Hồi nhỏ, tôi chờ Tết như chờ một điều thần kỳ, còn giờ, tôi sợ Tết.
Tôi không biết từ bao giờ đã thấy mình sợ Tết. Tôi cũng không biết vì sao các con tôi bây giờ chỉ thấy Tết như là một kỳ nghỉ. Hồi bằng tuổi con gái út của mình, tôi đợi Tết như chờ một sự kiện thần kỳ. Khi tôi sáu tuổi rưỡi, đó là cái Tết xa nhất mà tôi còn nhớ nổi. Tết năm Canh Thân 1980.
Những năm trước đó tôi chưa đủ lớn để có một khái niệm đầy đủ về ngày Tết. Bởi vậy mà năm đó, từ trước Tết cả tháng, tôi đã sốt sình sịch mỗi khi ai đó nhắc đến cái từ Tết. Chợ Quỹ Nhất ngày phiên cuối năm cách nhà cả hơn chục cây số nhưng tôi cũng nằng nặc theo bà ngoại lội gió bấc mà đi.
[caption id="attachment_135080" align="aligncenter" width="410"] Tết là một câu chuyện cổ tích với cuộc đời bé con của tôi. Ảnh minh họa[/caption]
Bà tôi làm hàng xáo, cả đêm xay thóc dưới nhà ngang cho kịp mẻ nếp cái hoa vàng mang theo đến chợ. Hơn 3 giờ sáng, khi chiêc cối ngừng quay cho yên ắng trở về và để tôi thức giấc thì ở nhà trên, ông ngoại cũng trở dậy lom rom diêm đóm mà châm điếu thuốc lào. Cả tháng này ông tôi thường dậy sớm để chăm dò lan Trần Mộng. Ông bảo phải làm sao để nó nở hoa vào đúng sớm mồng Một. Đầu năm xem lan nở người ta sẽ không còn sợ hãi.
Sáu tuổi rưỡi, tôi có nhiều nỗi sợ nhưng mọi sợ hãi đều không thể kìm nổi sự mong muốn đi chợ Tết của tôi. Trời chưa hửng sáng, bà cháu tôi đã vội lên đường theo ngôi sao lấp lánh cuối trời để đi về phía biển. Ở đó, phiên chợ 29 Tết sắp sửa mở ra.
Chợ phiên mờ sáng đã kín người. Bà gửi tôi dưới thuyền của chú Hóa bán sành. Chú Hoá rất yêu trẻ con mà lũ trẻ thì cũng quý chú vì chú là một người đặc biệt, có thể dùng tay không đóng lút cây đinh thuyền cả tấc vào thân cột lim mà không hề đau đớn. Không những thế, chú Hóa lại là người biết làm ăn nên đã từng có thời khá giả.
Hồi đó tôi không hiểu vì sao người tốt như chú Hóa lại hay chịu thiệt thòi. Chú lấy vợ nhiều năm mà không có con. Đã thế lại còn lấy phải cô vợ đoảng, đã không biết làm ăn lại còn hay quà vặt. Chỉ ăn bánh đúc chợ làng mà thím Hóa mang nợ hết một thuyền sành sứ.
Chú Hoá vốn hiền lành thương vợ mà khi nghe chuyện còn bực đến nỗi thẳng tay vả vào mồm vợ mấy cái liền. Đêm đó cô vợ bỏ nhà mang theo toàn bộ vốn liếng của chú. Chú Hóa trắng tay lấy thuyền làm nhà lênh đênh cùng chợ phiên nay đây mai đó. Những chuyện này về sau tôi mới biết.
Phiên chợ tất niên năm Canh Thân, chú Hóa mở ra cho tôi biết bao điều kỳ diệu. Từ những con giống đỏ xanh được làm ra như thế nào bởi đôi tay gân guốc của lão câm mé đông chợ, đến tại sao con lợn mẹ trong tranh Tết lại có hoa trên gáy…
Đi chơi chợ cùng chú Hóa một hôm đó thôi mà tôi biết được đủ điều về những phong tục của làng quê, những điều mà sau này không làm sao tôi có thể chỉ bảo cho các con tôi suốt bao nhiêu năm ròng.
Lại nói về buổi chợ phiên năm đó, bà tôi bán thùng nếp cái hoa vàng chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ rồi quay lại tìm tôi. Hai bà cháu đi mua vàng hương, chơi một vòng chợ rồi trở về vì giờ này chắc ông ngoại cũng đã gói bánh chưng xong.
Nấu một nồi bánh chưng, việc đó đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là điều quan trọng nhất để chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy. Năm giờ chiều, khi nồi bánh bắc lên thì lửa hồng ấm mảnh sân sau, và màn đêm nhẹ nhàng buông xuống phủ lên tâm trí lũ trẻ làng những sắc màu miên man cổ tích.
Đó là đêm trắng đầu tiên của đời. Tôi nằm trong lòng bà ngoại mà ngỡ mình đang bồng bềnh trôi đi trên một dòng sông dài mãi mãi. Cảnh vật tôi nhìn thấy ở đôi bờ sông ấy cứ chập chờn chập chờn trong lời kể chuyện của ông tôi.
Bố mẹ tôi, các cậu, các dì, những người giờ này còn xa quê chưa về, tất cả đều hiện lên bên bờ sông thương nhớ của ông bà. Sự hiện diện của họ mờ ảo mong manh nhưng đẹp lắm! Về sau tôi mới biết, trong trí nhớ mẹ cha, mọi đứa con đều là những Ngọc Nữ Kim Đồng.
Bây giờ khi tôi ngồi kể cho con gái bé nhỏ của mình những câu chuyện ngày xưa, nó nghe mà tưởng là thần thoại. Năm năm, mười năm nữa, nếu kể chuyện này, biết đâu nó lại bảo tôi rằng lẩm cẩm. Bỏ cả đêm để nấu mấy cái bánh chưng mà chưa chắc ăn đã ngon bằng ở chợ.
Có thể lắm! Vì nó không biết rằng nồi bánh chưng chỉ là một cái cớ để con người ta ngồi lại bên nhau trọn một đêm trừ tịch, trọn một đêm để nghe đời mình trôi như dòng sông biếc.
Và khi tôi bắt đầu đi mua những chiếc bánh chưng chợ, hình như, đó là lúc tôi bắt đầu sợ Tết.
Theo Khampha