Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng ngày 5/6.
Nóng vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng
Vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến ở thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Nhận định việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém diễn ra còn chậm, không đạt mục tiêu dự tính, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) dẫn chứng, vụ việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tháng 10 năm ngoái là một hệ luỵ nặng nề nhưng tất yếu của thực trạng trên.
Góp ý về vấn đề cụ thể, ông Đồng cho rằng, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, do làm gia tăng một số rủi ro chính. Đơn cử là rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu).
Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng chỉ ra rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, phát biểu tại họp tổ, chiều 5/6.
Ông Đồng dẫn chứng như Baovietbank và PVcombank có cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Vụ việc Trương Mỹ Lan - ngân hàng SCB; nhóm cổ đông tại ACB....
Dù có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn, nhưng thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay đối với các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này. ông Đồng lo ngại khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án “sân sau” của mình.
Cũng đề cập tới vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, đại biểu Đặng Ngọc Huy (Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Ngãi) cho rằng, tình trạng sở hữu chéo chưa giải quyết dứt điểm được, nhưng trong Luật Các tổ chức tín dụng chưa đề ra được quy định phòng ngừa tình trạng sở hữu chéo.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng, 2 ngân hàng yếu kém. Cụ thể, 3 ngân hàng 0 đồng đưa ra phương án chuyển giao, có ngân hàng sẵn sàng đứng ra nhận nhưng quá trình giải quyết rất chậm.
"Như Ocean Bank, tôi biết MB dự kiến tiếp nhận, nhưng từ năm ngoái đến năm nay, một năm thủ tục chưa xong, rất khó khăn", ông Huy nói.
Vị đại biểu Quảng Ngãi nêu thực tế bài học từ một số ngân hàng của Mỹ, Thụy Sĩ. Khi khó khăn họ cho phá sản hoặc sáp nhập, chứ Nhà nước không can thiệp.
Từ đó, ông đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đối với ngân hàng thuộc diện theo dõi, kiểm soát đặc biệt, áp dụng thông lệ quốc tế, tránh sự can dự sâu của Nhà nước.
Phải chấm dứt sở hữu chéo
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ trước đến nay, đóng góp của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại rất lớn. Song, khi thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cần thẳng thắn đặt ra các vấn đề như tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết Trung ương lần này cũng đã nhấn mạnh phải chấm dứt sở hữu chéo; chấm dứt chứ không phải hạn chế.
Bên cạnh đó, cần phải công khai những chủ sở hữu có vốn sở hữu tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, để người dân biết ai là người thực sự chi phối ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đó.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ chiều ngày 5/6.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam chưa có luật về tập đoàn tài chính, trong khi đó, trên thực tế đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tập đoàn tài chính; hoặc công ty mẹ - con, trong đó, công ty mẹ là một tổ chức tín dụng; hoặc một tập đoàn, song trong tập đoàn đó có tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn).
"Điều này cần được làm rõ quan hệ giữa doanh nghiệp, tập đoàn với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại như thế nào; báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin ra sao", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Pháp điển hóa cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi hỗ trợ xử lý nợ xấu
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc xử lý nợ xấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém muốn nhanh chóng và hiệu quả, cần phải đảm bảo được hai yếu tố: có đủ nguồn lực và thời gian xử lý phải nhanh.
Đại biểu đề xuất: trong luật cần có quy định và sau đó Quốc hội, Chính phủ cần có các quyết sách và điều chỉnh các pháp luật liên quan về cơ chế tài chính, nguồn và ngân sách năm; quy định cụ thể pháp điển hóa cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi hỗ trợ xử lý nợ xấu; có cơ chế tạo lập và phát triển được thị trường mua bán nợ xấu; cần bổ sung điều cấm và chế tài đối với các hành vi của tổ chức, cá nhân là khách hàng để xảy ra nợ xấu, làm cho việc xử lý nợi xấu bị khó khăn, kéo dài;…
Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu có những quy định đảm bảo tính chặt chẽ, nhất là quy định đối với tài sản bảo đảm, những vấn đề quản lý tài sản thế chấp bảo đảm. Cần có quy định trong trường hợp tài sản bảo đảm khi có sai khác giữa thực tế và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của người có tài sản thế chấp (như sai số về diện tích đất, tài sản trên đất, diện tích xây dựng...). Đồng thời, dự thảo luật cũng cần quy định rõ về quyền lợi, và nhất là trách nhiệm của người vay vốn có tài sản thế chấp bảo đảm nhưng được giao bảo quản để đảm bảo cho việc thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ…
Không cho phép ngân hàng cổ phần mua bán cổ phiếu
Cho ý kiến về quy định can thiệp sớm tổ chức tín dụng, một số ý kiến đề nghị rà soát lại toàn bộ các quy định tại Chương về can thiệp sớm theo hướng hạn chế tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước; Tăng trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn, người quản lý, giám sát tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng tổ chức tín dụng yếu kém.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần thiết tổ chức can thiệp sớm, nhưng trước khi tiến hành can thiệp cần tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động ngân hàng. Bên cạnh quy định trách nhiệm của người đứng đầu ngân hàng, cũng cần quy rõ trách nhiệm của ngân hàng cổ phần, ngân hàng ngoài nhà nước; đồng thời trong thời gian tiến hành can thiệp sớm, không cho phép ngân hàng cổ phần mua bán cổ phiếu.
Băn khoăn thời hạn chung cư
Liên quan đến quy định về thời hạn sử dụng chung cư, phát biểu ý kiến tại tổ, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, muốn tái thiết được những chung cư cũ, xuống cấp, không an toàn, phải quy định thời hạn sử dụng.
Theo ông Dũng, quy định chung cư có thời hạn là thể hiện Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân. Nếu đã có quy định, dù chưa đến thời hạn hoặc sát thời hạn mà chung cư xuống cấp, người dân tự nguyện đồng tình thì Nhà nước cũng đứng ra làm. Trong trường hợp nếu sở hữu chung cư không có thời hạn, đến lúc công trình xuống cấp, hỏng hóc, yêu cầu Nhà nước phải có trách nhiệm là điều phải tính toán lại.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng đồng tình với dự thảo cũ của Bộ Xây dựng theo hướng chung cư phải có thời hạn công trình. Trong trường hợp chung cư hết thời hạn, kiểm định vẫn tốt thì tiếp tục sử dụng, còn không đảm bảo thì phá dỡ.
Quang cảnh thảo luận Tổ 10 về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng ngày 5/6.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang) lại cho rằng, chung cư chính là lời giải cho nhu cầu nhà ở tại đô thị lớn. Luật này có tác động rất lớn nên cần đánh giá tác động kỹ lưỡng. Người dân sở hữu chung cư cần đảm bảo 2 quyền là sở hữu và sử dụng. Trước đây quy định sở hữu lâu dài nên khó khăn khi cải tạo chung cư cũ, giờ có thời hạn nên nhiều tâm lý trái chiều gây lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Dương cho rằng, dự thảo sau khi tiếp thu ở khoản 1 điều 60 lại gây khó khăn và khó hiểu hơn khi quy định: “Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là tuổi thọ công trình). Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định thiết kế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Dương, điều này gây tâm lý lo lắng cho người mua khi không biết thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế đó là 50 năm, 70 năm hay 90 năm. Dự thảo cũng chưa rõ tiêu chí chung cư hư hao bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu tầng thì thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng công trình. Ngoài ra, nếu thời hạn kiểm định sớm hơn hồ sơ thiết kế thì việc hỗ trợ, bồi hoàn thế nào...
Nghiên cứu "van" khoá tình trạng "bong bóng" bất động sản
Tham gia thảo luận tại tổ về Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Đinh Ngọc Minh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ông đã đọc cả 3 dự thảo luật, bao gồm Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Bất động sản nhưng vẫn chưa tìm thấy "van" để khoá tình trạng "bong bóng" bất động sản, "bong bóng" nhà ở.
Trong khi đó, hầu hết quốc gia châu Âu, Hàn Quốc đều có "van" điều tiết "bong bóng" bất động sản bằng cách đánh thuế việc mua nhanh bán ngay (mua bán "lướt sóng").
Nghĩa là, trong những trường hợp mua bán "lướt sóng", Nhà nước sẽ thu lại gần 50% lợi nhuận trong năm đầu tiên, đến năm thứ 2 Nhà nước thu ít đi và đến năm thứ 10 thì người mua nhà mới được mua nguyên giá theo thuế thông thường.
"Nếu Nhà nước đánh thuế bất động sản 2% thì đến năm thứ 10, người mua nhà mới được hưởng mức thuế này", ông Minh lấy ví dụ và cho rằng nên nghiên cứu xem xét có "van" để khoá tình trạng "bong bóng" bất động sản, "bong bóng" nhà ở và đưa vào một điều khoản trong Luật Nhà ở (sửa đổi) để điều tiết việc này.
Cần mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 14, ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, khoản 6 Điều 73 quy định công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH. Đại biểu cho rằng, hiện nay, các cụm doanh nghiệp đang xuất hiện nhiều, phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động. Vì vậy cần bổ sung thêm đối tượng công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc trong các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.
Cũng tại Điều 73, khoản 12 có quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định tại mục 3 của Chương này. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm "nhà ở xã hội" trong quy định này, bởi khái niệm nhà lưu trú công nhân chưa có trong các quy định khác. Đại biểu phản ánh, thực tế hiện nay việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp đều được triển khai, thu hút đầu tư xây dựng NƠXH theo Luật Nhà ở năm 2014. Việc đáp ứng nhu cầu thuê của doanh nghiệp, công nhân là việc rất quan trọng.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 15, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, tại khoản 2, khoản 3 Điều 74 về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH có quy định đối tượng là hộ gia đình nghèo, cận nghèo cư trú tại khu vực thành thị không được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở.
Đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, tại các đô thị miền núi không có sự khác biệt quá lớn về hộ nghèo, hộ cận nghèo nông thôn và hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực đô thị miền núi. Nếu quy định như trên sẽ rất thiệt thòi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của đô thị vùng miền núi. Đại biểu cho rằng, cần quy định theo hướng mở hơn để các hộ trên đều được hưởng chính sách về hỗ trợ NƠXH...
Đảm bảo giá nhà ở xã hội hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân.
Liên quan đến vấn đề giá nhà ở xã hội, thảo luận tại tổ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phân tích, hiện nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư hoặc doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng. Ông cho rằng, trường hợp dự án nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, tức lấy tiền từ ngân sách, dự thảo luật cần quy định rõ UBND tỉnh, thành phố có quyền giao chủ đầu tư thực hiện và "là người quy định giá bán và giá thuê".
Còn trường hợp doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Phớc nói cũng cần Nhà nước duyệt giá. Ông phân tích, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nhưng đất là Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất, Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa. Như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng. Còn nếu không, sẽ rơi vào "kênh" nhà ở thương mại…
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ sáng ngày 5/6.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nhận xét giá nhà ở xã hội đang chưa thống nhất với Luật Giá. Theo đó, luật này quy định nhà ở xã hội không sử dụng vốn Nhà nước, hay do tư nhân đầu tư vẫn thuộc phạm vi định giá của nhà nước. Trong khi đó, dự thảo Luật Nhà ở chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng phương án giá bán, cho thuê, trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán. Theo ông Thịnh, quy định về định giá giữa hai luật đang mâu thuẫn, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại để đảm bảo phù hợp giữa các luật.
Theo dự thảo luật, giá bán nhà ở xã hội được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở và các chi phí hợp lý của doanh nghiệp như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác.
Quy định này nhận được tán thành của đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng cần làm rõ các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý khi tính vào giá bán. Việc này để kiểm soát chặt giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân.
Điều kiện người đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội chưa phù hợp
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5/6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, dự thảo luật đang quy định điều kiện mua nhà ở xã hội là "công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân" nhằm bảo đảm công bằng đối với người thu nhập thấp nói chung, không phân biệt là làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.
Theo ông Toàn, quy định này sẽ loại bỏ hàng loạt trường hợp cũng cần hưởng chính sách được mua nhà ở xã hội, vì những người thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Chưa kể các khoản lo khác cho gia đình, con cái học hành...thì "lấy đâu tiền mua nhà". Do đó, cần quy định cụ thể là mức thuế bao nhiêu trở lên mới không được mua nhà xã hội.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ với đối tượng công nhân, người lao động làm trong khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức nếu áp dụng thêm giới hạn có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân là không phù hợp.
Theo bà Thanh, có những trường hợp nộp thuế nhưng thu nhập không đủ sống, cần cân nhắc mở rộng phạm vi thu nhập để mở rộng đối tượng này nhằm có chính sách cho công nhân có nhà ở và đảm bảo cuộc sống.
Thêm nữa, bà Thanh cho rằng hiện nay quy định về thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp. Quy định 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ năm 2020 đến nay, trong khi các mặt hàng tiêu dùng, chi phí sinh hoạt đã tăng sẽ là áp lực rất lớn cho người dân trong chi tiêu, đặc biệt tại các thành phố lớn, chứ chưa nói đến việc mua nhà.
Do đó, đại biểu Thanh nhấn mạnh, không nhất thiết chỉ là những người thuộc diện này, cần mở thêm đối tượng để gia tăng việc tiếp cận nhà ở xã hội, đảm bảo tính linh hoạt hơn.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP HCM) cũng đề nghị không quy định người lao động phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội. theo bà Tuyết, hiện mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, nhiều công nhân dù phải đóng thuế nhưng mức sống vẫn chật vật, khó khăn. Do vậy, cần bỏ điều kiện này.