Các báo cáo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cho thấy trong nửa đầu năm, Chính phủ đã hoàn thành một khối lượng lớn công tác xây dựng thể chế, pháp luật, nhưng nhiệm vụ trong nửa cuối năm của các bộ, cơ quan vẫn rất nặng nề.
Như tin đã đưa, đầu tuần tới, Chính phủ sẽ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật, xem xét, thảo luận hàng loạt dự án luật quan trọng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng thể chế. Các phiên họp Chính phủ thường kỳ trong những tháng đầu năm đều ưu tiên dành thời gian thảo luận thể chế, chính sách. Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 9 dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến, 01 đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội xem xét, thông qua 07 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật.
Chính phủ đã ban hành 57 Nghị định, 23 Quyết định quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực theo thẩm quyền, 57 Nghị quyết, 18 Chỉ thị, 2.589 văn bản điều hành khác để chỉ đạo, giải quyết các vấn đề cụ thể.
Đồng thời, ban hành kế hoạch tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; kế hoạch tổ chức tổng kết Nghị quyết số 48 và 49 của Bộ Chính trị về chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong thời gian qua, các Bộ, ngành đã nỗ lực, cố gắng trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được kịp thời xây dựng, trình ban hành, bước đầu đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự mong đợi của người dân. Tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có chuyển biến hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực chậm được ban hành, gây khó khăn, lúng túng trong việc thi hành luật, pháp lệnh; nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được thể chế hóa (như vấn đề quản lý nhà nước đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước, cạnh tranh trung thực, kiểm soát độc quyền).
Còn theo Bộ Tư pháp, trong nửa đầu năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ưu tiên dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ ban hành 06 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 quyết định để chỉ đạo đôn đốc công tác xây dựng pháp luật, phân công soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết.
Ngoài việc yêu cầu các bộ khẩn trương trình đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung nguồn lực bảo đảm tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết.
Bộ Tư pháp đánh giá, các bộ, cơ quan ngang bộ đã cố gắng trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Cơ bản các dự án, dự thảo được trình đúng tiến độ; số lượng các dự án được Quốc hội thông qua chiếm tỷ lệ lớn. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Kết quả này thể hiện sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chuyển biến về nhận thức, sự quyết tâm, đầu tư của các bộ, ngành trong công tác xây dựng thể chế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số tồn tại, hạn chế. Vẫn còn dự án luật lùi thời hạn trình (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)); một số dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.
Về nguyên nhân khách quan, theo Bộ Tư pháp việc rút, lùi các dự án luật là do có vấn đề mới quan trọng, chưa được thực hiện trong thực tiễn nên cần thêm thời gian nghiên cứu; một số luật có nhiều nội dung giao quy định chi tiết, dẫn đến nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết (70 văn bản).
Tuy nhiên, về nguyên nhân chủ quan, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, nhưng có trường hợp chưa sát với thực tiễn, chưa có định hướng rõ ràng về chính sách hay lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự án, dự thảo văn bản.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế, nhiều thành viên Ban soạn thảo chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm dẫn tới các nội dung cần xin ý kiến phải trao đổi giữa các bộ nhiều lần, kéo dài thời gian soạn thảo; có bộ chưa thực sự chủ động, chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc cập nhật thông tin tiến độ soạn thảo, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, đôn đốc tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết.
Trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung, tổ chức soạn thảo văn bản. Nhiều trường hợp nội dung giao quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách, dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Theo Bộ Tư pháp, trong 6 tháng cuối năm 2019, các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội 18 dự án luật tại Kỳ họp thứ 8, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua 01 dự thảo Pháp lệnh; trình Chính phủ xem xét, thông qua 10 dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Về nhiệm vụ xây dựng văn bản quy định chi tiết, theo số liệu cập nhật của Văn phòng Chính phủ, tính tới ngày 31/7, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 15 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực. Ngoài ra các cơ quan còn phải xây dựng 61 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ năm 2020.
Như vậy, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ là rất nặng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng kiến nghị, những tháng cuối năm, trong số các nhiệm vụ cải cách hành chính, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi pháp luật, tập trung hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, quản lý công chức, viên chức, thể chế liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai Chính phủ điện tử.
Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với các luật, pháp lệnh, không để phát sinh nợ đọng mới.
Cùng với đó, các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành…
Theo baochinhphu.vn
Nguồn bài viết: http://baochinhphu.vn/thoi-su/nhiem-vu-xay-dung-phap-luat-cuoi-nam-rat-nang-ne/372092.vgp