'Bình tĩnh giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, đấu tranh bằng pháp lý, nhưng không có nghĩa là không sẵn sàng bảo vệ đất nước bằng sức mạnh quân sự', Giám đốc Học viện Quốc phòng Võ Tiến Trung chia sẻ bên lề Đại hội Đảng XII.
- Tham luận tại Đại hội sáng 22/1, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Việt Nam phải xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận lòng dân, bảo vệ đất nước từ xa, ông suy nghĩ gì về điều này?
- Ông cha ta từng nói “trong ấm, ngoài êm”, nếu ta xây dựng khu vực phòng thủ tốt, bên trong vững bền thì không có thế lực nào nhòm ngó. Còn nếu bên trong lộn xộn thì bên ngoài lập tức can thiệp.
Chúng ta phải học ông cha là vừa xây dựng, phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với quốc phòng an ninh. Đất nước mạnh lên thì thêm nguồn lực xây dựng quân đội, thế trận lòng dân để nhân dân tin vào Đảng, vào chế độ, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chế độ và cảnh giác với kẻ thù.
Bảo vệ đất nước từ xa tức là chúng ta phải mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá và quốc phòng an ninh. Ông cha ta là “ngụ binh ư nông”, tức gửi lính vào nhà nông, khi không có chiến tranh lính là nông dân. Giờ chúng ta cũng vậy, bên cạnh lực lượng quân sự mạnh thì có dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và lòng dân. Khi có chiến tranh thì toàn dân bảo vệ tổ quốc.
- Tướng Lịch có nêu cần đầu tư hiện đại hoá quân đội. Vậy trong bối cảnh hiện nay khi mà tranh chấp biển đảo đang căng thẳng, ông đề xuất nên ưu tiên cho quân, binh chủng nào?
[caption id="attachment_134432" align="alignleft" width="250"]
Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ảnh: QĐND[/caption]
- Theo nhận định của Đảng, chiến tranh lớn khó có thể xảy ra, nhưng sẽ có xung đột sắc tộc, tôn giáo, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam có vấn đề tranh chấp trên biển và biên giới, nhiều nơi chưa được giải quyết thấu đáo. Nếu giải quyết không khéo, kẻ thù sẽ lợi dụng dẫn đến uy hiếp an ninh quốc gia.
Nếu chúng ta không có quân sự mạnh thì kẻ thù sẽ lấn tới, do đó bên cạnh tìm mọi giải pháp giải quyết vấn đề trên biển bằng con đường hoà bình, hữu nghị ta phải có lực lượng mạnh đủ giữ vững các đảo, đặc biệt là các điểm đóng quân và 200 hải lý thềm lục địa. Vì vậy phải phát triển hải, lục, không quân vững mạnh để làm cơ sở cho thế trận toàn dân, thế trận nhân dân trên biển nhằm giữ vững biển đảo của chúng ta.
Nghị quyết trung ương đã nói, phải xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó ưu tiên xây dựng một số quân binh chủng và trước hết là không quân, hải quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử; đầu tư các phương tiện để bảo vệ vùng trời, vùng biển, từng bước hiện đại quân đội toàn diện.
- Khi chủ quyền tổ quốc bị thách thức, trong trường hợp cụ thể liệu ta có nhân nhượng?
- Phải thấu suốt quan điểm là mọi vấn đề giải quyết bằng con đường hòa bình hữu nghị. Nhưng nói như thế không phải chúng ta không sẵn sàng cho trường hợp không thương thảo được thì không sẵn sàng bảo vệ bằng sức mạnh quân sự. Chúng ta không đe dọa ai trừ khi họ bắt buộc chúng ta phải cầm súng, tức họ tiến công xâm lược chúng ta.
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì không ai có quyền nhân nhượng. Chúng ta chỉ bình tĩnh giải quyết bằng con đường hoà bình, hòa hảo, hữu nghị, ngoại giao, đấu tranh bằng pháp lý. Dân tộc chúng ta tổn thất quá nhiều trong chiến tranh rồi nên hơn ai hết ta yêu chuộng hoà bình. Nhưng chúng ta không bao giờ nhân nhượng chủ quyền. Nếu lực lượng bên ngoài dùng quân sự tiến công biển đảo của chúng ta thì buộc ta phải cầm súng.
- Vậy đâu là ngưỡng thưa ông?
- Không dùng lực lượng quân sự tiến công vào biển đảo chúng ta, đó là ngưỡng cuối cùng.
- Cho dù Việt Nam có cố gắng bao nhiêu nhưng thực lực vũ trang quân đội vẫn chưa thể bằng các nước đang có tranh chấp chủ quyền, ông suy nghĩ sao về việc này?
- Chúng ta bỏ ra bao nhiêu tiền của mua vũ khí cũng không bằng các nước lớn. Là nước chiến đấu tự vệ nên chúng ta chỉ bỏ tiền ra mua vũ khí trang bị vừa phải, đủ sức, đúng với khả năng nền kinh tế. Chúng ta không nhảy vào cuộc chạy đua vũ trang nên không so sánh ta hơn hay bằng các nước khác.
Muốn bảo vệ tổ quốc, ngoài việc bỏ tiền đi mua sắm vũ khí trang bị hiện đại, chúng ta phải tự chủ bằng trí tuệ người Việt Nam, bằng khả năng công nghiệp Việt Nam, từng bước nghiên cứu những vũ khí công nghệ cao trang bị cho quân đội để phòng thủ đất nước, có nghĩa là phải có vũ khí để tự vệ, chứ không chạy đua vũ trang.
Trong cuộc đấu trí và lực, chúng ta từng đánh nhau với những nước lớn đến xâm lược. Vũ khí trang bị là yếu tố hết sức quan trọng bên cạnh yếu tố con người, chính trị. Chúng ta đang có chính nghĩa, chúng ta bảo vệ tổ quốc của mình vì vậy được cả thế giới, những người yêu chuộng hoà bình ủng hộ. Vũ khí ít, có hiện đại nhưng chưa nhiều, có vũ khí chúng ta không hiện đại bằng họ, nhưng với tinh thần con người Việt Nam, với trách nhiệm tự vệ, chúng ta có sức mạnh về chính trị. Hai yếu tố này hòa quyện tạo nên sức mạnh tổng hợp.
- Việt Nam đang đa dạng hoá đa phương hoá, vậy ngoài vũ khí của Nga, có thể mua thêm của các nước khác?
- Lâu nay vẫn dùng vũ khí của Nga, phương tiện phù hợp với đất nước chúng ta cả về giá cả, công nghệ. Nếu mua của những nước không thân thiện, dùng việc này thì được nhưng việc khác thì khó. Chúng ta đang có hướng mua vũ khí của một số nước khác nhưng rất cân nhắc. Và không có gì tốt bằng việc mua công nghệ để sản xuất vũ khí vừa phải, đủ sức tự vệ.
Theo Vnexpress