Pháp luật điều chỉnh hoạt động thiện nguyện: Qui định của một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

01/10/2021 11:51

(Pháp lý) – Thời gian vừa qua, “hoạt động thiện nguyện” là cụm từ khóa được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn báo chí , mạng xã hội và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Bên cạnh những mặt tích cực là chính mà hoạt động từ thiện đem lại, cũng đã nảy sinh bất cập , có dấu hiệu lợi dụng hoạt động này để trục lợi. Nghiên cứu các qui định pháp luật điều chỉnh hoạt động này ở Việt Nam so với một số nước trên thế giới, thấy còn nhiều qui định bất cập, khuyết thiếu, rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đưa hoạt động thiện nguyện đạt được mục đích cao cả, không để cho một số đối tượng lợi dụng.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn hoạn nạn. Những năm gần đây, hoạt động từ thiện được thực hiện dưới nhiều hình thức, quy mô và ngày càng thu hút nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện và các tổ chức tham gia, lan tỏa được những giá trị tốt đẹp trong xã hội. 

image001-1633063823.jpg
Nhiều nghệ sĩ Việt làm từ thiện thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà hoạt động thiện nguyện đem lại, thời gian gần đây nổi cộm lên nhiều thông tin lùm xùm về việc các nghệ sĩ (người nổi tiếng) làm từ thiện không minh bạch. Bởi vì sau khi nhận được tiền ủng hộ từ công chúng, các nghệ sĩ chỉ cung cấp được một số rất ít các giấy tờ ghi chép sơ sài, không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hoặc nơi tiếp nhận nguồn tài trợ. Cũng không hiếm các trường hợp, cố tình lợi dụng hoạt động từ thiện nhằm trục lợi, đánh bóng tên tuổi hoặc phục vụ cho mục đích, động cơ thiếu trong sáng. 

Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/9 vừa qua Phòng Cảnh sát hình sự (PC02, Công an TPHCM) vừa có văn bản gửi Văn phòng cơ quan CSĐT (PC01), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an 21 quận, huyện và Công an TP.Thủ Đức về việc phối hợp rà soát, xử lý những cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản. Phòng PC02 đề nghị các đơn vị nghiệp vụ liên quan cần phối hợp thực hiện 2 vấn đề.

Thứ nhất, rà soát đánh giá tình hình các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện trên địa bàn từ năm 2020 đến nay. Nếu có, thống kê cụ thể: Tên cá nhân, tổ chức, quy mô, cơ cấu tổ chức, mục tiêu hoạt động, cơ sở pháp lý.

Thứ hai, là kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản (có số liệu cụ thể kèm theo).

Trước đó, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/9, trung tướng Tô Ân Xô - chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định: nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan công an. Khi đó các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định. Tướng Xô khẳng định khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động từ thiện tại Việt Nam

Căn cứ theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm: (1) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; (2). Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định; (3). Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Như vậy, các chủ thể có quyền vận động, kêu gọi, đóng góp tiền, hàng cứu trợ là: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Các cơ quan thông tin đại chúng… Việc đứng ra kêu gọi tiền cứu trợ trong trường hợp với tư cách là cá nhân thì không phải là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Nghị định này chỉ điều chỉnh việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp của các cá tổ chức, đơn vị trong các quỹ được Nhà nước quy định. Còn cá nhân ủy thác việc gửi tiền, vật phẩm cho người khác đi làm từ thiện thì không chịu sự điều chỉnh của văn bản này. 

Tuy nhiên, dù không chịu sự điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì cá nhân khi kêu gọi, vận động, tiếp nhận hàng hóa, vật phẩm, tiền từ thiện của công chúng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Đây được xác định là quan hệ dân sự, trong trường hợp này chỉ là người đại diện theo ủy quyền của người có tài sản, có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên cho sang cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận, cam kết trước đó. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản nào thì thuộc về chủ sở hữu tài sản đó. Khi chủ sở hữu đồng ý chuyển tài sản đó cho người khác hưởng thụ thì người hưởng thụ sẽ được sở hữu hoa lợi, lợi tức đó. 

Quá trình sử dụng tiền ủng hộ phải được công khai theo Điều 14 Nghị định 64/2008/NĐ-CP (Điều 9 Thông tư 72/2008/TT-BTC hướng dẫn). Điều 7 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ như sau “Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định tại khoản 2 Điều này.”

Cũng theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng tiền, hàng đóng góp phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai, nghiêm cấm sử dụng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi. Nếu cá nhân đứng ra kêu gọi làm từ thiện nhưng không sử dụng đúng mục đích như ban đầu đã cam kết với người ủng hộ, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định được có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, tiền bạc thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4 Điều 174 hoặc tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

image002-1633063823.jpg
 

Chính vì bất cập này mà nhiều ý kiến cho rằng hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện hiện nay như một tấm áo quá chật, do vậy đã đến lúc Chính phủ cần có tổng kết xem các quy định trong Nghị định 64/2008/NĐ-CP còn phù hợp thực tiễn hay không? Thực tế, Nghị định 64 đã được Chính phủ ban hành từ năm 2008, do đó Nghị định này đang có những quy định lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn thi hành. Chính sự hạn chế về quyền được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân này đã gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ. Đồng thời cũng tạo ra những “khoảng trống” pháp lý trong điều chỉnh cho những cá nhân tự đứng ra vận động quyên góp, dễ có thể nảy sinh động cơ trục lợi từ nguồn hàng, tiền cứu trợ….

Theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng tiền, hàng đóng góp phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai, nghiêm cấm sử dụng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi. Nếu cá nhân đứng ra kêu gọi làm từ thiện nhưng không sử dụng đúng mục đích như ban đầu đã cam kết với người ủng hộ, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định được có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, tiền bạc thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4, Điều 174 hoặc tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Qui định pháp luật của một số nước

Theo Luật Phi lợi nhuận ở Anh và xứ Wale, Quỹ tín thác là một tổ chức được hình thành để nắm giữ và quản lý tài sản vì lợi ích của người khác. Quỹ tín thác phải theo đuổi mục đích từ thiện và được quản lý bởi những người được ủy thác. Theo Đạo luật từ thiện năm 2011, cơ quan được ủy thác có thể nộp đơn lên Ủy ban từ thiện để xin giấy chứng nhận thành lập. Một cơ quan được hợp nhất của những người được ủy thác là một pháp nhân, nhưng không có giới hạn thông thường của công ty về trách nhiệm pháp lý. Việc thành lập cho phép quỹ ủy thác thực hiện các chức năng cụ thể, ví dụ: nắm giữ tài sản, ký kết hợp đồng, khởi kiện và bị kiện - dưới danh nghĩa của chính nó chứ không phải dưới danh nghĩa của những người được ủy thác. 

Vẫn theo luật này, tài sản của một tổ chức từ thiện, sau khi giải thể, phải được chuyển đến một tổ chức từ thiện khác theo đuổi cùng mục đích hoặc tương tự. Điều này được quy định tại điều khoản giải thể trong các văn bản quản lý của tổ chức từ thiện. Ngoài ra, cả tòa án và Ủy ban từ thiện quốc gia đều có quyền can thiệp rộng rãi vào công việc của một tổ chức từ thiện để bảo vệ tài sản của tổ chức từ thiện và ủy thác việc chuyển giao tài sản đó, đảm bảo rằng nó tiếp tục được áp dụng cho các mục đích từ thiện (Đạo luật từ thiện năm 2011 Phần 6).

Tại Ấn Độ, khung pháp lý quản lý xã hội dân sự ở Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng và có một số quy định ảnh hưởng đến việc quản lý, tài trợ và đánh thuế đối với các tổ chức phi lợi nhuận ở Ấn Độ. Báo cáo Luật Từ thiện tại Ấn Độ năm 2019 của Trung tâm Quốc tế về Luật Phi lợi nhuận đã chia sẻ về nội dung này, nêu bật các phát triển pháp lý gần đây và phân tích tác động của chúng đối với hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận ở Ấn Độ. Cụ thể, sẽ mất khoảng 3-4 tháng để đăng ký hình thành một tổ chức phi lợi nhuận, người được ủy thác và cán bộ của tổ chức phi lợi nhuận đó phải chấp hành yêu cầu kê khai tài sản của họ theo Đạo luật Lokpal và Lokayuktas năm 2013. Các tổ chức, cá nhân đã đăng ký theo phải đối mặt với những hạn chế về việc sử dụng tiền mặt, chủ yếu họ phải thanh toán qua các giao dịch điện tử để cơ quan chức năng có thể kiểm duyệt dễ dàng nếu như có dấu hiệu vi phạm (tất nhiên sự kiểm duyệt này được thực hiện theo các thủ tục rất nghiêm ngặt để không vi phạm vào quyền con người của công dân). 

Ở Canada, các tổ chức từ thiện, cá nhân tự vận động làm từ thiện đều phải đăng ký với cơ quan Nhà nước, có một số quy định của pháp luật hướng đến việc điều chỉnh các khía cạnh của hoạt động từ thiện, ví dụ như Đạo luật Bảo tồn Mục đích Từ thiện quy định rằng các khoản đóng góp từ thiện phải được sử dụng đúng với mục đích ban đầu mà người tiếp nhận nguồn hàng, tiền cứu trợ đã cam kết với cộng đồng. 

Tại Trung Quốc, hoạt động từ thiện được gọi bằng một cái tên là “ngành công nghiệp từ thiện” kể từ năm 2008. Khi ngành công nghiệp từ thiện của Trung Quốc ngày càng phát triển, các tổ chức xã hội có uy tín và những nhân vật của công chúng có lòng từ thiện ngày càng tích cực làm từ thiện, những hoạt động này một bộ giúp cho cho xã hội dân sự phát triển theo hướng những người có điều kiện giúp, hỗ trợ phần nào những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng; tuy nhiên cũng không ít các vụ bê bối cũng xuất hiện để làm xấu đi nghĩa cử đáng khích lệ này. Trong nỗ lực khôi phục sự tín nhiệm đó, các nhà lập pháp đã cố gắng điều chỉnh một cách có trách nhiệm ngành công nghiệp từ thiện để hoạt động này được tiếp tục lan tỏa, do vậy mà hợp pháp hóa ngành từ thiện bắt đầu xuất hiện. Việc hợp pháp hóa ngành từ thiện đã thúc đẩy sự phát triển của ngành (trong khuôn khổ quy định) và khuyến khích mọi người trên toàn quốc tham gia vào các hoạt động từ thiện. 

Ngày 01/9/2016, Luật Từ thiện của Trung Quốc chính thức có hiệu lực thi hành, văn bản pháp luật này đóng vai trò như một bàn đạp để thảo luận về cách tốt nhất để thực hiện các hoạt động từ thiện ở Trung Quốc. Luật cũng đưa ra các vấn đề về các khái niệm cần được định nghĩa, chẳng hạn như “gây quỹ từ thiện”, “quỹ từ thiện” và “công bố thông tin”… 

Các tổ chức xã hội đã lấp đầy chỗ trống và khắc phục những khiếm khuyết trong lĩnh vực công, bằng cách lồng ghép và huy động các nguồn lực xã hội một cách tối ưu. Hiện nay, các tổ chức xã hội của Trung Quốc bao gồm nhiều lĩnh vực, bao gồm xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người già và trẻ mồ côi, chăm sóc người bệnh, giúp đỡ người tàn tật, cứu trợ thiên tai... Theo Điều 8 của Luật Từ thiện, tổ chức từ thiện là “tổ chức phi lợi nhuận được thành lập hợp pháp đáp ứng các yêu cầu quy định tại Luật này và nhằm thực hiện các hoạt động từ thiện trong xã hội”; "Một tổ chức từ thiện có thể thông qua các hình thức quỹ, nhóm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ xã hội".

Trung Quốc hiện đã có những hạn chế rất chặt chẽ đối với hành vi gây quỹ của các tổ chức xã hội. Luật Từ thiện quy định rằng chỉ những tổ chức từ thiện có đủ điều kiện gây quỹ công cộng cần thiết mới được phép thực hiện hoạt động đó. Hơn nữa, với các phương pháp gây quỹ mới được cung cấp bởi Internet, Trung Quốc đã phát triển một nền tảng thông tin từ thiện (đã có 21 nền tảng trực tuyến được chấp thuận để gây quỹ), theo đó tất cả các đầu vào có liên quan sẽ được công bố, theo chỉ định của Bộ luật Dân sự của Quốc vụ viện.

Ở Mỹ, hoạt động từ thiện cũng được cảnh báo tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, vì có không ít tỉ phú dựa vào hoạt động từ thiện để mở rộng tài sản quyền lực tư nhân của họ. Cách mà hoạt động từ thiện đang bị lạm dụng chủ yếu là sử dụng tài sản và quyền lực đáng kể của họ để phá hoại các thể chế dân chủ và áp đặt các quy tắc của nền kinh tế theo hướng có lợi cho họ. Tỉ phú Bill Gates, người có tài sản ròng trị giá 103 tỷ đô la vào tháng 4 vừa qua, khi The Post bắt đầu cuộc khảo sát, ông đã dẫn đầu một chiến dịch công khai toàn bộ tiền ủng hộ trong thời kỳ đại dịch COVID-19, cho đến nay ông đã chi khoảng 300 triệu đô la thông qua Quỹ Bill và Melinda Gates. Quỹ này, đã cung cấp hơn 50 tỷ đô la tài trợ kể từ khi thành lập tập trung việc đầu tư các nguồn lực vào những nơi mà chính phủ không thể và các tập đoàn không tiếp cận đến. 

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Hiện nay khung pháp lý điều chỉnh hoạt động từ thiện ở nước ta vẫn còn nhiều khoảng trống, gây khó khăn cho cả người thực hiện hoạt động tiếp nhận nguồn viện trợ, cũng như sự vào cuộc của cơ quan chức năng khi có dấu hiệu “bất thường” trục lợi xảy ra. Do đó, trong thời gian tới đây, ngoài việc cần sửa đổi, bổ sung kịp thời những văn bản quy định , thì cũng cần hướng dẫn chi tiết để kiểm soát các hoạt động từ thiện. 

Để hoạt động từ thiện không diễn ra một cách tự phát, các tổ chức, cá nhân muốn kêu gọi quyên góp từ thiện phải có trách nhiệm đăng ký với cơ quan chức năng về việc thành lập và kế hoạch triển khai, phải chấp hành yêu cầu kê khai các tài sản, nguồn tiền, hàng cứu trợ và có thể sẽ chịu những hạn chế nhất định trong giao dịch tiền mặt tại thời gian đang làm hoạt động từ thiện.

Vấn đề hiện nay, khi chưa kịp có luật điểu chỉnh về hoạt động từ thiện của các tổ chức, cá nhân “tự phát” thì trách nhiệm giải trình công khai cần được đặt lên hàng đầu, như cách mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đang làm, nếu không thể thực hiện được trách nhiệm giải trình, cần có hướng xử lý hình sự để ngăn chặn các trường hợp có ý đồ muốn lợi dụng hoạt động thiện nguyện để trục lợi.

Việc sớm ban hành khung pháp lý chặt chẽ đối với hoạt động này là rất cần thiết, để bảo vệ những nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong động đồng, bảo vệ những người làm từ thiện chân chính, đồng thời có cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng hoạt động thiện nguyện để trục lợi cá nhân.

Vũ Thủy
 

Bạn đang đọc bài viết "Pháp luật điều chỉnh hoạt động thiện nguyện: Qui định của một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin