Người dân sẽ có những tính toán thận trọng, huy động vốn trong dân cũng khó. Việc làm ăn với thế giới cũng khó khăn hơn...
Cử tri liên tiếp đặt câu hỏi
Thanh tra Chính phủ vừa thừa nhận, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp hơn nhiều số tài sản bị chiếm đoạt. Năm 2016, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết của Quốc hội.
Lý do là vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng như quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng và chế tài xử lý đối với những người tẩu tán tài sản tham nhũng còn thiếu.
Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản...
Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH TP.HCM Nguyễn Văn Chương cho rằng, chuyện thất thoát tài sản của nhà nước không ai mong muốn xảy ra cả. Tuy nhiên có một thực tế đang xảy ra tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đó là tài sản quản lý bị thất thoát thì rất khó có thể thu hồi lại được hết.
Ông Chương dẫn chứng trường hợp của ông Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines làm thất thoát tài sản của nhà nước gần 370 tỷ đồng. Số tiền ông này phải bồi thường Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam theo quy định là 110 tỷ đồng.
“Vụ việc Dương Chí Dũng thất thoát rất nhiều nhưng thu lại chưa được 1/3. Đó chính là thất thoát tài sản của nhà nước”, ông Chương nói.
Theo ĐBQH TP.HCM, nếu như những tình trạng trên không được xử lý triệt để mà vẫn kéo dài thì người dân sẽ đặt câu hỏi về quản lý xã hội, quản lý nhà nước, trong làm ăn kinh tế.
“Khi đó, người dân sẽ có những tính toán thận trọng, huy động vốn trong dân cũng khó. Việc làm ăn với thế giới cũng khó khăn hơn”, ông Chương cảnh báo.
Trong khi đó, bà Mai Thị Ánh Tuyết (ĐBQH An Giang) cho biết, công tác phòng chống và thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề được người dân quan tâm nhiều trong các lần đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri.
Nữ ĐBQH An Giang đồng tình với những vấn đề mà Thanh tra Chính phủ nêu ra trong việc kết quả thu hồi tài sản tham nhũng cũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết của Quốc hội. Đáng chú ý nhất là các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng.
“Về mức xử phạt, quy định ràng buộc để quản lý được tài sản ngay từ ban đầu của người dân, cơ quan tổ chức cũng chưa thật sự mang tính chặt chẽ.
Từ những vấn đề bên Thanh tra Chính phủ nêu, tôi nghĩ Chính phủ, Quốc hội cũng phải có cân nhắc, xem xét trong phòng chống tham nhũng quốc tế”, bà Tuyết nói.
Dân rất quan tâm thì phải giải trình
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện Xã hội học và Khoa học quản lý cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra đã được nhắc đến nhiều thời gian qua.
Theo ông Tri, ngoài những vướng mắc về cơ chế, chính sách, chúng ta cũng phải truy cứu đến trách nhiệm của các cá nhân tập thể, những cơ quan liên quan trực tiếp đến việc thu hồi tài sản tham nhũng.
“Hàng năm chúng ta đều có báo cáo, quyết toán, kiểm toán, đều có thanh tra. Nếu phát hiện có gì bất thường thì phải xử lý kịp thời, giải quyết ngay vấn đề đó. Vấn đề nằm ở chỗ những người có trách nhiệm đã làm nghiêm túc chưa?
Ngoài ra theo tôi do công tác cán bộ của chúng ta chưa tốt nên dẫn đến tình trạng, một số cá nhân sau khi nắm tiền của nhà nước tìm cách lấy làm của riêng hoặc dùng tiền công để mua quan bán chức, chạy chọt”, ông Tri nhấn mạnh.
Trong trường hợp tài sản tham nhũng thu hồi lại không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết của Quốc hội, vị chuyên gia đề nghị Thanh tra Chính phủ phải có giải trình, giải thích cụ thể, rõ ràng với Quốc hội, với cử tri.
“Vấn đề này ĐBQH hoặc cử tri đã đặt ra vấn đề và đưa ra quốc hội thì buộc Thanh tra chính phủ phải giải trình. Trước tiên, họ phải trình bày, báo cáo với Thủ tướng. Khi Quốc hội chất vấn, Thanh tra Chính phủ cũng phải giải trình cụ thể.
Nếu giải trình của Thanh tra chính phủ hợp lý và đúng nguyên tắc thì phải tìm ra lỗi ở chỗ nào? Vướng ở khâu nào thì phải đưa ra các giải pháp, ban hành cơ chế, các văn bản pháp luật. Nếu sai thì phải chịu trách nhiệm, xử lý quy định”, ông Tri nhấn mạnh.
Phải làm thật nghiêm
Để giải quyết tình trạng trên, ĐBQH Nguyễn Văn Chương cho rằng các cơ quan nhà nước phải tốn công, tốn sức. Hơn hết, năng lực lãnh đạo của nhà nước phải hết sức chặt chẽ, hiệu quả.
“Bây giờ phải quản lý tài sản nhà nước theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Cơ chế quản lý phải hết sức chặt chẽ và minh bạch để kiểm soát, kiểm tra.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những cải tiến, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật cho đầy đủ, chặt chẽ hơn, tạo nên tính răn đe tốt hơn.
“Tôi thấy gần đây động thái của các Bộ, ngành trong phòng chống và xử lý tham nhũng rất tích cực. Tôi mong muốn chúng ta có thể sớm hoàn thiện những vấn đề liên quan để giải quyết tốt hơn vấn đề cử tri quan tâm”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Theo Bao Datviet