TAND cấp cao tại Hà Nội khởi tố vụ án tham ô tài sản với Trịnh Xuân Thanh

16/03/2017 11:07

Sau hai ngày xét xử, chiều 15-3, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án với bị cáo Lê Hòa Bình, cựu TGĐ Công ty 1-5 cùng đồng phạm trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và khởi tố vụ án tham ô tài sản...

Trước đó, TAND TP Hà Nội đã xét xử các bị cáo và tuyên phạt Lê Hòa Bình, SN 1954, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 (Cty 1-5) và Nguyễn Thị Kim Thoa, SN 1965, cựu Phó TGĐ kiêm Kế toán trưởng cùng mức án tù chung thân; Nguyễn Mạnh Cường, SN 1972, cựu TGĐ Cty 1-5, 17 năm tù; Đào Duy Phong, SN 1958, cựu Chủ tịch HĐQT Cty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam, 6 năm tù và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, SN 1972, trú tại quận 3, TP HCM, 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các cơ quan tố tụng kết luận, ngoài đảm nhiệm chức vụ quan trọng ở Cty 1-5, Bình và Thoa còn nắm giữ quyền điều hành, chỉ đạo 3 Cty khác.

Ngày 19-1-2010, Cty 1-5 ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng cho Cty CP Phát triển địa ốc CIENCO5 (CIENCO5) vay 200 tỷ đồng để đưa vào một số dự án nhà ở. Theo đó, Cty 1-5 được ưu tiên thực hiện hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà A, quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Bình đã chỉ đạo cấp dưới huy động tiền đặt cọc mua đất từ các cá nhân có nhu cầu với tỉ lệ 30% giá trị. Từ ngày 1 đến 4-2-2010, Cty 1-5 ký 7 hợp đồng bán đất (tương đương 12,3 tỷ đồng) dưới dạng góp vốn vào CIENCO5. Nhưng do Cty 1-5 “bội tín” nên CIENCO5 nhanh chóng truất quyền hợp tác nói trên.

Dù không còn vai trò gì trong dự án, Bình và đồng phạm vẫn ém chặt thông tin, tiếp tục sử dụng thỏa thuận cho CIENCO5 vay vốn cùng một số giấy tờ liên quan để “câu” khách hàng.

Bình chỉ đạo Thoa thu thập các bản đồ quy hoạch sử dụng đất dự án ngoài luồng đưa cho khách hàng lựa chọn vị trí và đăng ký mua. Thoa dùng máy vi tính chỉnh sửa và in ra nhiều trích lục vị trí các lô đất khác nhau để Bình ký tên và đóng dấu.

Ngoài việc sưu tầm bản đồ quy hoạch ngoài luồng, Bình và Thoa còn tự ý chia nhỏ các lô đất trong dự án Thanh Hà A ra để bán, kể cả những lô đất không nằm trong diện tích thỏa thuận ban đầu.

Với thủ đoạn trên, kể từ thời điểm CIENCO5 hủy bỏ nội dung hợp tác đầu tư đến ngày 12-4-2010, Bình cùng đồng phạm đã ký tổng cộng 463 hợp đồng bán đất tại dự án Thanh Hà A với tổng diện tích hơn 80.000m2, tương đương hơn 789 tỷ đồng. Số tiền thu được của 424 khách hàng, Bình cùng đồng bọn chia nhau, trả nợ và đưa vào 3 Cty không liên quan đến dự án.

 Các bị cáo tại phiên phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm)

Cường, với cương vị là TGĐ, dù không bàn bạc nhưng biết rõ thủ đoạn lừa đảo của Bình, Thoa mà vẫn ký nhận hơn 11 tỷ đồng với nhiều người mua đất.

Ở tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Cty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương được thành lập vào năm 2007 với 5 cổ đông sáng lập, trong đó Cty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) sở hữu 50,5% tổng số cổ phần.

Năm 2009, Cty xuyên Thái Bình Dương được cấp phép xây dựng dự án Tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (cũ), Hà Nội.

Năm 2010, dự án gặp một số khó khăn, PVP Land có chủ trương thoái vốn tại Cty xuyên Thái Bình Dương. Qua môi giới của Huỳnh, Duy và Bình tìm gặp lãnh đạo PVP Land đặt vấn đề mua lại toàn bộ cổ phần của của doanh nghiệp này tại Cty xuyên Thái Bình Dương.

Để hưởng lợi cá nhân 10 tỷ đồng, Phong đã chỉ đạo nguyên giám đốc PVP Land bán hơn 12 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế cũng như nghị quyết của HĐQT công ty này ấn định.

Tại phiên phúc thẩm, Thoa và Cường kháng cáo kêu oan nhưng bị bác. HĐXX ngày 15-3 của TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra lại đối với các bị cáo Bình, Phong và Duy; tuyên phạt bị cáo Bình, Thoa án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh, Cường nhận 12 năm tù.

Đáng chú ý, HĐXX phúc thẩm nhận định, từ lời khai của các bị cáo Bình, ông Đặng Sỹ Hùng và những người liên quan cùng lời khai của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) có căn cứ xác định, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên TGĐ PVP Land, Đào Duy Phong - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Cty Cổ phần xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thị trường của các cổ đông theo hợp đồng đặt cọc để hưởng khoản tiền chênh lệch giá từ 8 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho PVP Land trên 87 tỷ đồng.

Căn cứ đề nghị của vị đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội, xét thấy hành vi của Trịnh Xuân Thanh cùng với Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa, Đặng Sỹ Hùng, Thái Kiều Hương, Phó TGĐ Cty CP Đầu tư Vietsan có dấu hiệu tham ô tài sản.

Do vậy, HĐXX phúc thẩm ra quyết định khởi tố hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh và những người này về tội “Tham ô tài sản”.

Theo PL&XH

Bạn đang đọc bài viết "TAND cấp cao tại Hà Nội khởi tố vụ án tham ô tài sản với Trịnh Xuân Thanh" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin