Thực thi điều ước của các FTA: Những vấn đề pháp lý Việt Nam cần quan tâm giải quyết (Bài 3): Kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về doanh nghiệp Nhà nước để thực thi hiệu quả cam kết của CPTPP

13/02/2020 15:00

(Pháp lý) - Theo nghiên cứu của một số chuyên gia, hiện nay có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không tương thích với các quy định về DNNN trong Hiệp định CPTPP hoặc thiếu vắng các quy định về thực thi một số nghĩa vụ, trách nhiệm của DNNN.

Do đó để đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết trong Chương 17 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chuyên gia khuyến cáo các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động DNNN.

image001

Nhiều quy định không tương thích

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, một chuyên gia là giảng viên một trường đại học chuyên nghiên cứu về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cho rằng, về cơ bản, nhờ vào nhiều ngoại lệ mà Việt Nam đạt được trong quá trình đàm phán TPP trước đây và CPTPP sau này về DNNN, Việt Nam có nhiều thuận lợi để thực thi các nghĩa vụ của mình theo CPTPP. Tuy vậy, cũng còn tồn tại một số thách thức đối với Việt Nam khi thực thi các quy định về DNNN của Hiệp định này.

Theo chuyên gia, thách thức đầu tiên là từ sự chưa tương thích của pháp luật Việt Nam về DNNN với quy định của CPTPP. Thứ nhất, sự không tương thích về khái niệm DNNN. Khái niệm về DNNN trong CPTPP có sự khác biệt với khái niệm DNNN trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam.

image002

Luật Doanh nghiệp năm 2014 định nghĩa DNNN là “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” (Điều 4 khoản 8). Có thể thấy, khái niệm DNNN trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 hẹp hơn rất nhiều so với khái niệm DNNN trong CPTPP. Điều này làm cho nhiều doanh nghiệp của Việt Nam không là DNNN theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhưng lại là DNNN theo CPTPP. Đó là trường hợp của những doanh nghiệp tồn tại dưới dạng Công ty cổ phần hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn mà ở đó Nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Sự khác biệt này sẽ tạo nên thách thức cho Việt Nam trong quá trình thực thi các quy định của CPTPP, bởi các nghĩa vụ được áp dụng cho các DNNN theo CPTPP mà không phải là DNNN theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, sẽ khó có thể được thực thi vì thiếu vắng các quy định của pháp luật trong nước.

Thứ hai, sự không tương thích về nghĩa vụ công bố thông tin đối với các doanh nghiệp là DNNN theo CPTPP, nhưng không phải là DNNN theo pháp luật Việt Nam.
Việc theo CPTPP, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể được coi là DNNN hơn so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, có thể dẫn đến khó khăn về công bố thông tin theo nghĩa vụ về minh bạch hóa trong Chương 17.

Điều 108 và 109 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, đã có những quy định khá cụ thể về nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường của các DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Đồng thời, sau đó, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/09/2015 về công bố thông tin của DNNN.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, chỉ các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới phải áp dụng các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã được cổ phần hóa và trở thành công ty đại chúng, cũng có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi năm 2010. Tuy nhiên, những DNNN sở hữu trên 50% vốn điều lệ tồn tại dưới dạng là Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần nhưng không được coi là Công ty đại chúng, sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh về nghĩa vụ công bố thông tin của bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào nêu trên. Do đó, nghĩa vụ công bố thông tin của nhóm doanh nghiệp này bị bỏ ngỏ. Nói cách khác, đây cũng là “lỗ hổng” mà Việt Nam phải hoàn thiện để đảm bảo nghĩa vụ thực thi các quy định về DNNN trong CPTPP.

Thiếu vắng một số quy định quan trọng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của DNNN

Đó là sự thiếu vắng quy định về quyền miễn trừ tư pháp của DNNN. Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ quy định trực tiếp nào về việc DNNN Việt Nam, hay DNNN nước ngoài không được hưởng quyền miễn trừ tư pháp khi tham gia vào các giao dịch kinh doanh – thương mại ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Tuy nhiên, một số văn bản như Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 có gián tiếp đề cập đến vấn đề này thông qua các quy định về giải quyết tranh chấp hay về trách nhiệm trong giao dịch dân sự.

Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng, hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác” (Điều 14.4). Với cách hiểu rộng về “nhà đầu tư nước ngoài”, có thể thấy trong trường hợp tranh chấp giữa một DNNN của nước ngoài với một cơ quan nhà nước của Việt Nam về hoạt động đầu tư tại Việt Nam, sẽ được Tòa án hoặc trọng tài Việt Nam thụ lý và giải quyết, trừ trường hợp có quy định khác.

[caption id="attachment_213933" align="aligncenter" width="410"]EVN và PVN là 2 trong số những doanh nghiệp Nhà nước (ảnh minh họa) EVN và PVN là 2 trong số những doanh nghiệp Nhà nước (ảnh minh họa)[/caption]

Như vậy, có thể hiểu là Luật Đầu tư năm 2014 cho phép giải quyết các tranh chấp có liên quan đến DNNN nước ngoài thực hiện đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì các quy định có liên quan chỉ điều chỉnh các tranh chấp về đầu tư, nên các tranh chấp về kinh doanh, thương mại khác mà DNNN là nguyên đơn hoặc bị đơn thì sao?. Để trả lời câu hỏi này, có thể xem xét đến các quy định mới được đưa vào trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có một số quy định về trách nhiệm của nhà nước, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương khi tham gia vào quan hệ dân sự ở Việt Nam . Điều 100 khoản 1, đã đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của Nhà nước, cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương với một bên là nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài theo hướng nhà nước và cơ quan nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ dân sự của mình một trong ba trường hợp: trên cơ sở quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ được nêu trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận về từ bỏ quyền miễn trừ; và nhà nước, cơ quan nhà nước của Việt Nam từ bỏ quyền miễn trừ. Trong trường hợp nhà nước hay cơ quan nhà nước nước ngoài tham gia các quan hệ dân sự với nhà nước, cơ quan nhà nước, pháp nhân, cá nhân Việt Nam, trách nhiệm của họ cũng sẽ được xác định tương tự như các trường hợp nêu trên.

[caption id="attachment_213934" align="alignleft" width="327"]Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên xác định cụ thể số lượng các DNNN mà Việt Nam cần phải công bố thông tin theo CPTPP Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên xác định cụ thể số lượng các DNNN mà Việt Nam cần phải công bố thông tin theo CPTPP[/caption]

Có thể thấy, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ đưa ra các quy định để điều chỉnh về trách nhiệm của nhà nước và cơ quan nhà nước, mà không có quy định trực tiếp về trách nhiệm của DNNN Việt Nam hay của DNNN nước ngoài. Việc thiếu vắng quy định trực tiếp này có thể được hiểu là trách nhiệm đó sẽ được điều chỉnh bằng các quy định về trách nhiệm của pháp nhân Việt Nam hoặc pháp nhân nước ngoài nói chung được nêu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 hay không? Đây là một câu hỏi cũng chưa có câu trả lời rõ ràng bởi về nguyên tắc, DNNN sử dụng tài sản thuộc sở hữu nhà nước để kinh doanh, do đó, tài sản này vẫn có thể được hưởng quyền miễn trừ tư pháp hoặc nhà nước có thể can thiệp vào vụ tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, các DNNN có thể phải tiến hành các hoạt động thuộc về chức năng quản lý của Nhà nước. Trong trường hợp này, các hoạt động đó có bị khiếu kiện hay không, thì hiện nay Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể?

Hai tồn tại lớn

Bên cạnh các thách thức đã nêu ở trên, thách thức đối với Việt Nam khi thực thi các quy định này còn xuất phát từ chính thực tiễn thực thi một số quy định có liên quan. Hiện có hai tồn tại liên quan đến việc thực thi một số quy định cụ thể của CPTPP về DNNN.

Thứ nhất, tồn tại về thực thi nghĩa vụ minh bạch hóa thông tin đối với DNNN. Dù Việt Nam có thể được hưởng ngoại lệ về việc công bố danh sách DNNN theo quy định tại Điều 17.10.1, cách thức tiến hành công bố các thông tin về DNNN mà Việt Nam đang thực hiện có thể sẽ gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ này của Việt Nam khi thời hạn 5 năm mà ngoại lệ cho phép kết thúc.

Thứ hai là tồn tại trong việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp các thông tin liên quan đến các khoản hỗ trợ phi thương mại. Theo nghĩa vụ trong CPTPP, khi có yêu cầu từ các nước thành viên khác, Việt Nam sẽ phải cung cấp các thông tin về các khoản hỗ trợ phi thương mại có liên quan đến các DNNN. Nghĩa vụ này tương tự như việc Việt Nam phải thông báo về các khoản trợ cấp lên Ủy ban về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO. Tuy nhiên, cách thức mà Việt Nam thực hiện việc thông báo về trợ cấp trong WTO thời gian vừa qua có thể sẽ gây khó khăn cho Việt Nam khi thực thi các quy định của CPTPP, như: các thông báo mà Việt Nam thực hiện đều có một độ trễ nhất định về mặt thời gian; còn thiếu một số thông tin liên quan đến khoản trợ cấp (như tổng giá trị của khoản trợ cấp; đánh giá tác động của khoản trợ cấp đến thương mại). Nói cách khác, các thông báo về trợ cấp của Việt Nam không được cập nhật. Đồng thời, các thông tin về trị giá khoản trợ cấp hay đánh giá tác động của khoản trợ cấp mà Việt Nam không cung cấp, sẽ gây khó khăn cho Việt Nam khi thực hiện yêu cầu cung cấp các thông tin này trong CPTPP.

Kiến nghị

Từ những phân tích trên, có thể thấy các khó khăn chủ yếu xuất phát từ việc hệ thống pháp luật của Việt Nam về vấn đề DNNN có một số quy định chưa tương thích với CPTPP, từ việc không chỉ rõ phương pháp áp dụng các quy định của Chương 17 và từ thực tiễn thực hiện một số nghĩa vụ. Do đó, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp:

Thứ nhất, cơ quan chức năng cần sửa các văn bản pháp luật của Việt Nam có liên quan đến DNNN, để đảm bảo sự tương thích với các quy định của CPTPP. Như thế, các quy định khác biệt trong pháp luật Việt Nam so với CPTPP sẽ phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với CPTPP. Cách làm này có ưu điểm là sẽ tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng các quy định của nội luật với các quy định của CPTPP. Không chỉ vậy, nó cũng sẽ đảm bảo sự tương thích với các quy định của các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, bởi việc rà soát sẽ được tiến hành không chỉ với CPTPP mà với cả các Hiệp định đó. Việc nội luật hóa cũng sẽ giúp cho quá trình thực thi các quy định đó bởi các chủ thể khác, như doanh nghiệp, Tòa án, trọng tài… trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khó khăn của việc nội luật hóa là Việt Nam sẽ cần có thời gian để sửa đổi, bổ sung các văn bản theo đúng trình tự và thủ tục, từ đó, sẽ làm cho khả năng áp dụng của chúng các quy định đó có độ trễ so với thời điểm có hiệu lực của CPTPP.

Thứ hai, đảm bảo thực hiện tốt các cam kết của Việt Nam về DNNN trong CPTPP, nhất là các quy định về minh bạch và về hỗ trợ phi thương mại. Để thực hiện giải pháp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên xác định cụ thể số lượng các DNNN mà Việt Nam cần phải công bố thông tin theo CPTPP. Từ đó, công bố cụ thể danh sách các doanh nghiệp này trên Cổng thông tin doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có kế hoạch cụ thể để giúp các DNNN thuộc đối tượng áp dụng của CPTPP, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về công bố thông tin theo CPTPP và theo Nghị định số 81/2016/NĐ-CP. Đồng thời, Việt Nam cũng cần thực hiện tốt nghĩa vụ thông báo về các hỗ trợ phi thương mại dành cho các DNNN không chỉ trong khuôn khổ của WTO mà cả theo yêu cầu của CPTPP.

Có thể thấy CPTPP hàm chứa nhiều quy định mới, cụ thể và chi tiết để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến DNNN trong các hoạt động thương mại và đầu tư tại các nước thành viên của CPTPP. Với nhiều ngoại lệ, Việt Nam sẽ có một khoảng thời gian nhất định để tiến hành những bước đi cần thiết, trong đó có cả việc xem xét có tiến hành nội luật hóa các quy định của CPTPP có sự khác biệt với pháp luật Việt Nam. Điều này sẽ đảm bảo Việt Nam có thể thực thi tốt các nghĩa vụ và cam kết của mình không chỉ liên quan đến các nội dung về DNNN mà còn về các quy định khác của CPTPP.

Đình Nguyễn (lược ghi)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin