Tán thành đề xuất giảm số năm đóng; cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa quy định hưởng BHXH một lần

20/09/2023 15:05

(Pháp lý) - Đó là 2 vấn đề lớn khi sửa Luật BHXH mà xã hội đặc biệt quan tâm, được UBTV Quốc hội cho ý kiến mới nhất tại phiên họp thứ 26.

Chủ tịch Quốc hội: Nên quy định người không có lương hưu 75 tuổi hoặc ít tuổi hơn được trợ cấp xã hội -0

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.

Tán thành đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội

Tại phiên họp, thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).

Về nội dung được dư luận quan tâm đó là số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với việc giảm thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm và thấy rằng việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia BHXH mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu. Quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỉ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, cải thiện tính công bằng.

Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28/NQTW. Ngoài ra, nếu giảm số năm đóng BHXH đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm, mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng BHXH, nếu đóng BHXH 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành. Điều này phù hợp tờ trình và hồ sơ dự án luật khi giới hạn phạm vi sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên công thức tính lương hưu.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết. Từ đó khuyến khích người lao động có quá trình tham gia BHXH không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH.

Như vậy, trong trường hợp khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ. Tuy nhiên, với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và trong thời gian hưởng lương hưu còn được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, khi mất có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động và nhiều người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách.

Cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi, bổ sung về hưởng BHXH một lần

Về vấn đề rút BHXH một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Do đó, cần tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách.

Đó là khi có việc làm thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hàng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí, bảo đảm khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng (rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy). Vì vậy, phải “chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần” như Nghị quyết 28-NQ/TW đã xác định, hướng tới hạn chế tối đa việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động.

Báo cáo thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong dự án luật là về quy định rút BHXH một lần. Về nội dung này, Chính phủ đề xuất hai phương án.

 

Chủ tịch Quốc hội: Nên quy định người không có lương hưu 75 tuổi hoặc ít tuổi hơn được trợ cấp xã hội -0

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình tại phiên họp

Phương án 1, quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm thứ nhất là người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm thứ hai là người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) trở đi thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Các trường sau vẫn được rút bảo hiểm 1 lần: người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; người ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2 được thiết kế: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, rút BHXH một lần là vấn đề hệ trọng, chấm dứt ngay lập tức có thể gây dư luận xã hội, đặc biệt với người dân đang được hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 93. 

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận việc rút BHXH một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật BHXH lần này. 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, để hạn chế tình trạng này thì có nhiều cách. Trong đó, biện pháp lớn nhất là giảm thời gian đóng hưởng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm và tới đây sẽ có lộ trình để giảm xuống còn 10 năm. Bởi, đây là yếu tố quan trọng nhất về kinh tế để giảm việc rút BHXH một lần. Còn quyền rút hay không vẫn là quyền của người lao động. 

Về phương án đối với rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội cho hay, có nhiều phương án, song cho rằng có thể trình Quốc hội trên cơ sở Chính phủ đang tiếp thu. Còn cơ quan thẩm tra vẫn có quyền đưa ra các ý kiến, Chính phủ tiếp thu được đến đâu là quyền của Chính phủ chứ không nên rút lại là phương án nào.

Bổ sung trợ cấp người cao tuổi vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Về nội dung trợ cấp cho người cao tuổi, đây là một cấu phần trong hệ thống BHXH đa tầng, gọi là Quỹ trợ cấp hưu trí xã hội, là bảo hiểm nhưng từ thuế chứ không phải là nguyên tắc đóng hưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, so với luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự án luật đã bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội” trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định hiện hành về chính sách bảo trợ xã hội người cao tuổi được quy định tại Luật Người cao tuổi.

Về vấn đề này, Ủy ban Xã hội có 2 nhóm ý kiến khác nhau. Nhóm thứ nhất tán thành với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này về việc bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, không cần thiết bổ sung quy định mà có thể sửa đổi các quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất nhằm bảo đảm hướng tới từng bước hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết, linh hoạt và theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp trung ương khóa XII.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với Ngân sách nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án luật này, nhất là các tác động liên quan đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội lưu ý, trợ cấp hưu trí xã hội là từ nguồn thuế chứ không phải theo nguyên tắc đóng hưởng. Trước mắt, tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là 75 tuổi, tương lai sẽ phải hạ dần xuống bằng với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và mức tiền hưởng sẽ tăng dần lên, phù hợp với khả năng của ngân sách.

Thành Chung (Tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Tán thành đề xuất giảm số năm đóng; cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa quy định hưởng BHXH một lần" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin