Nhận thức và cách tiếp cận về quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

24/06/2016 06:50

(Pháp lý) - Nhân quyền hay quyền con người được coi là một trong những thành quả vĩ đại nhất của nhân loại, làm biến đổi thế giới loài người. Nhân quyền hiện nay đang trở thành vấn đề mang tính thời sự, là đề mục quan trọng trong các chương trình nghị sự của Liên hợp quốc và các tổ chức thành viên. Mặc dù vậy, đây cũng là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Do đó, nhận thức và cách tiếp cận đúng có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao nhận thức, tạo tiền cho việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch xung quanh vấn đề này. Bài viết nhằm cung cấp hướng tiếp cận mới trên cơ sở xem xét tính thống nhất biện chứng giữa tính tự nhiên và xã hội, tính phổ quát và đặc thù của quyền con người.

Quyền con người và sự thống nhất biện chứng giữa tính tự nhiên và xã hội

Quyền con người (Human rights) là những giá trị thiêng liêng, cao quý kết tinh từ nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Đây là tiếng nói, mục tiêu và phương tiện chung để bảo vệ và thúc đẩy nhân phẩm và hạnh phúc vốn có của con người. Tuy có những sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung, quyền con người có thể được quan niệm là những phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có của con người, được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận, nhằm tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền sống, tự do, hạnh phúc của con người.

[caption id="attachment_143180" align="aligncenter" width="298"]Hiến pháp năm 2013 đã dành hẳn Chương II  quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Hiến pháp năm 2013 đã dành hẳn Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân[/caption]

Quyền con người một mặt phản ánh các đặc trưng tự nhiên, vốn có của con người, đó là những nhu cầu căn bản nhất về vật chất và tinh thần, như: ăn, mặc, ở, đi lại,… Những quyền này luôn là những quyền mang tính đặc quyền (những quyền chỉ có ở con người), và là những quyền phổ biến, không thể bị chia cắt, tước bỏ hoặc từ chối, không phân biệt địa vị xã hội, sắc tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo,… Như vậy, quyền con người phản ánh bản chất tự nhiên vốn có của con người. Đây là cơ sở để khẳng định tính phổ quát, và là căn cứ để xây dựng những chuẩn mực chung về quyền con người.

Bên cạnh thuộc tính tự nhiên, quyền con người còn mang tính xã hội. Đó là quyền của những cá nhân sống trong những cộng đồng xã hội nhất định. Nó phản ánh khả năng hành động, trước hết là hành động có ý thức, nhằm đạt được những mục đích và tự bảo vệ mình. Ở đây chúng ta thấy rằng, chỉ bằng nhu cầu và khả năng của con người chưa thể tạo thành quyền mà cần có những thiết chế, thể chế xã hội nhất định thừa nhận và bảo đảm - khi đó quyền mới hình thành. Về vấn đề này, C. Mác đã chỉ rõ: “Con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu ở đâu đó ngoài thế giới, con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội” .(C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H 1994, tập 1 tr.569). Quyền con người là biểu hiện nhân phẩm của thực thể tự nhiên có tính người . (C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H 1994, tập 42, tr.324). Như vậy, bên cạnh thuộc tính tự nhiên, quyền con người còn phản ánh bản xã hội, nghĩa là nó cần được bảo đảm bằng một thể chế xã hội nhất định.

Quyền con người luôn bao hàm sự thống nhất biện chứng giữa tính tự nhiên và xã hội, giữa tính phổ biến và đặc thù. Không có quyền con người chỉ hoàn toàn mang tính tự nhiên, và ngược lại cũng không có quyền con người chỉ thuần túy mang tính xã hội. Đây là cơ sở quan trọng trong cách tiếp cận về nhân quyền.

Cách tiếp cận về quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Quyền con người là một phạm trù đa diện được nhiều ngành khoa học nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau với những cách nhìn nhận khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Mỗi quốc gia, dân tộc do ảnh hưởng bởi các yếu tố truyền thống văn hóa, chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội sẽ có những khác biệt nhất định trong cách nhìn về vấn đề này. Trước đây, chúng ta luôn quan niệm nhân quyền là vấn đề nhạy cảm, gắn với việc áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền phương Tây nên vấn đề nhân quyền và các chiều cạnh của nó chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, bài bản. Hệ quả là chúng ta chưa bắt kịp sự phát triển của lý luận về nhân quyền, và thường bị động trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận xung quanh vấn đề này.

Ngày nay, quyền con người đã trở thành vấn đề phổ quát toàn cầu mà bất kỳ quốc gia, dân tộc nào đều phải tôn trọng và thực hiện. Đó là những giá trị cao quý nhất kết tinh của văn hóa quyền - thành quả đấu tranh của nhân loại qua hàng nghìn năm lịch sử. Tuy nhiên, nhân quyền cũng là vấn đề mà các nước phương Tây sử dụng như một “công cụ chính trị, ngoại giao” để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Lợi dụng tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, các thế lực cực hữu phương Tây mưu toan áp đặt “tiêu chuẩn kép” về nhân quyền đối với các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước có sự khác biệt về ý thức hệ. Trước tình hình trên, công luận ở các nước đang phát triển đã vạch trần việc các nước phương Tây tìm cách áp đặt các tiêu chuẩn nhân quyền thiên về chủ nghĩa cá nhân, bằng cách lồng ghép trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương. Trong hợp tác kinh tế, văn hóa, nhất là việc trợ phát triển… họ thường kèm theo yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn nhân quyền theo chuẩn mực phương Tây.

[caption id="attachment_143185" align="aligncenter" width="410"]Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Việt Nam: Những cơ hội và thách thức” Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Việt Nam: Những cơ hội và thách thức”[/caption]

Quyền con người có tính phổ biến, không bị chia cắt, phụ thuộc và thúc đẩy lẫn nhau. Đặc trưng quan trọng này được pháp luật quốc tế và quốc gia công nhận, bao gồm những chuẩn mực cơ bản, tối thiểu để các quốc gia tuân thủ, không phân biệt khu vực địa lý hay những khác biệt về chế độ chính trị. Tính phổ biến của quyền con người có xuất phát điểm từ những thuộc tính mang tính tự nhiên của con người. Khẳng định điều này có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ trong xây dựng các chuẩn mực pháp lý về nhân quyền, mà còn là chỗ dựa cho cuộc đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm nhân quyền. Các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền đó chính là tập hợp các giá trị và nguyên tắc chỉ đạo mà chính phủ các nước trên thế giới đồng ý, và là những điều cần thiết để mọi người được sống trong danh dự và sự tôn trọng cho dù họ là ai và bất kể nơi sinh sống. Các chuẩn mực pháp lý này cần được phổ quát ở cả cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia. Đây là yêu cầu rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh một thế giới toàn cầu hóa và biến đổ, với sự phức tạp và đan cài lợi ích, cùng với sự xuất hiện của các nguy cơ về chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, biến đổi khí hậu, cạn kiện tài nguyên và nguồn nước,…Từ đó dẫn đến nhu cầu phải phổ quát hóa các quyền con người trên các cấp độ và lĩnh vực, không phân biệt sự khác biệt về thể chế chính trị, khu vực địa lý.

Bên cạnh tính phổ biến, với tư cách là giá trị chung của xã hội loài người, quyền con người còn chứa đựng những giá trị đặc thù, gắn liền với một thể chế chính trị nhất định và những điều kiện kinh tế, văn hóa, truyền thống lịch sử của từng quốc gia dân tộc. Năm 2001, UNESCO đã thông qua Tuyên ngôn về đa dạng văn hóa, trong đó nhấn mạnh việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa, và coi đây là cách tốt nhất để bảo đảm hòa bình và an ninh trên thế giới. Cơ sở của tính đặc thù của quyền con người là những thuộc tính xã hội của nó. Mỗi cá nhân con người đều sống trong những cộng đồng nhất định, và quyền con người chỉ có thể được bảo đảm thông qua một thể chế xã hội nhất định. Nếu không có sự bảo đảm của một thể chế nhà nước, với tư cách là tổ chức đại diện quản lý mọi mặt đời sống xã hội, thì các quyền con người sẽ khó trở thành hiện thực. Nhà nước không chỉ ghi nhận và bảo vệ các quyền con người mà còn là tổ chức nắm trong tay những nguồn lực, công cụ quan trọng nhất để bảo đảm các quyền con người được thực hiện trên thực tế. Mặt khác, quyền con người luôn mang tính đối quyền, tức là những quyền được thừa nhận trong một cộng đồng xã hội nhất định. Không có quyền con người chung chung, trừu tượng mà nó luôn phải gắn liền với một quốc gia dân tộc với những yếu tố bản sắc, truyền thống và chịu sự chi phối của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện thời. Trong thực tế, phần lớn các quyền con người được ghi nhận và khẳng định dưới hình thức quyền công dân.

Nhận thức về quyền con người chúng ta thấy tính giới hạn, tương đối và tính thống nhất biện chứng của nó. Tuyệt đối hóa tính phổ biến hay tính đặc thù của quyền con người đều dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức và bảo đảm các quyền con người. Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, không có quyền con người giống nhau cho tất cả các dân tộc. Quyền con người cần được nhìn nhận là những giá trị kết tinh của văn hóa quyền, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống lịch sử của một quốc gia dân tộc nhất định.

Hiện nay, vấn đề nhân quyền lại bị các thế lực thù địch, chống đối khai thác và lợi dụng triệt để nhằm thực hiện âm mưu chính trị phản động, đen tối của chúng, chúng đã xuyên tạc, lôi kéo, kích động các tầng lớp nhân dân để gây rối an ninh trật tự của các nước và tiến tới lật đổ, cướp chính quyền, chính vì vậy việc xây dựng cách tiếp cận phù hợp về quyền con người, tổ chức nghiên cứu, giảng dạy và thiết lập các cơ chế bảo vệ nhân quyền, đấu tranh chống lợi dụng nhân quyền là một nhu cầu khách quan, bức xúc. Chỉ có giác ngộ sâu sắc và có cơ chế tổ chức thích hợp để bảo vệ và phát triển các giá trị bền vững của nhân quyền thì nhân loại tiến bộ mới có thể tiếp tục vững bước trên con đường tự do, hạnh phúc, công bằng, văn minh và phát triển.../.

Th.S NGUYỄN ĐỨC TRUNG
Khoa Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Bạn đang đọc bài viết "Nhận thức và cách tiếp cận về quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin