Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp: Đừng chỉ nói 10, mà làm được 1, được 2!

“Người dân, doanh nghiệp đã nhiều lần nghe Chính phủ tuyên bố, hứa hẹn điều tốt đẹp rồi. Họ vẫn luôn mong chờ xem thực thi nghị quyết sẽ như thế nào. Hay chỉ nói 10 rồi làm được 1, được 2...”

[caption id="attachment_140868" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.[/caption]

Cán bộ, công chức là yếu tố quyết định

Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được ban hành với những mục tiêu và phương thức thực hiện rất cụ thể.

Trước đó, ngày 28/4, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, cùng với hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4, Chính phủ đã ban hành đến hai nghị quyết quan trọng liên quan đến môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Theo ông Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và đầu tư Hải Dương, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư: Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, Thủ tướng, được cộng đồng doanh nghiệp đón đợi, hiện thực hóa thông điệp, cam kết mạnh mẽ đã được Thủ tướng phát đi: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế.

“Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phải tôn trọng doanh nghiệp, phải trả lời đến nơi đến chốn những kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, không để tình trạng nước đổ lá khoai, gió vào nhà trống”.

Ông Hiền nhận xét, Nghị quyết 35 đưa ra mục tiêu, các nguyên tắc và nhóm giải pháp rất cụ thể. Đặc biệt, nghị quyết đã xác định và nhấn mạnh quan trọng của đội ngũ thực thi, đó là cán bộ, công chức luôn - đây chính là khâu quan trọng nhất quyết định mọi thành công.

Nghị quyết đã nhấn mạnh: Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng đó là công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.

Ông Hiền cho rằng, với Nghị quyết 35, chúng ta có Nghị quyết hay, sát thực tế rồi, điều quan trọng là các bộ, Ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội “xắn tay”, quyết liệt thực hiện cho bằng được.

Đừng chỉ nói 10 chỉ làm được 1, được 2

Trả lời trên VTV, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội nói: Trước tiên đối với bất kỳ nghị quyết nào thì quan trọng vẫn là tính thực thi.

“Người dân, doanh nghiệp đã nhiều lần nghe Chính phủ tuyên bố, hứa hẹn điều tốt đẹp rồi. Họ vẫn luôn mong chờ xem thực thi sẽ như thế nào. Hay chỉ nói 10 rồi làm được 1, được 2”, ông Thành hy vọng với Nghị quyết 35, đây chính là lúc Chính phủ thực sự quyết tâm giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp.

Nói về Nghị quyết này, ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận xét: Nghị quyết quá đầy đủ, điều quan trọng nhất đối với Chính phủ là hãy hành động, thực hiện tất cả những gì đã viết ra.

Ông Vinh nhấn mạnh một thực tế đã được phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, đó là có một khoảng cách không nhỏ giữa các luật đưa ra, các chỉ đạo của Chính phủ với cấp thực hiện.

“Nghị quyết, văn bản pháp luật quy định như vậy, nhưng khi đến cấp thực hiện thì hoàn toàn không phải như vậy”, ông Vinh nói và cho rằng đây là vấn đề rất đáng quan ngại vì ý chí và chỉ đạo của Chính phủ đã có nhưng các cấp dưới không thực hiện hoặc bóp méo đi trong thực hiện – đây là vấn đề vô cùng nan giải và là vấn đề lớn nhất.

Giám đốc một doanh nghiệp khi chia sẻ với phóng viên cũng bảy tỏ kỳ vọng với Nghị quyết 35, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như trong thời gian qua sẽ được khắc phục, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Vị này cho biết, đối với các doanh nghiệp, họ sợ nhất thói cửa quyền và vô cảm, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi. “Hy vọng nghị quyết 35 với những quán triệt mạnh mẽ sẽ giải quyết được vấn nạn này. Có như vậy, doanh nghiệp mới lớn được, mạnh lên được. Nghị quyết mới đi được vào thực tế, thực sự có ích cho doanh nghiệp”.

Theo Bizlive

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin