Sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp năm 2012 là yêu cầu cấp thiết

20/11/2019 07:20

Chiều nay (19/11), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tại Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long)

Góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, qua hơn 5 năm thi hành Luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn, nhờ đó, thể chế về giám định tư pháp ngày càng được hoàn thiện.

Hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển.Hoạt động quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả.

Công tác giám định tư pháp có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản, nền nếp, nhất là trong những lĩnh vực có hệ thống tổ chức giám định và giám định viên chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự; công tác giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác như ngân hàng, tài chính, xây dựng, tài nguyên và môi trường... cũng được tăng cường.

“Về cơ bản, hoạt động giám định tư pháp đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập.

Cụ thể, chưa có quy định về thời hạn giám định trong trường hợp cần thiết trưng cầu giám định nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài. Trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định chưa được quy định cụ thể. Thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thông tin, phối hợp với các cơ quan quản lý cấp tỉnh và cấp trung ương để đánh giá nhu cầu, bảo đảm hiệu quả quản lý công tác giám định tư pháp.

“Trước tình hình nêu trên, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để tăng cường chất lượng của hoạt động giám định tư pháp nói chung và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp năm 2012 là yêu cầu cấp thiết”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp, trách nhiệm quản lý, lập và công bố danh sách người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thực hiện giám định; cơ chế phối hợp trong trưng cầu, tiếp nhận và thực hiện vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; thời hạn giám định. Cũng như yêu cầu đối với nội dung trưng cầu và kết luận giám định; tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hoạt động giám định tư pháp; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định; việc áp dụng quy định của Luật này trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra.

Quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng

Để khắc phục vướng mắc các vụ việc cần trưng cầu giám định mà có nội dung chuyên môn liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định, trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định. Trong trường hợp không thể tách riêng để trưng cầu thì người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định trong Quyết định trưng cầu giám định.

Về thời gian giám định, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thời hạn giám định đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Còn thời hạn giám định đối với các trường hợp cần thiết khác tối đa là 3 tháng. Trong trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn hoặc điều kiện thực hiện giám định có khó khăn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng. “Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng phải bảo đảm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật về tố tụng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan trưng cầu và cá nhân, tổ chức được trưng cầu, để nâng cao trách nhiệm của bên trưng cầu và bên được trưng cầu, khắc phục tình trạng trưng cầu giám định không rõ ràng hoặc né tránh thực hiện giám định, theo Bộ trưởng Lê Thành Long dự Luật đã sửa đổi, bổ sung, người trưng cầu giám định có nghĩa vụ xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp. Tổ chức được trưng cầu có trách nhiệm phân công, bảo đảm thời gian thực hiện giám định cho người đã được phân công. Người giám định có trách nhiệm kết luận rõ ràng, nhận xét, đánh giá cụ thể về chuyên môn những nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, dự Luật cũng quy định rõ việc Bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý, phân công đơn vị đầu mối thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giúp tham mưu trong công tác giám định tư pháp. Quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng: Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/trong-nuoc/sua-doi-bo-sung-luat-giam-dinh-tu-phap-nam-2012-la-yeu-cau-cap-thiet-480263.html

Bạn đang đọc bài viết "Sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp năm 2012 là yêu cầu cấp thiết" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin