Tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự

Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11-02-2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự. Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ tham dự.

Theo báo cáo tại Hội nghị, công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Việc phổ biến, quán triệt và triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-05-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc. Cùng với đó là việc triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 30-10-2016 gắn với việc triển khai, tổ chức thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Toàn Hệ thống THADS đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên.

 Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị)

Việc công khai, minh bạch được thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt công tác của Hệ thống thi hành án dân sự, nhất là những lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng cao như: Hoạt động nghiệp vụ thi hành án (xác minh điều kiện thi hành án; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; định giá, bán đấu giá tài sản; thu, chi tiền thi hành án…); trong công tác tổ chức cán bộ; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tài chính, kế toán, văn phòng… Từ đó, đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong Hệ thống thi hành án dân sự.

Các đại biểu tại các điểm cầu đã tập trung trao đổi, thảo luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong Hệ thống thi hành án dân sự trong thời gian tới và những năm tiếp theo.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTP, công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công

Để thực hiện mục tiêu xây dựng các cơ quan thi hành án dân sự thực sự kỷ cương, kỷ luật, trong sạch, vững mạnh và để xây dựng đội ngũ công chức thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay, đồng chí yêu cầu toàn Hệ thống cần triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết, Quy định, Quyết định, Quy chế của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Bộ, Ngành về công tác phòng, chống, tiêu cực tham nhũng trong thi hành án dân sự. Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình trong hoạt động thi hành án dân sự.

Đổi mới công tác đánh giá công chức; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 của Chính phủ, kiên quyết chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ đối với kế toán, kế toán trưởng, thủ kho, thủ quỹ cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên. Đưa công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án dân sự là nhiệm vụ trọng tâm của Hệ thống; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức thi hành án dân sự...

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/201905/tang-cuong-phong-chong-tieu-cuc-tham-nhung-trong-thi-hanh-an-dan-su-305781/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin