Những kiến nghị đề xuất đột phá về thể chế chính sách giúp doanh nghiệp Việt phát triển nhanh, bền vững và hội nhập

(Pháp lý). Mới đây, lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn đã trực tiếp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm xem xét có những đột phá về thể chế chính sách trong các lĩnh vực đào tạo, kinh tế xanh, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp không khói, thu hút đầu tư, công nghệ cao...nhằm giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hội nhập ...
1-1727153360.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngày 21/9/2024

Những kiến nghị đột phá về thể chế chính sách cho lĩnh vực đào tạo, công nghiệp phụ trợ , kinh tế xanh, công nghệ...

Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngày 21/9/2024, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup chia sẻ, Hội nghị lần này thể hiện sự quan tâm, động viên và là hành động truyền lửa để cộng đồng doanh nghiệp như VinGroup có thêm động lực, năng lượng phấn đấu phát triển kinh tế hơn nữa. Ông Phạm Nhật Vượng đã đưa ra đề xuất ở các nhóm vấn đề:

Thứ nhất, vấn đề về đào tạo. VinGroup đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa.

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… Cùng với thời gian, chúng ta sẽ tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này. “Thực tế, ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác”, ông Vượng tin tưởng. 

2-1727153370.jpg

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vin Group đề xuất nhiều đột phá trong lĩnh vực đào tạo, an sinh xã hội và công nghiệp phụ trợ

Thứ hai, vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, VinGroup mong Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.

Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.

VinGroup cũng đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Khi đó, sẽ rút ngắn được từ 6-9 tháng cho công tác này.

Đồng thời đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác…Trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…

Thứ ba, đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Nếu đẩy mạnh việc này thì Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh. Bước đầu, hiện nay chúng ta đã có một số doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất công nghiệp.

Về công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Bá Dương Chủ tịch THACO cho rằng, để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. Trường Hải may mắn “đi sớm” vào lĩnh vực cơ khí.

3-1727153370.jpg

Ông Trần Bá Dương Chủ tịch THACO phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Bá Dương cho biết: “Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng…”.

Trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn. Do đó, Tập đoàn Trường Hải cũng kiến nghị đối với công nghiệp phụ trợ, rất mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Anh hùng Lao động Thái Hương - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nhận định, đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia.

Nữ doanh nhân kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm chương trình sữa học đường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ em được uống sữa bảo đảm chất lượng; tập trung đất đai, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp - là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.

4-1727153370.jpg

Bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH phát biểu tại hội nghị

Thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, nông dân trở thành công nhân nông nghiệp - là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất. Hiện nay, quỹ đất đai của các nông, lâm trường còn rất lớn, trong khi sử dụng không hiệu quả. Do đó, bà kiến nghị Chính phủ cần đánh giá lại, từ đó tận dụng được các quỹ đất này để phát triển sản xuất, kết hợp phát triển du lịch gắn với sản xuất, làng nghề… Bà cũng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ủng hộ tập đoàn phát triển 3 dự án trồng rừng tại Nghệ An, Đắk Nông và Lâm Đồng.

5-1727153370.jpg

Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T phát biểu ý kiến tại hội nghị

Ông Đỗ Quang Hiển - Nhà sáng lập Tập đoàn T&T kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm, sớm xem xét dự án của Tập đoàn liên doanh với SK sản xuất hydrogen, thu hồi khí thải carbon cũng như liên doanh với một tập đoàn của Đan Mạch để xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi. T&T cũng đang hợp tác với một tập đoàn lớn của Ấn Độ để đầu tư một khu công nghiệp dược ở Việt Nam. Mong Chính phủ có cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao, đòi hỏi công nghệ, quản trị tài chính miễn là bảo đảm tuân thủ các quy định, nhất là liên quan an ninh quốc phòng; đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, mở rộng quy mô về vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%. Đặc biệt, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Cần thể chế hóa việc lựa chọn, cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư tư nhân vào các dự án trọng điểm, công nghệ cao...

Theo ông Đặng Minh Trường Chủ tịch Tập đoàn Sun Group, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế - xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.

6-1727153370.jpg

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch Tập đoàn Sun Group cũng kiến nghị xem xét, áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư. "Với cơ chế đặc thù theo mô hình kinh tế tự do thì chắc chắn Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mới của thế giới" .

Liên quan đến cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sun Group đề xuất thể chế hóa, với cơ chế đặc thù cho việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế-xã hội. Trong số đó, có cơ chế về giao đất, thuế đất; cơ chế ưu tiên các dự án có hiệu quả tổng hợp; tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục đầu tư theo hướng nhanh hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT; xem xét thí điểm mô hình, cơ chế đặc thù tương tự như mô hình khu kinh tế tự do trên thế giới; xem xét có chính sách thí điểm tạo điều kiện thuận lợi cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu bất động sản du lịch; có cơ chế đặc thù để hỗ trợ việc xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP nhằm kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch tiềm năng nhưng còn khó tiếp cận…

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SOVICO bày tỏ mong muốn lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, đồng thời, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các doanh nghiệp

7-1727153370.jpg

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico Group

Từ đó, hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm cũng mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng Khu công nghiệp.

8-1727153370.jpg

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings

Đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo triển khai nhanh.

Vì vậy, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings kiến nghị mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển khu công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng khu công nghiệp; khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo triển khai nhanh…

Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền cho rằng cần có cuộc cách mạng về trí tuệ, tư duy mới đột phá: theo đó cần tăng cường phân cấp, phân quyền vì ở bên dưới vẫn còn một “rừng cơ chế”; cần tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư về việc giải phóng mặt bằng, nếu không thì dự án triển khai rất lâu. Cần tăng cường giao trách nhiệm cho nhà đầu tư vì hiện nay các địa phương đều có các quy hoạch chung, không cần thiết trình lại dự án lên cấp trên thì mất thời gian; có các cơ chế đặc thù giao đất cho các doanh nghiệp phát triển dự án. Đối với các dự án đường cao tốc cần có các cơ chế đặc thù, nhất là trong sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

9-1727153370.jpg

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco Group phát biểu tại hội nghị

Nêu kiến nghị, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho rằng tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án. “Thủ tướng, các Phó Thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách không biết đi lối nào, ra lối nào. Tôi đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục”.

10-1727153370.jpg

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long để đất nước phát triển, cần tích cực tháo gỡ về thể chế chính sách, nhất là cần nhanh chóng, sửa đổi các luật nhanh hơn nữa, điều đó sẽ có lợi cho các doanh nghiệp, trong đó, ông lấy ví dụ Chính phủ cần sớm phê duyệt quy hoạch cảng biển vì vấn đề này liên quan chặt chẽ nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp.

Về phát triển công nghiệp phụ trợ, theo ông Trần Đình Long mong Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành có các chính sách cụ thể, rõ ràng ủng hộ, bảo hộ sản xuất trong nước trên cơ sở phù hợp các thông lệ quốc tế; có các chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp lớn. Ông kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các mỏ sắt trong nước để giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt cho doanh nghiệp, cụ thể là cần thiết đưa mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) vào hoạt động. Ông cũng bày tỏ, về vấn đề kỹ thuật, Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray các đường sắt tốc độ cao.

6 "tiên phong" dành cho doanh nghiệp

Chia sẻ với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham dự Hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế về quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và gửi tới các doanh nghiệp 6 đề nghị về tiên phong.

Thứ nhất là tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng của đất nước như là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Đẩy mạnh hơn các động lực tăng trưởng mới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm...

Thứ hai là tiên phong trong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.

Thứ ba là tiên phong trong tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, an sinh xã hội.

Thứ tư là tiên phong trong phát triển hạ tầng, nhất là tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng văn hóa. Trong đó, đặc biệt là hạ tầng giao thông như phát triển đường sắt cao tốc, phát triển đường cao tốc, đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng rồi hạ tầng chống biến đổi khí hậu và hạ tầng số.

Thứ năm là tiên phong trong góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ sáu là tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng, cùng phát triển.

Thành Chung (Tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin