Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam trong lĩnh vực thương mại

05/06/2023 15:30

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển trên sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới sáng tạo mang tính đột phá làm thay đổi tổng thể và toàn diện dẫn đến thay đổi quy trình, trình tự thủ tục, thay đổi mô hình hoạt động của tổ chức nói chung và của Trọng tài thương mại nói riêng. Bài viết phân tích tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến hoạt động giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại hiện nay.

819a23454a65a08-1680844269.jpg

I. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.  

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) triển khai với nền tảng là chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thường gọi là Thời đại 4.0 hay kỷ nguyên số, là khoảng thời gian và không gian trong đó Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4 tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực trong xã hội. Trong đó hình thành xã hội số, môi trường số, kinh tế số, Chính phủ số...

Chuyển đổi số trên thế giới phát triển từ năm 2017, tại Việt Nam chuyển đổi số bước đầu khởi động từ năm 2018 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia ngày 03/06/2020.

Cách mạng công nghiệp lần 1 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất, thường gọi là cách mạng kỹ thuật số, là sự khởi đầu của kỷ nguyên thông tin, số hóa quy trình đã có theo mô hình hoạt động đã có để cung cấp dịch vụ đã có, hệ thống máy tính và lưu trữ hồ sơ kỹ thuật số xuất hiện ở cuộc cách mạng này vẫn được áp dụng đến ngày nay. 

Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần 3, trên nền tảng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, kết hợp các công nghệ lại với nhau (Điện toán đám mây Cloud, dữ liệu lớn Big Data, trí tuệ nhân tạo A.I, chuỗi khối Blog chain, Internet vạn vật IoT, thực tế ảo VR.....) làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Số hóa toàn bộ cả một tổ chức, thay đổi quy trình mới với mô hình tổ chức mới, với phương thức cung cấp dịch vụ mới. 

Đặc biệt ứng dụng Chat GPT - 3.5 (Generative pre-training transformer), một Chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển có kho kiến thức mà Chat GPT đã học được trong một thời gian dài để hoàn thiện, có thể trò chuyện, trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi được đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì, với sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực do thu thập dữ liệu trên không gian mạng, các câu hỏi thắc mắc của người sử dụng đã được trả lời chỉ sau vài giây.

Hiện nay Chat GPT-4 đa phương thức đã ra mắt để tạo ra văn bản và hoạt động ở cấp độ con người (human level) với chất lượng đáp ứng nhu cầu người sử dụng hiệu quả hơn.

Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4 đã tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực như: Quản lý nhà nước, pháp luật, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thị trường lao động, giáo dục, an ninh quốc phòng, nguồn nhân lực, việc làm và các lĩnh vực khác của xã hội. Tác động đến các chủ thể là nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Ảnh hưởng liên quan đến mọi cấp độ quốc tế; khu vực, quốc gia, địa phương, liên quốc gia, xuyên quốc gia…

Bài viết này chỉ giới hạn trong phạm vi thương mại và trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp.

II.Tác động của Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4 đến pháp luật dân sự trong lĩnh vực thương mại.

“Số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số, trong khi đó, “Chuyển đổi số” là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem “Số hóa” như một phần của quá trình “Chuyển đổi số”.

Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4 tác động không những trên cơ sở nền tảng pháp luật của Việt Nam đã có, mà còn tác động trên các quan hệ quốc tế mà Việt Nam đã hội nhập rộng và sâu với các hiệp định song phương và đa phương đã có hiệu lực (AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEF, CPTPP…).   

Luật giao dịch điện tử 2005 sẽ được Quốc Hội ban hành Luật Giao dịch điện tử sửa đổi bổ sung trong thời gian ngắn sắp tới quy định phù hợp với tiến trình số hóa áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử như liên quan đến chữ ký điện tử, chữ ký số, chứng thư chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số công cộng, chứng từ điện tử, dữ liệu số, dữ liệu chủ, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu nội bộ, dấu thời gian, giao dịch điện tử, giao dịch điện tử tự động, hợp đồng điện tử, thông điệp dữ liệu…..Ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Hoạt động thương mại ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử kéo theo thanh toán điện tử…Cho nên pháp luật Việt Nam tùy theo tình hình cụ thể để sửa đổi hài hòa với các điều luật của Ủy ban LHQ về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL, Việt Nam là thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025), như Luật mẫu UNCITRAL về thương mại điện tử 1996, về chuyển đổi thông điệp điện tử 2017, Công ước Viên 1980 (CISG 1980) …….

Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại cũng phải tiếp cận thích ứng với các thay đổi rất nhanh việc áp dụng các công nghệ mới.

III. Tác động của Cách Mạng Công nghiệp lần 4 đến tố tụng trọng tài tại Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại.

 III.1. Trong lĩnh vực nộp đơn khởi kiện, cung cấp chứng cứ và chứng minh của các Bên tranh chấp.

- Nộp đơn khởi kiện: sẽ được đơn giản, nhanh chóng hơn rất nhiều, đơn khởi kiện và hồ sơ của Nguyên đơn được gửi đến Trung tâm trọng tài bằng các phương tiện điện tử được số hóa (Chữ ký điện tử và thông điệp dữ liệu được xác thực) thay vì làm bản giấy và gửi trực tiếp hoặc qua Bưu điện như hiện nay. Việc xác minh địa vị pháp lý của các Bên tranh chấp rất nhanh và hiệu quả, giảm đáng kể giấy tờ phải phát hành, tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm chi phí rất nhiều. Bên khởi kiện có thể gửi đơn kiện từ bất kỳ địa điểm nào (Trong nước hoặc ngoài nước), bất kỳ thời gian nào và Đơn kiện lại cũng tương tự, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian rất nhiều hỗ trợ các Bên tranh chấp sớm giải quyết các bất đồng để ổn định kinh doanh, góp phần phát triển kinh doanh và dịch vụ trong thời đại 4.0. 

- Cung cấp chứng cứ và chứng minh của các Bên Tranh chấp: Hiện nay Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 chỉ quy định “Dữ liệu điện tử” tại các Điều 93,94,95. Nội dung cũng chính là chứng cứ điện tử. Các chứng cứ lưu vết trên block Chain sẽ không thể bị chối bỏ hoặc lưu trữ trên Điện toán đám mây sẽ dễ dàng Back up khi cần thiết để chứng minh mà không cần mang theo cả thùng hồ sơ như hiện nay. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ- HĐTP ngày 30/12/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS Số 92/2015/QH13, Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản bằng phương tiện điện tử.

III.2. Trong lĩnh vực trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Trung Tâm Trọng Tài và Hội Đồng Trọng Tài.

Thời đại 4.0 sẽ ảnh hưởng lớn đến trình tự, thủ tục tố tụng thụ lý, giải quyết các tranh chấp thương mại theo quy tắc tố tụng của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại. Việc sử dụng thiết bị điện tử kỹ thuật số, mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội…sẽ để lại các dấu vết điện tử được ghi lại, lưu truyền dưới dạng dữ liệu điện tử như IP, logfile, domain, thời gian thực, không gian mạng, thư điện tử, nickname, chat, tin nhắn…đây là chứng cứ được lưu trữ lại trong bộ nhớ của các thiết bị kỹ thuật số một cách tự động, khách quan, tồn tại dưới dạng những tín hiệu điện tử, có thể nhận biết, phát hiện, bảo quản, và ghi lại không thể chối bỏ…hoặc in ra giấy, ảnh và có thể sử dụng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp.  Để sử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong việc tranh chấp, các Bên tranh chấp cần tuân thủ những quy định như việc thu thập dữ liệu điện tử phải hợp pháp; chứng cứ điện tử được sử dụng làm căn cứ trong quá trình tố tụng phải đảm bảo có liên quan và cần thiết, hợp pháp và tuân thủ các yêu cầu về thủ tục; bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và chính xác. Một thông tin được rút ra từ dữ liệu điện tử để được coi là chứng cứ phải đảm bảo thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Để đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ điện tử thì việc thu thập và đánh giá chứng cứ phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Về bản chất, chứng cứ điện tử có thể bị thay đổi, hư hỏng hoặc bị phá hủy do xử lý hoặc kiểm tra không đúng cách, do đó, cần phải có biện pháp phòng ngừa để có thể thu thập được đúng chứng cứ điện tử.

Như vậy việc chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Trung Tâm Trọng Tài và Hội Đồng Trọng Tài (Thông báo, thư mời, giấy triệu tập, phán quyết trọng tài, hồ sơ của các Bên Tranh chấp…) sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn, chính xác hơn giúp rút ngắn quá trình giải quyết tranh chấp.

Hội Trọng Tài Thương Mại Thành Phố Hồ Chí Minh cũng cần đầu tư Cổng thông tin điện tử Dịch vụ để phục vụ các Trung Tâm Trọng Tài, các Trung tâm trọng tài thương mại có thể dựa vào Cổng thông tin điện tử dịch vụ của Hội Trọng Tài Thương Mại để phục vụ triển khai tố tụng điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin đối với các bên tranh chấp (Bao gồm Luật sư, người phiên dịch, người làm chứng.....).

Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới (AI, VR….) trong công việc giải quyết tranh chấp như sử dụng mô hình tố tụng mẫu, trợ lý ảo (Ứng dụng AI để kết hợp tri thức hiện hữu và tri thức tiềm ẩn của Trọng tài viên)….để tham khảo trong việc giải quyết tranh chấp tại các Trung Tâm Trọng Tài được hiệu quả và nhanh chóng như những ưu điểm của Trọng tài Thương Mại đã có.

III.3. Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp: 

Các tài liệu, chứng cứ của các Bên tranh chấp sẽ được truyền tải rất nhanh cho Hội Đồng Trọng Tài và các Bên tranh chấp do sử dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho các Bên tranh chấp có thể tiếp cận nhanh chóng tiện lợi giúp việc giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hiệu quả. Một số Trung Tâm Trọng Tài bước đầu đã áp dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp, khi có sự đồng ý của các Bên tranh chấp, sẽ được giải quyết tranh chấp trực tuyến.

 Các Trọng tài viên cần áp dụng phần mềm "Trợ lý ảo" chuyên biệt trong giải quyết tranh chấp thương mại để hỗ trợ thực hiện tra cứu nhanh các văn bản pháp luật (Trong nước, ngoài nước, các Hiệp định thương mại), chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống tranh chấp cụ thể, quy định pháp luật, án lệ trong lĩnh vực thương mại, các phán quyết trọng tài có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo, áp dụng trong công tác giải quyết tranh chấp.

  Trong tương lai tài sản số (NFT Non Fungible Token, là một đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số blockchain) cũng là một thách thức lớn trong giải quyết tranh chấp thương mại.

Thương mại điện tử ngày càng phát triển, trên thế giới có 2.14 tỷ người tham gia đạt tới mức 5.55 nghìn tỷ USD năm 2022, đứng đầu là Trung quốc (52.1%) rồi đến Mỹ và Anh quốc. Tại Việt Nam Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Tốc độ tăng trưởng (2020). Do đó pháp luật sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Các tranh chấp thương mại điện tử trong tương lai sẽ được giải quyết nhanh chóng khi hệ sinh thái pháp luật tương thích được ban hành. Việc giải quyết tranh chấp theo phương thức ngoài tòa án sẽ giúp các Bên thuận lợi trong việc tham gia giải quyết tranh chấp từ việc đi lại đến cung cấp hồ sơ chứng cứ, giảm đáng kể chi phí tố tụng của thương mại điện tử Việt Nam nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia …

IV. Những cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với tố tụng trọng tài trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại.

IV.1. Cơ hội:

Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội, giúp cho hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại tiếp cận thông tin, tri thức, các công nghệ tiên tiến, cung cấp các phương pháp tổng thể, liên kết toàn diện hơn cho hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại. Các công nghệ mới giúp kiểm soát hiểu rõ hơn mọi khía cạnh của hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại, cho phép sử dụng dữ liệu tức thời để phát triển, cải thiện quy trình và giải quyết nhanh chóng các tranh chấp phát sinh.

IV.2. Thách thức:

Mỗi loại thiết bị điện tử đều có những đặc điểm cụ thể riêng, đòi hỏi phải áp dụng các quy trình chính xác và phù hợp nên việc áp dụng phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thích hợp để thực hiện. Việc triển khai cũng phải dựa vào việc hoàn thiện nền tảng pháp lý điện tử trong nước cũng như ngoài nước.

Thách thức về việc ứng dụng AI để tạo hồ sơ giả một cách tinh vi qua công nghệ DeepFake, là kết hợp của “deep learning” (học kỹ, sâu) và “fake” (giả mạo), làm khó khăn khi giải quyết tranh chấp.

Các Trọng Tài Viên cũng phải nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin khi tham gia giải quyết tranh chấp.

TRACENT cũng đã đưa vào kế hoạch 5 năm (2023-2028) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và đào tạo nội bộ để thích ứng trong thời gian tới. Hàng tháng tổ chức Café thứ 7 tại VP Tracent tại Liên Hiệp các Hội Khoa Học và Kỹ thuật Thành Phố Hồ Chí Minh nhằm trao đổi kinh nghiệm và thảo luận việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0.

Kết Luận

Thời đại 4.0 là một quá trình dài sẽ trải qua nhiều thập kỉ ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống xã hội nói chung, hoạt động thương mại nói riêng trong đó tranh chấp thương mại cũng không ngoại trừ. Với các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng nhanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ giúp hoạt động thương mại cũng như giải quyết tranh chấp thương mại tiếp cận nhanh chóng thông tin và xử lý thông tin hiệu quả. Là cuộc chuyển đổi từ môi trường thực vào môi trường số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, Trung Tâm Trọng Tài cũng cần phải lập kế hoạch dài hạn về lộ trình để thích hợp với sự thay đổi rất nhanh về công nghệ phù hợp với các quy định trong nước cũng như quốc tế để việc giải quyết tranh chấp thương mại ngày càng hiệu quả.

 

Tác giả:   Ths. Vũ Trọng Khang,

Chủ Tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại   TP.HCM  ( TRACENT)

Tổng Thư Ký Hội Trọng Tài Thương Mại TP.HCM (HCCAA)

 

Tài liệu tham khảo:

1. Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật giao dịch điện tử ( Sửa đổi), hội thảo tổ chức bởi UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2023.

2. Bộ Thông tin và Truyền Thông, Cục Tin Học Hóa, Cẩm nang chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2022.

3. Trần văn Biên, Luật dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà xuất bản khoa học xã hội, Viện nhà nước và pháp luật. 2021

4. Nguyễn Thị Quế Anh, Ngô Huy Cương (đồng chủ biên),Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018.

5. Trương Hồ Hải, Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến hoạt động lập pháp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 427+428, tháng 2/2021.

6. Đỗ Văn Đại, “Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoạt động giải quyết tranh chấp tại Tòa án và ngoài Tòa án ở Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 19 (2018).

7. Trần Văn Hoà, Vấn đề chứng cứ điện tử, Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXb Chính trị quốc gia, 2016, Hà Nội.

8. Luật giao dịch điện tử 2005

Internet và các nguồn khác:

1. Chuỗi hội thảo trực tuyến về Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài năm 2020, năm 2021, năm 2022 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

2. Web Site của Trung tâm trọng tài thương mại hội luật gia Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam trong lĩnh vực thương mại" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin