Nếu không vì lo ngại tham nhũng, Mỹ đã là “nhà đầu tư số 1” của Việt Nam?

Những năm gần đây, Việt Nam thường xuyên chứng kiến những cuộc "đổ bộ" của các tên tuổi lớn đến từ Mỹ. Tuy nhiên, nhìn chung, tham nhũng vẫn là mối lo ngại của phần lớn doanh nghiệp Mỹ khi tìm hiểu thị trường Việt Nam, khiến Mỹ chưa thể là “nhà đầu tư số 1” như kỳ vọng của hai nước.

Các tập đoàn Mỹ đã coi Việt Nam là “thị trường chiến lược”?

Ở những góc ngã tư của các thành phố lớn, thỉnh thoảng người ta lại gặp một cửa hàng đồ ăn nhanh KFC, McDonald’s hay gần đây là Starbuck’s. Mặc dù trên thực tế, Mỹ vẫn chưa phải là “nhà đầu tư số 1” tại Việt Nam như kỳ vọng của hai nước, nhưng sự hiện diện của người Mỹ lại rất gần gũi và quen thuộc, tạo nên một nét văn hóa mới, đầy năng động và hiện đại, lôi cuốn người tiêu dùng Việt Nam trẻ tuổi.

[caption id="attachment_141020" align="aligncenter" width="410"] Nhiều thương hiệu đình đám của Mỹ nhanh chóng xuất hiện tại Việt Nam
Nhiều thương hiệu đình đám của Mỹ nhanh chóng xuất hiện tại Việt Nam[/caption]

Đến hết năm 2015, ước tính có khoảng trên 11,1 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Mỹ “rót” vào Việt Nam, xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, quy mô bình quân vốn đầu tư đạt khá cao với 15 triệu USD/dự án.

FDI của Mỹ tại Việt Nam chủ yếu tập trung tại lĩnh vực lưu trú và ăn uống với 17 dự án, tổng vốn đăng ký gần 4,7 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước này tại Việt Nam.

Tuy nhiên, không chỉ có Coca-Cola, Pepsico, hay các chuỗi cửa hàng ăn nhanh phủ sóng trên toàn quốc, người Mỹ còn tới Việt Nam với những cái tên đầy “sừng sỏ” như Intel, Microsoft, P&G, Jabil, Microchip…

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam nổi bật về tiềm năng tiêu dùng và cơ hội mới; do đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Việt Nam có khả năng tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn tới.

Cơ quan này cho hay, một trong những điều quan trọng nhất là chi phí lao động thấp. Chi phí nhân công tăng vọt tại Trung Quốc đang khiến nhiều hãng sản xuất đa quốc gia của Mỹ hướng sự chú ý vào nơi rẻ hơn 50% là Việt Nam.

Điển hình là Microsoft, từ cuối năm 2014, doanh nghiệp này đã chuyển các nhà máy sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn.

Theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài, không chỉ đưa các dây chuyền sản xuất về Việt Nam, mang đến những phần mềm, thiết bị và giải pháp mà Microsoft còn tập trung đầu tư về nhân sự, góp phần phát triển các kĩ năng và nguồn lực cho lực lượng IT ở Việt Nam.

“Điều này cho thấy các tập đoàn Mỹ đã coi Việt Nam như một thị trường chiến lược vì những lợi ích lâu dài chứ không chỉ vì những lợi ích trước mắt”, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Ngoài ra, nếu nói về quan hệ Việt - Mỹ ở thời điểm hiện tại không thể không nhắc tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này đã thúc đẩy nhiều công ty Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Cụ thể, nếu như năm 2013 chỉ có 22 doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu môi trường kinh doanh thì trong nửa đầu năm 2014, đã có đến 3 đoàn doanh nghiệp với số lượng lớn (gồm nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil...) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Hồi năm ngoái, đoàn hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng. Sự quan tâm này sẽ càng lớn hơn khi Việt Nam tham gia TPP. Đây là điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ gia tăng đầu tư trong đó có việc không ngừng mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng phân tích rằng, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng chính là các thế mạnh sản xuất và đầu tư của Mỹ và hiện đang được các nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm. Có thể kể đến dầu khí (Exxon Mobil, Chevron…), hàng không (Boeing, ADC - HAS Airport), công nghệ thông tin (Microsoft, Intel, Apple, HP) và điện (General Electric, General Atlantis, AES)…

[caption id="attachment_141019" align="aligncenter" width="410"] Dự báo sẽ có nhiều thương vụ lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam lần này
Dự báo sẽ có nhiều thương vụ lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam lần này[/caption]

Nhiều rào cản với “nhà đầu tư số 1 tiềm năng”

Tuy nhiên, cơ quan đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng nhận xét, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn thấp so với tiềm năng. So sánh con số vốn doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Singapore và Malaysia, có thể thấy việc thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa.

Vậy điều gì đang là rào cản khiến Mỹ - cho đến nay vẫn chưa thể là nhà đầu tư số 1 của Việt Nam? Lý do trước hết chính là vấn đề về minh bạch và tham nhũng.

Có tới 69% số doanh nghiệp Mỹ được hỏi đã trả lời rằng tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam. Tính minh bạch của khuôn khổ pháp lý chưa cao tạo điều kiện cho tham nhũng và việc thực thi pháp luật không nhất quán ở các địa phương.

Bên cạnh đó, sự hạn chế về kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông ở Việt Nam đã góp phần làm cho các nhà đầu tư FDI nản lòng.

Ngoài ra, điểm mạnh về lao động giá rẻ cũng chính là điểm yếu của Việt Nam. Theo đó, sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao đã làm cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc gia tăng chuỗi giá trị, ngay cả khi họ phải tăng thêm chi phí cho lao động.

Mặc dù, Việt Nam hiện nay có lợi thế về chi phí lao động so với Trung Quốc, nhưng không dễ tuyển dụng được nguồn lao động có tay nghề sẵn có đáp ứng được các ngành sử dụng công nghệ cao, mà phải mất thêm chi phí để đào tạo.

Trong khi đó, trong 5 năm qua, những chi phí như lao động, thuê văn phòng, nhà ở đã gia tăng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đáng kể, chưa làm hài lòng nhiều nhà đầu tư.

Tóm lại, đối với cộng đồng kinh doanh Mỹ, việc Việt Nam chủ động tham gia Hiệp định TPP làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ, khiến cho thị trường Việt Nam “khác biệt” so với các quốc gia khác tại khu vực ASEAN không phải là thành viên TPP. Vì vậy, Việt Nam sẽ có thể là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc.

Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Mỹ hiện đang có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam như: Tập đoàn Nike, Inc, Tập đoàn dệt may Mast Industries, Ltd, P&G… Phòng Thương mại Mỹ ở Singapore (Amcham Singapore) cũng công bố khoảng 57% doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong khu vực ASEAN đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất để mở rộng đầu tư.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam lần này, nhiều dự báo cho rằng, doanh nghiệp hai bên cũng sẽ có những hợp đồng “khủng”.

Tuy vậy, trong lâu dài, nếu Việt Nam muốn trở thành điểm dừng chân của các nhà đầu từ Mỹ nói riêng và các FDI chất lượng nói chung thì Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để gia tăng tính minh bạch và cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Dantri

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin