Thấy gì từ việc Thanh Hóa bầu thiếu 408 đại biểu HĐND?

Kết quả bầu cử do Thanh Hóa công bố cho thấy, tỉnh này bầu thiếu 408 đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã. Nhìn nhận về hiện tượng này, phóng viên có trao đổi với ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

[caption id="attachment_141564" align="aligncenter" width="410"]Ông Lê Văn Cuông. Ông Lê Văn Cuông.[/caption]

Là người theo dõi sát về những cuộc bầu cử, ông có suy nghĩ gì khi một tỉnh bầu thiếu đến hơn 400 đại biểu HĐND cấp xã, thưa ông?

- Qua theo dõi công tác bầu cử thấy ở những kỳ trước cũng có chuyện bầu thiếu, phải tiến hành bầu thêm nhưng rất hãn hữu. Bầu thiếu nhiều như vậy tôi lại thấy đó là điều đáng mừng, đó là thể hiện sự dân chủ ngày càng tiến bộ.

Trước đây nhận thức của cử tri đối với công tác bầu cử nói chung và lựa chọn nhân sự đại diện cho mình nói riêng chưa được quan tâm đúng mức, việc đi bầu ít nhiều, đâu đó còn mang tính hình thức. Hiện nay khi thiết chế dân chủ ở cơ sở ngày càng tiến bộ, người dân đòi hỏi người đại diện cho họ phải tiêu biểu, mẫu mực, thực sự vì dân thì mới được sự tín nhiệm. Khi đi bầu cử tri đã tìm hiểu và lựa chọn kỹ hơn tránh để lọt vào những kiểu cán bộ yếu kém, không gương mẫu, thậm chí có hành vi tham nhũng, tiêu cực, cái đó nó sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của dân.

Vấn đề nữa là trong thiết chế bầu cử hiện nay cũng thể hiện sự dân chủ hơn, ví dụ trong danh sách ứng viên tại các đơn vị bầu cử nếu bầu lấy 3 người được dư 2, nghĩa là danh sách có 5 người. Trước đây số dư ít nên cử tri khó chọn, bên cạnh đó số dư nhiều hơn nên khi bầu có thể phân tán phiếu bởi những ứng viên không có sự chênh lệch nhau.

Đối với ứng viên ĐBQH hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cử tri thường chỉ biết đến họ qua bản hồ sơ lý lịch, còn đối với ứng viên là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cử tri biết đến từng ứng viên rất rõ. Sự va chạm, cọ sát giữa cán bộ và người dân thường xuyên, đó là cơ sở để họ lựa chọn người đại diện một cách sát thực.

Với việc bầu thiếu hơn 400 đại biểu HĐND, thậm chí ở xã có vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã không trúng đại biểu HĐND (xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, Thanh Hóa), chuyện đó cũng là bình thường, chúng ta không nên quá bất ngờ trước sự việc này.

Ông có nghĩ đến chuyện người dân bức xúc vì vấn đề gì đó ở địa phương, rồi họ "đổ" cả bức xúc qua lá phiếu dẫn đến kết quả như vậy?

- Tất nhiên trong cuộc sống vẫn có những việc người dân giảm lòng tin không những đối với cá nhân mà còn đối với tổ chức, nếu như tổ chức đó hoạt động yếu, không phát huy được vai trò và trách nhiệm. Cần phải nói thêm nhận thức của người dân ngày càng cao, thông tin đại chúng giờ đã về đến tận nhà dân.

Từ đó người dân thấy rõ được vai trò của cán bộ nó quyết định đến cuộc sống của mình thế nào, chính vì thế cử tri đã phát huy quyền công dân của mình khi đi bầu cử. Trước đây cả gia đình chỉ có một người đi bầu cử thay cho cả nhà, thậm chí có người cầm cả nắm lá phiếu ra hỏi người của Tổ bầu cử gạch ai rồi cứ thế làm.

Hiện nay rất nhiều cử tri đi bầu đã nghiên cứu rất kỹ về từng ứng cử viên, cân nhắc rất cẩn thẩn, từ đó lá phiếu bầu có tính thực chất hơn, thể hiện được lòng dân.

[caption id="attachment_141565" align="aligncenter" width="410"] Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tham gia bỏ phiếu tại TP.Thanh Hóa. (Ảnh: Đại Đoàn Kết).
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tham gia bỏ phiếu tại TP.Thanh Hóa. (Ảnh: Đại Đoàn Kết).[/caption]

Kết quả bầu thiếu như vậy cũng là sự bài học về việc lựa chọn người ra ứng cử của các cơ quan, tổ chức thưa ông?

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa đã bầu đủ 14 Đại biểu Quốc hội và 95 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tỉnh bầu được 993/999 đại biểu HĐND cấp huyện (thiếu 6 đại biểu) và 16.031/16.439 đại biểu HĐND cấp xã (thiếu 408 đại biểu).

- Đúng như vậy, trước hết đây là sự cảnh báo cho những ứng viên không trúng cử. Để được nhân dân tín nhiệm trước hết người đó phải sống và làm việc vì dân, khi được dân quý, họ sẽ tín nhiệm. Nếu không vì dân, xa dân, chỉ lo cho lợi ích cá nhân, thậm chí có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực thì dù được Đảng và cơ quan giới thiệu ra ứng cử người dân sẽ không bầu.

Cảnh báo thứ hai là các tổ chức Đảng cũng phải xem lại việc quản lý và giới thiệu đảng viên ra ứng cử thế nào. Cần phải lựa chọn để giới thiệu người thực sự tiêu biểu, không được giới thiệu người theo bè cánh, lợi ích nhóm, nếu có tình làm vậy mà dân không bầu thì cũng thất bại.

Qua sự việc trên cũng là sự cảnh tỉnh rằng tình hình đã thay đổi, công tác nhân sự, công tác bầu cử và việc đối xử với dân phải thay đổi mới đáp ứng được yêu cầu mới, còn nếu vẫn chủ quan như trước đây thì sẽ có những bất ngờ xảy ra. Từ đó sẽ không đáp ứng yêu cầu của Đảng và công tác lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ở nơi đó sẽ không thành công.

Xin cảm ơn ông!

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin