Quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong RCEP

23/03/2021 08:53

Vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid 19…

Thành viên tham gia Hiệp định bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Niu Di-lân. Hiệp định RCEP bao gồm 20 Chương và các Phụ lục. So với các hiệp định tự do thương mại khác, RCEP có Chương 14 gồm các điều từ 14.1 đến 14.5 quy định riêng về doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(Ảnh: Internet)

Tại chương này của Hiệp định, vai trò vị thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ đã được thừa nhận có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, việc làm và đổi mới. Các Bên cũng thừa nhận các quy định tại các Chương khác nhau trong Hiệp định là góp phần khuyến khích và tạo thuận lợi cho sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Hiệp định này. Mục tiêu là tìm cách thúc đẩy chia sẻ thông tin và hợp tác trong việc tăng cường khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc sử dụng và hưởng lợi từ các cơ hội được tạo ra bởi Hiệp định.

Về chia sẻ thông tin, theo Hiệp định, các cơ quan của chính phủ phải thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, thực hiện các bước hợp lý để đảm bảo rằng các thông tin dưới đây được cập nhật chính xác, để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể truy cập công khai: (a) toàn văn của Hiệp định; (b) thông tin về các luật và quy định liên quan đến thương mại và đầu tư có liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và (c) thông tin bổ sung liên quan đến kinh doanh hữu ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quan tâm đến việc tận dụng các cơ hội do Hiệp định mang lại.

Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nắm bắt cơ chế chia sẻ thông tin này, chủ động và tích cực thông qua các kênh chính thống khác nhau để tìm hiểu, nhằm có được các thông tin cập nhật, chính xác, hữu ích trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trong quá trình tham gia Hiệp định. Trong đó các thông tin liên quan đến quy tắc xuất xứ nội khối, tiêu chí xuất xứ theo hiệp định, một quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây, thông tin về cạnh tranh, môi trường, cơ chế giải quyết tranh chấp…theo RCEP rất đáng được doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu.

Về hợp tác, bao gồm các nội dung: (a) khuyến khích thực hiện hiệu quả và có hiệu lực các quy tắc và quy định thương mại thuận lợi và minh bạch; (b) cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp; (c) thúc đẩy việc sử dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (d) tìm hiểu các cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong các chương trình kinh doanh của các bên; (e) khuyến khích đổi mới và sử dụng công nghệ; (f) thúc đẩy nhận thức, hiểu biết và sử dụng hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (g) thúc đẩy các thông lệ quản lý tốt và nâng cao năng lực trong việc xây dựng các quy định, chính sách và chương trình góp phần phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; và (h) chia sẻ các thông lệ tốt nhất về nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về phát triển bền vững, một trong các chức năng của Ủy ban phát triển bền vững trong Hiệp định sẽ xem xét mọi vấn đề phát sinh từ hoặc liên quan đến việc thực thi hoặc hoạt động của Chương 14 Hiệp định về doanh nghiệp vừa và nhỏ, thảo luận các giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa giữa các bên tham gia Hiệp định.

RCEP có thể sẽ mất khoảng 18 tháng để các bên tham gia ký kết thông qua. RCEPsẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định; sẽ có hiệu lực đối với các nước còn lại sau 60 ngày kể từ ngày nước này hoàn tất các thủ tục trong nước. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chủ động có bước đi phù hợp nhằm tận dụng tốt cơ hội chia sẻ thông tin và hợp tác từ RCEP như đã nêu trên.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/quy-dinh-ve-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-rcep.html

Bạn đang đọc bài viết "Quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa trong RCEP" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin