Một nội dung mới của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư... Tuy còn ý kiến trái chiều, nhưng đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ hướng mở rộng này.
Kiểm soát tài sản của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc
Điểm mới của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có trách nhiệm ban hành quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, quy định về kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định đó.
Đồng thời, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phải thực hiện việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ trong doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cổ đông, người góp vốn, người gửi tiền.
Căn cứ quy định của luật này, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phải ban hành quy định việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các đơn vị thành viên.
Ban kiểm soát trong các tổ chức này thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ như trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát trong kiểm soát tài sản, thu nhập do công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư quy định cho phù hợp.
Ban soạn thảo còn đề xuất, trong phạm vi chức năng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và các luật có liên quan, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra cấp tỉnh tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư...
Chặn tham nhũng ở khu vực tư có dễ?
Thống nhất việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhìn nhận, đây là điểm nổi bật trong lần sửa đổi luật này, phù hợp với công ước quốc tế và chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước. Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách. Nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước.
“Đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư, như tại Công ty cho thuê tài chính ALCII, hoặc các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng, của khách hàng gửi tiền... Đây mới chỉ là bước đầu nên luật tập trung vào phòng, chống tham nhũng tại các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, các quỹ… là phù hợp, vì kinh nghiệm cho thấy tham nhũng xảy ra tại các đơn vị này ảnh hưởng đến nhiều người”, ông Hàm nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng, dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá tác động toàn diện, đồng thời cân nhắc thận trọng các quy định để các cơ quan nhà nước, thanh tra thực hiện pháp luật, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị không nên điều chỉnh sang lĩnh vực ngoài nhà nước. Luật giao cho cơ quan thanh tra, cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định do doanh nghiệp tự ban hành là chưa phù hợp, dễ gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cũng có thể lạm quyền. Nếu người đứng đầu doanh nghiệp không hợp tác thì cũng rất khó thanh tra...
Chia sẻ quan điểm của ban soạn thảo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: để từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, trước mắt cần lựa chọn những tổ chức, doanh nghiệp mà trong mô hình quản trị có nguy cơ cao phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Trên cơ sở đó bắt buộc các chủ thể phải thực hiện một số biện pháp phòng, chống tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Các quy định áp dụng theo dự thảo luật đối với nhóm chủ thể này là các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư tập trung vào việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.
“Qua rà soát cho thấy, các đạo luật chuyên ngành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng... ở mức độ nhất định đã có quy định nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý, điều hành nhưng chưa rõ và đầy đủ. Vì vậy cần đưa vào quy định để áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các chủ thể này. Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội thống nhất việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước”, ông Khái khẳng định.
Theo Đầu tư Chứng khoán