Năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023: Bảo hiểm y tế chi trả hơn 5.300 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh cho học sinh, sinh viên

Những năm qua, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT của học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được đảm bảo, đúng quy định. Theo thống kê trong 2 năm 2021 và 2022, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng gần 3 triệu HSSV sử dụng thẻ BHYT với khoảng 6,1 triệu lượt KCB BHYT, tổng chi phí KCB BHYT của nhóm HSSV bình quân/năm là hơn 2.500 tỷ đồng.
1-1695258994.jpg

Tham gia BHYT quyền lợi khám chữa bệnh của HSSV luôn được đảm bảo

BHYT đồng hành bảo vệ sức khỏe cho HSSV

Năm học 2022-2023, cả nước đạt tỷ lệ hơn 97% tổng số HSSV tham gia BHYT. Kết quả này đồng nghĩa với việc có trên 18,8 triệu HSSV được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Trong đó, nếu không may ốm đau, tai nạn… các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán với số tiền KCB không giới hạn trong phạm vi, mức hưởng. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải qua các đợt điều trị, dài ngày như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch… đã được quỹ BHYT chi trả từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Nhờ đó, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như các em sẽ có thêm động lực, yên tâm điều trị bệnh để sớm được quay trở lại học tập.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2022, cả nước có khoảng 3,5 triệu HSSV KCB BHYT với gần 7,4 triệu lượt KCB, số tiền được quỹ BHYT chi trả là 3.142 tỷ đồng. Tương tự, 8 tháng đầu năm 2023, số HSSV KCB BHYT khoảng 2,7 triệu với số lượt khám là 5,2 triệu, số tiền được quỹ BHYT chi trả là 2.174 tỷ đồng.

Năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, nhiều trường hợp HSSV đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn:

Chi phí từ 100 - 200 triệu: có 1.435 HSSV/15.620 lượt KCB, chi phí quỹ BHYT chi trả là 194,4 tỷ đồng; Chi phí từ 200 - 500 triệu đồng: có 568 HSSV/6.489 lượt KCB, chi phí quỹ BHYT chi trả là 165,5 tỷ đồng; Chi phí từ trên 500 triệu đồng: có 66 HSSV/817 lượt KCB, chi phí quỹ BHYT chi trả là 43 tỷ đồng.

Kịp thời chi trả hảng tỷ đồng với học sinh mắc bệnh hiểm nghèo

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là 1,07 tỷ đồng (trong năm 2022): mã thẻ HS4797937XXXXXX, sinh năm 2006, địa chỉ 18A Đô Đốc Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh; chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh của hốc mắt, Viêm cơ tim cấp, Di chứng tổn thương nội sọ”.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ hai là 1,04 tỷ đồng (trong năm 2022): mã thẻ HS4828222XXXXXX, sinh năm 2008, địa chỉ xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền, Sốt xuất huyết nặng”.

picture1-1706501921.png

Trường THCS An Khánh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức truyền thông về chính sách BHYT chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Một trường hợp khác, cũng được quỹ BHYT chi trả 1,04 tỷ đồng (trong đó năm 2022 được chi trả 0,66 tỷ đồng, 08 tháng đầu năm 2023 được chi trả 0,38 tỷ đồng): mã thẻ HS4013520XXXXXX, sinh năm 2014, địa chỉ 12 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; chẩn đoán bệnh chính là "Gan xơ hóa, Viêm đường mật, Teo đường mật…”.

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả 0,92 tỷ đồng (trong đó năm 2022 được chi trả 0,69 tỷ đồng, 08 tháng đầu năm 2023 được chi trả 0,23 tỷ đồng): mã thẻ HS4010123XXXXXX, sinh năm 2007, địa chỉ phường Gia Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; chẩn đoán bệnh chính là "Nhiễm khuẩn huyết não mô cầu không đặc hiệu, Viêm gan virus cấp khác, Suy tủy xương vô căn… ”.

Có thể khẳng định, BHYT là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực, quan trọng, góp phần hiệu quả trong công tác KCB, chăm sóc sức khỏe HSSV nói riêng và người dân nói chung. Tham gia BHYT HSSV không chỉ để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ mà còn thể hiện trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tinh thần tương thân tương ái của các em để chia sẻ rủi ro với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe.

PV

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin