thuyết phục và cần được đánh giá thêm", ông An cho hay.

Liên quan đến vấn đề đang được đề cập nhiều lần đó là câu chuyện nhờ người khác đứng tên, đại biểu nhận thấy, điểm c khoản 1 Điều 62 quy định nghĩa vụ của cổ đông “không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật”.

Theo ông, từ việc nhờ đứng tên trong vụ SCB, quy định này rất không cụ thể, không nhận diện được như thế nào là “góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác”.

“Thực tế triển khai quy định này sẽ như thế nào? Cơ sở, phương pháp, cách thức nào để phòng ngừa, đặc biệt là trước ma trận mà ta hay gọi một cách hoa mỹ là “hệ sinh thái” do các “ông bầu” hay các “madame” dựng nên để chi phối ngân hàng?”, ông An đề nghị cần quy định rất cụ thể vấn đề này.

Quy định rõ cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính khách hàng

Liên quan đến quy định bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại Điều 10 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu rõ, thời gian qua, nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức có hoạt động vay vốn ngân hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ với các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Thực tế có tình trạng các tổ chức tín dụng sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin. Nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. 

Cho rằng, Điều 10 dự thảo Luật chưa chế định cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị, xem xét bổ sung quy định cơ chế bảo vệ khách hàng rõ ràng, cụ thể, trong đó cần quy định một chương riêng để bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng.

Theo đó, ngoài các nội quy quy định tại Điều 10, cần bổ sung thêm các nội dung sau: Thứ nhất, ngân hàng phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh từ hành vi của nhân viên đại diện cho ngân hàng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, chức năng về hoạt động của ngân hàng. Thứ hai, hợp đồng tín dụng, hợp đồng dịch vụ tài chính cần được chuẩn hóa theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Thứ ba, cần quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc ứng xử trong các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên các nguyên tắc về công bằng, trung thực và đạo đức.

Đại biểu cũng đề nghị cần có cơ quan độc lập bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng để bảo đảm các giải quyết về các vụ việc tranh chấp phát sinh một cách thuận lợi, nhanh chóng, tránh trường hợp khách hàng thực hiện khiếu nại hoặc khiếu kiện trong thời gian dài nhưng chậm được giải quyết.

Cũng liên quan đến Điều 10 dự thảo Luật, ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho rằng, tại khoản 5, Điều 10, điểm e, khoản 1, Điều 37 và điểm b, khoản 1, Điều 46 dự thảo Luật quy định về “sự kiện bất khả kháng” nhưng chưa có quy định của pháp luật chung về xác định như thế nào là sự kiện bất khả kháng mà chỉ được nhắc tới tại Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, đại biểu đề nghị, bổ sung khái niệm trường hợp để xác định sự kiện bất khả kháng hoặc quy định sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự.                               

Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tại kỳ họp thứ 6

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.

Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật.

Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo luật.

Xuân Trường (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Tiếp tục rà soát, hoàn thiện nhiều chế định quan trọng trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin