Phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức

29/09/2021 08:19

Đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã khẳng định “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống” và “Tham nhũng kinh tế làm mất tiền bạc, nhưng suy thoái, tiêu cực không chỉ làm mất cán bộ mà nặng hơn là làm giảm uy tín của Đảng, thậm chí có thể làm mất chế độ,… Tiền mất có thể thu hồi lại. Cán bộ mất phẩm chất chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô cùng…”(1).

Khái niệm “tiêu cực” được sử dụng phổ biến trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, nhưng chưa có văn bản nào quy định, giải thích cụ thể tiêu cực. Theo Từ điển Tiếng Việt, khái niệm “tiêu cực” dùng để chỉ những hiện tượng không lành mạnh, có tác dụng phủ định, cản trở, không tốt đối với quá trình phát triển của xã hội; trái với tích cực(2). Khái niệm “tiêu cực” trong công tác cán bộ là nhận thức, thái độ, hành vi không lành mạnh; những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Từ nhận thức này và qua thực tiễn phát hiện, xử lý các vi phạm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có thể khái quát: Tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những biểu hiện, hành vi trái với các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy chế, điều lệ của các tổ chức hội, đoàn thể; các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

2-1632878345.jpg

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp Trường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021 (ảnh Tạ Anh Hưng)

Thực tiễn chỉ ra rằng, tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Tham nhũng nói riêng, và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, trọng tâm của đấu tranh phòng, chống tiêu cực chính là đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác PCTN phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định (số 32-QĐ/TW) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Để góp phần triển khai có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, bài viết này bước đầu hệ thống hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tiêu cực. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực trong thời gian tới.

1. Các hành vi tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các văn bản của đảng, nhà nước.
 
1.1. Quy định của Đảng về các hành vi tiêu cực
 
Trên cơ sở Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “… Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái”, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành một số quy định, như: Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm (quy định 19 nhóm hành vi); Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên (03 nhóm hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên); Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (xác định hơn 380 hành vi vi phạm kỷ luật Đảng của cán bộ, đảng viên); Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (quy định 08 nhóm hành vi mà cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống); Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (03 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong công tác cán bộ đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ tham mưu, đề xuất và nhân sự; 05 nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền và 08 nhóm hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và chế tài xử lý...).
 
Căn cứ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, có thể nhận diện một cách khái quát những hành vi tiêu cực như sau: 
 
Các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị: (1) Hoài nghi, thiếu tin tưởng, lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (2) Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm; làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; (3) Không chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức; trong tự phê bình và phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm, nể nang, né tránh, ngại va chạm; (4) Nói, viết không đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát ngôn chưa mang tính xây  dựng, thiếu khách quan khi nói về thực trạng đất nước, nhìn nhận, đánh giá không biện chứng, chỉ thấy mặt tiêu cực, chưa thấy hết mặt tích cực; nói không đi đôi với làm; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu; (5) Tham vọng quyền lực; (6) Tư duy nhiệm kỳ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích. 
 
Các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống: (1) Chủ nghĩa cá nhân; lối sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh; (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ; cục bộ, bè phái; tranh chức, tranh quyền; (3) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; (4) Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra đôn đốc; thờ ơ, vô cảm; (5) Vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công lãng phí, vượt quy định; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động; (6) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi; nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà, “tham nhũng vặt”; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; (7) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền; để người thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi; (8) Vi phạm các tệ nạn xã hội, đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, nghiện ma túy; tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp.
 
1.2. Quy định của Nhà nước về các hành vi tiêu cực
    
Qua rà soát các văn bản pháp luật (124 luật, nhất là Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức) cho thấy có hơn 1.000 hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức (cả hành chính và hình sự), tập trung vào 05 nhóm hành vi sau: (1) Vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức (có 33 hành vi); (2) Vi phạm các quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm (có 14 hành vi); (3) Vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống (có 11 hành vi); (4) Vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ (có hơn 950 hành vi được quy định trong 120 đạo luật); (5) Vi phạm pháp luật hình sự.
 
Thực tiễn công tác phát hiện, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thời gian qua đã chỉ ra các nhóm hành vi vi phạm chủ yếu là: (1) Vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; mất đoàn kết nội bộ; (3) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; (4) Vi phạm trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền; (5) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; (6) Nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; (7) Vi phạm các quy định về quản lý tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản…; (8) Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản…; (9) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi; (10) Cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi; “lợi ích nhóm”;…
 
2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực trong thời gian tới
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong tình hình mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
 
Một là, phổ biến, quán triệt những điểm mới Quy định (số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Theo đó, công tác PCTN phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Xác định rõ phạm vi, trọng tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới là chỉ đạo công tác PCTN, phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
 
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống tiêu cực, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để phòng, chống tiêu cực. Trước mắt, cần tập trung xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Về lâu dài, cần nghiên cứu, xây dựng nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tiêu cực, làm cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng triển khai thực hiện.
 
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức với tinh thần “không tiêu cực” trong thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực thi hoạt động công vụ. Phải coi công tác phòng, chống tiêu cực là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tiêu cực, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Phê phán, lên án tích cực đối với mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực.
 
Bốn là, hoạt động phòng, chống tiêu cực phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, từ Trung ương xuống địa phương với quyết tâm cao. Nhận diện rõ và đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các hành vi, biểu hiện tiêu cực, nhất là các hành vi, biểu hiện tiêu cực phổ biến, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, diễn ra trong những ngành, lĩnh vực nhạy cảm. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu và kiểm soát quyền lực. Phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm đối với các hành vi bao che cho tiêu cực, trả thù, trù dập người tố cáo tiêu cực.
 
Năm là, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực. Trong đó, người đứng đầu phải quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp, có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi tiêu cực. 
 
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, những nơi có vấn đề nổi cộm, gây bức xúc cho xã hội và kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; giúp nhận dạng cụ thể các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật Nhà nước và xử lý hình sự đối với cán bộ vi phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

(1) Phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Cuộc họp Trường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021 và tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo ngày 05/8/2021.

(2) Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Nxb Hồng Đức, tr.1254.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202109/phong-chong-tieu-cuc-trong-can-bo-dang-vien-cong-chuc-vien-chuc-310119/

Bạn đang đọc bài viết "Phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin